Triển vọng và thách thức đối với sự phục hồi kinh tế Malaysia

05:30' - 02/05/2021
BNEWS Nền kinh tế và thị trường lao động của Malaysia đã sẵn sàng cho sự phục hồi nếu nước này thành công trong việc ngăn chặn một làn sóng dịch COVID-19 tiềm tàng khác bùng phát.

Đây là nhận định của tiến sỹ Lee Hwok-Aun, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore).

* Cẩn trọng với sự lạc quan thái quá
Khi Malaysia triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và nền kinh tế đang vận hành hết công suất, triển vọng phục hồi kinh tế của nước này trở nên tươi sáng. Quốc gia Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ thoát khỏi mô hình con lắc của suy thoái lũy tiến do COVID-19 trong năm 2020, hiện vẫn đang gây khó khăn cho nhiều nước trên thế giới.
Lệnh Kiểm soát đi lại (MCO) đầu tiên và cũng là nghiêm trọng nhất mà Chính phủ Malaysia áp dụng trong giai đoạn tháng 3-5/2020 đã khiến GDP nước này thu hẹp 17% trong quý II/2020. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,3% trong tháng 2/2020 lên 5,3% vào tháng Năm cùng năm.
Các biện pháp cứu trợ, đặc biệt là trợ cấp tiền lương và hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình và doanh nghiệp siêu nhỏ đã giúp ngăn chặn nền kinh tế sụp đổ. Khi các biện pháp kiểm dịch được nới lỏng và các hoạt động bắt đầu phục hồi, nền kinh tế Malaysia dần khởi sắc, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,6% vào tháng 9/2020.
Làn sóng bùng phát COVID-19 thứ 3 vào cuối năm 2020 đã làm giảm động lực trên. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,8% trong giai đoạn 2 tháng cuối năm ngoái. Ngay đầu năm 2021, quốc gia Đông Nam Á đã dứt khoát ban hành MCO 2.0 cùng nhiều gói kích thích kinh tế.
Mặc dù dịch bệnh bùng phát trở lại nhưng giới chức Malaysia thể hiện rõ sự lạc quan khi nhiều tín hiệu cho thấy sự mở rộng sản xuất và giao thương cả trong nước và toàn cầu. Chính phủ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 6-7,5%, đây là một sự thay đổi lớn so với mức giảm 5,6% trong năm 2020.
Theo thông tin thị trường lao động mới nhất, tỷ lệ thất nghiệp vẫn dao động ở mức 4,8% đến 4,9% trong thời gian từ tháng 1-2/2021. Chính phủ Malaysia dự kiến tỷ lệ này giảm dần xuống còn 4,3%. Theo Tiến sỹ Lee Hwok-Aun, đến cuối năm 2021, thị trường việc làm vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn về mức trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Danh sách đăng ký các trường hợp mất việc làm (LOE) của Hệ thống Bảo hiểm Việc làm (EIS) cung cấp các dữ liệu bổ sung về tình trạng thị trường lao động, cho thấy số lao động có kỹ năng cao có nhiều khả năng nộp đơn LOE và yêu cầu các quyền lợi EIS hơn.

So sánh các LOE hàng tháng kể từ tháng 1/2020, tình hình thất nghiệp tại Malaysia đầu năm 2021 đã ổn định dù chưa thể thiết lập quỹ đạo tích cực. 
Tiến sỹ Lee Hwok-Aun nhận định, với những yếu tố đã được xem xét, và chưa tính đến những rủi ro trong quá trình tiêm chủng hoặc không thể ngăn chặn được các làn sóng bùng phát COVID-19 tiềm ẩn, nền kinh tế và thị trường lao động Malaysia dường như đã sẵn sàng phục hồi, mặc dù tốc độ không chắc chắn và ngành du lịch vẫn còn suy thoái nghiêm trọng.

* Kết hợp giữa kỹ năng và việc làm
Với Malaysia, một số vấn đề cố hữu chưa được giải quyết đang nổi lên với mức độ khẩn cấp hơn và cần nhanh chóng được khắc phục. Thứ nhất, việc làm bị mất hàng loạt và lương cắt giảm khiến nhu cầu tạo việc làm và khoản ngân sách bổ sung để hỗ trợ cho người thất nghiệp là vô cùng lớn.

Tuy nhiên, giai đoạn tập trung cao độ vào sự tăng trưởng và phúc lợi xã hội này sẽ mang lại cơ hội để điều chỉnh lại nền kinh tế theo hướng tạo ra việc làm tốt với mức lương cao.
Những sáng kiến này có xu hướng bị gác lại trong khủng hoảng, động lực giảm đi khi nền kinh tế đang xuống dốc. Thực tế tại Malaysia, tình trạng người lao động phải làm các công việc dưới trình độ của mình đã trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây và kéo dài đến năm 2020.

Giữa năm 2019, 32% tổng số lao động có trình độ đại học đã làm việc không yêu cầu bằng cấp và đến cuối năm 2020, tỷ lệ này thậm chí còn tăng lên mức 37%.
Các vấn đề cơ bản rất phức tạp và xuất phát từ sự bất cập của cả lao động lành nghề và công việc đòi hỏi trình độ, kỹ năng cao. Các biện pháp can thiệp thúc đẩy tiền lương, trong đó Malaysia dựa trên mức lương tối thiểu, đã không thể buộc thị trường lao động tạo ra việc làm có năng suất cao hơn.
Các đơn vị sử dụng lao động cần có những cải cách tích cực, nhất là cải thiện các điều kiện làm việc như xác định lại thời gian làm việc một tuần từ 48 tiếng xuống còn 40 tiếng theo tiêu chuẩn quốc tế. 
Tình trạng tiến thoái lưỡng nan lâu năm - phụ thuộc vào lao động nhập cư có tay nghề thấp - đang tái diễn tại quốc gia Đông Nam Á này. Điển hình là sáng kiến "Malaysianisation", trên phạm vi toàn quốc, từ tháng 1-3/2021 chỉ kích thích được 600 lao động địa phương làm các công việc trước đây do lao động nước ngoài đảm nhiệm.
Hồ sơ ảm đạm này phản ánh khoảng cách quá rộng giữa kỳ vọng của người lao động với mức đãi ngộ mà các nhà tuyển dụng đưa ra. Đồng thời, có tới 37.000 nhân viên đã nộp hồ sơ yêu cầu trợ cấp việc làm.
Chính vì vậy, trong tương lai, Malaysia nên xem xét điều chỉnh các khuyến khích tạo việc làm với ưu tiên phát triển rộng hơn và các lĩnh vực tăng trưởng mục tiêu.
* Thúc đẩy sự phục hồi trên phạm vi toàn xã hội
Thứ hai, quyết định của Chính phủ Malaysia khi cho phép hàng triệu người lao động rút tiền từ quỹ tiết kiệm lương hưu sẽ mang lại những tác động nghiêm trọng.

Vào cuối tháng 2/2021, cứ 3 người trong số 10 thành viên tham gia Quỹ bảo trợ lao động (EPF) đang làm việc đã tiêu hết tài khoản hưu trí của mình và chỉ còn 100 RM (khoảng 25 USD) trong tài khoản. Trong khi 60% người được khảo sát đã sử dụng tiền tiết kiệm dành cho nhà ở, y tế và giáo dục.
Những lao động này nhận được cứu trợ vào thời điểm hiện tại, nhưng phải trả giá trong tương lai. Theo Tiến sỹ Lee Hwok-Aun, Chính phủ Malaysia cần thể hiện sự minh bạch và có trách nhiệm bằng cách tính toán số tiền trong quỹ hưu trí bị rút ra và cung cấp phương án hỗ trợ khác cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Thứ ba, trong khi trợ cấp lương đã bảo vệ việc làm và thiết lập tiền lệ về chính sách có thể được kích hoạt nếu một cuộc khủng hoảng xảy ra trong tương lai, Tiến sỹ Lee Hwok-Aun cho rằng những người thất nghiệp tại quốc gia Đông Nam Á này đã bỏ qua EIS khi đây là tổ chức được thành lập nhằm mục đích hỗ trợ họ vượt qua những khó khăn này.
Có 6,3 triệu công nhân đã đăng ký với EIS vào đầu năm 2020 khi Malaysia đang bắt đầu đối mặt với suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, khi số người thất nghiệp tăng lên 168.300 người vào tháng 4/2020, chỉ có 10.100 chủ tài khoản EIS yêu cầu trợ cấp thất nghiệp trong tháng tiếp theo.

Tiến sỹ Lee Hwok-Aun khuyến cáo cần phải giải quyết tình trạng sử dụng EIS kém hiệu quả của người lao động, đặc biệt là đối với những người không có trình độ đại học.
Thứ tư, một số đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, như những người tham gia hoạt động kinh tế phi chính thức, tự kinh doanh và các doanh nghiệp siêu nhỏ, kinh doanh trong các không gian kinh tế khác nhau, thường bị loại bỏ khỏi dòng hoạt động kinh tế chính và không được tiếp cận với bảo trợ xã hội.
Theo ông Lee Hwok-Aun, việc Chính phủ Malaysia mở rộng hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp siêu nhỏ phản ánh tình trạng bấp bênh của họ và cho thấy sự cần thiết phải củng cố các chính sách nhắm vào các nhóm này, không chỉ giúp họ tồn tại mà còn tạo không gian phát triển. 
Tiến sỹ Lee nhấn mạnh, xét một cách tổng thể, Malaysia cần quản lý sự phục hồi kinh tế nhằm nâng cao đời sống của tất cả các hộ gia đình, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương trong xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục