Ngân hàng quốc doanh Indonesia: Chất lượng tài sản sụt giảm

09:01' - 04/02/2021
BNEWS Các ngân hàng quốc doanh gặp khó khăn rất lớn trong năm 2020 khi được chính phủ yêu cầu tích cực tái cơ cấu các khoản vay của hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Năm 2020, lợi nhuận ròng của ba ngân hàng quốc doanh lớn nhất Indonesia đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong bối cảnh nhu cầu vay yếu và chất lượng tài sản sụt giảm do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cụ thể, lợi nhuận ròng của Ngân hàng Mandiri giảm tới 37,7% so với năm 2019 xuống mức 17.100 tỷ rupiah (1,21 tỷ USD), mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Trong khi đó, Ngân hàng Rakyat Indonesia (BRI) và Ngân hàng Negara Indonesia (BNI) ghi nhận lợi nhuận giảm lần lượt 45,8% và 78,7%, mức thấp nhất kể từ năm 2012 đối với BRI và kể từ năm 2009 đối với BNI.

Trưởng bộ phận nghiên cứu của Praus Capital, ông Alfred Nainggolan cho biết các ngân hàng quốc doanh gặp khó khăn rất lớn trong năm 2020 khi được chính phủ yêu cầu tích cực tái cơ cấu các khoản vay của hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Ông Alfred nói: “Các ngân hàng quốc doanh đã phải đối mặt với việc mất thu nhập từ tiền lãi cho vay khi nới lỏng các khoản vay cho người vay. Đó là một gánh nặng đối với các ngân hàng này, song lại giúp ích cho các MSME.”

Đồng thời, suy thoái kinh tế đã làm căng thẳng khả năng trả nợ của những người đi vay và ảnh hưởng đến tăng trưởng nhu cầu vay vốn, một đòn giáng kép vào các ngân hàng của Indonesia.

Thêm vào đó là chương trình tái cơ cấu khoản vay kéo dài một năm được Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK) công bố hồi tháng 3/2020 và kéo dài đến năm 2022 nhằm giúp giảm bớt gánh nặng tài chính đối với MSME vốn sử dụng phần lớn lực lượng lao động của quốc gia này.

Các áp lực trên đã khiến chi phí trích lập dự phòng của ba ngân hàng tăng vọt trong năm 2020 và làm xói mòn lợi nhuận của họ. Ví dụ, Ngân hàng Mandiri đã tăng 89,7% trích lập dự phòng so với năm 2019 lên mức 22.890 tỷ rupiah. Trong khi đó, BNI cũng tăng 155,6% trích lập dự phòng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến hôm 29/1, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BRI, ông Sunarso cho biết có tháng ngân hàng này không thu được đồng lợi nhuận nào vì phải phân bổ toàn bộ nguồn lực cho tái cấu trúc nhằm cứu lấy khách hàng chính của mình là các MSME.

Tuy nhiên, Ngân hàng Mandiri, BRI và BNI vẫn giữ tỷ lệ nợ xấu (NPL) trên tổng nợ dưới mức trần 5% theo luật định, ở mức lần lượt là 3,1%, 2,9% và 4,3%. Tuy nhiên đến tháng 11/2020, tỷ lệ nợ xấu của hai trong ba ngân hàng này đã vượt quá mức trung bình toàn quốc là 3,18%.

Trong khi đó, cho vay tín dụng của Ngân hàng Mandiri giảm 1,6% xuống còn 892.800 tỷ rupiah, trong khi tăng trưởng tín dụng của BNI và BRI đạt 5,3%, tương đương 586.200 tỷ rupiah, và 3,9% tương đương 938.370 tỷ rupiah. Theo OJK, cho vay tín dụng của toàn ngành ngân hàng Indonesia giảm 2,41% so với năm 2019.

Với việc giảm cho vay tín dụng, thu nhập lãi thuần (NII) của ba ngân hàng bị giảm, hoặc tăng với tỷ lệ thấp. Cụ thể, NII của Ngân hàng Mandiri giảm 4,9% xuống còn 56.500 tỷ rupiah, trong khi NII của BNI tăng 1,5% lên mức 37.100 tỷ rupiah và NII của BRI sụt giảm 3,1% xuống còn 79.200 tỷ rupiah.

Lợi nhuận của ba ngân hàng quốc doanh trên được thúc đẩy nhờ sự tăng trưởng thu nhập từ phí dịch vụ trong bối cảnh các khách hàng buộc phải ở nhà và thực hiện nhiều giao dịch trực tuyến hơn do các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB).

Dịch vụ ngân hàng kỹ thuật thuật số Mandiri Online của Ngân hàng Mandiri đã tăng 40% về lượng người dùng, đạt 4,5 triệu người vào năm ngoái. Thu nhập từ dịch vụ ngân hàng trực tuyến và SMS của ngân hàng này cũng tăng 19,3% lên mức 964 tỷ rupiah.

Nhà phân tích Lee Young Jun thuộc công ty chứng khoán Mirae Asset Sekuritas Indonesia cho rằng vấn đề lớn nhất trong năm 2020 là quản lý chất lượng tài sản. Dòng tiền là điểm mấu chốt đối với các nhà sản xuất, trong khi chất lượng tài sản là ưu tiên số một của các ngân hàng.

Phó Chủ tịch BNI, ông Adi Sulistyowati cho biết: “Chúng tôi đã tăng trích lập dự phòng cho những người đi vay có chất lượng tín dụng giảm xuống mức nợ xấu. BNI cũng phải đối mặt với những thách thức kinh tế trong tương lai".

Về phần mình, cả ông Lee và ông Alfred đều nhấn mạnh rằng việc phục hồi nhu cầu vay vốn là chìa khóa cho sự phục hồi của ngành ngân hàng vào năm 2021 và điều này gắn liền với sự cải thiện của nền kinh tế quốc gia.

Ông Alfred khẳng định rằng tâm lý kinh tế vĩ mô là chìa khóa cho sự phục hồi của ngành ngân hàng, đồng thời nói thêm rằng chính phủ có vai trò quan trọng trong việc cải thiện tâm lý, trong đó có việc tung các biện pháp khuyến khích.

Mirae Asset dự báo nhu cầu vay vốn sẽ bắt đầu phục hồi vào quý II tới nhờ các chương trình của chính phủ nhằm cải thiện sức mua và phân phối vaccine ngừa COVID-19. Công ty chứng khoán này tin rằng quá trình phục hồi sẽ được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp siêu nhỏ, tiếp đó là phân khúc doanh nghiệp vào cuối năm nay.

Chủ tịch OJK, ông Wimboh Santoso dự báo tín dụng cho vay sẽ tăng 6,5-8,5% trong năm 2021, trong khi tín dụng tiền gửi sẽ tăng từ 10-12% nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Ngân hàng Mandiri cũng dự báo nhu cầu vay vốn sẽ phục hồi trong năm nay. Theo đó, các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống, trồng cây công nghiệp, than đá, năng lượng tái tạo và fintech sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay./.

>>Tại sao các ngân hàng lãi lớn khi nền kinh tế đang gặp khó khăn?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục