Ngân hàng Nhật Bản nâng dự báo lạm phát

15:30' - 18/01/2022
BNEWS BOJ cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm này sẽ đạt 3,8%, tăng 0,9% so với dự báo đưa hồi tháng 10/2021, bất chấp nhưng lo ngại gia tăng liên quan đến sự lây lan của biến thể Omicron.

Sau 2 ngày họp, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 18/1 công bố báo cáo triển vọng kinh tế nước này, trong đó nâng mức dự báo lạm phát tài khóa 2022 và duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh nước này vẫn chưa thể đạt được mục tiêu đưa lạm phát lên mức 2% và dịch COVID-19 trỗi dậy làm gia tăng những điều khó đoán định.

Điều này phản ánh thực tế mà nhiều doanh nghiệp trong nước phải đối mặt, đó là giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao và tác động do đồng yen suy yếu.

Trong báo cáo trên, BOJ dự báo chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (không tính thực phẩm tươi) sẽ tăng 1,1% trong tài khóa 2022, tức tăng thêm 0,2% so với dự báo trước đó. BOJ cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm này sẽ đạt 3,8%, tăng 0,9% so với dự báo đưa hồi tháng 10/2021, bất chấp nhưng lo ngại gia tăng liên quan đến sự lây lan của biến thể Omicron.

 

Ngoài ra, BOJ cũng quyết định duy trì chương trình kiểm soát "đường cong lãi suất", theo đó thể chế tài chính này áp đặt mức lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% trong khi mức lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm được giữ ở mức 0% để bảo đảm các doanh nghiệp và hộ gia đình được hưởng chi phí đi vay thấp nhất.

Chi phí đầu vào cao hơn đã dần khiến các công ty Nhật Bản buộc phải tăng giá sản phẩm và người tiêu dùng phải gánh lấy mức tăng này. Tuy nhiên, trên thực tế, gánh nặng chi phí đánh lên người tiêu dùng còn khá khiêm tốn khi so sánh với mức giá bán buôn đang tăng vọt.

Vào tháng 11, chỉ số CPI cơ bản tăng 0,5% so với một năm trước đó, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2020.

Xu hướng tăng giá sản phẩm cũng bắt nguồn từ việc đồng yen giảm giá và điều này làm tăng chi phí nhập khẩu, một vấn đề đau đầu đối với Nhật Bản – quốc gia vốn khan hiếm tài nguyên. Trên thực tế, lạm phát tại Nhật Bản hiện nay chủ yếu do giá chi phí đầu vào tăng cao, không phải do nhu cầu tiêu thụ thấp.

Do vậy, Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Yasuda Meiji, cho rằng lạm phát do chi phí tăng cao khó có thể kéo dài và điều này đồng nghĩa với việc mục tiêu nâng tỷ lệ lạm phát lên 2% vẫn ngoài tầm tay Nhật Bản.

Chỉ số CPI cốt lõi tài khóa 2023 - thời điểm nhiệm kỳ hiện tại của Thống đốc Haruhiko Kuroda kết thúc - dự báo sẽ chỉ tăng 1,1%, tăng nhẹ so với mức tăng 1,0% được dự đoán trước đó.  Ủy ban Chính sách đã giữ nguyên chương trình mua các quỹ hoán đổi danh mục với hạn mức mỗi năm là 12.000 tỷ yên (104 tỷ USD)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục