Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cảnh báo về nợ công trên thế giới

13:58' - 11/12/2024
BNEWS Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cảnh báo chính phủ các nước trên toàn thế giới có nguy cơ sụp đổ nếu không giải quyết được vấn đề nợ đang leo thang.

Tổ chức này cảnh báo các quốc gia có nợ cao phải hành động để giảm thâm hụt trước khi quá muộn, vì nguy cơ lãi suất tăng cao có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. BIS cho rằng thị trường tài chính có thể bị đẩy đến bờ vực sụp đổ nếu các chính phủ không hành động. Nhà kinh tế Claudio Borio của BIS nhận định quỹ đạo nợ chính phủ là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với kinh tế vĩ mô và sự ổn định tài chính trong dài hạn.

Giải thích rõ hơn, ông Borio cho biết những gì đã diễn ra với Vương quốc Anh vào năm 2022 là một ví dụ về những điều có thể xảy ra nếu các nước không quản lý rốt nợ công. Các đề xuất của Thủ tướng Anh khi đó là bà Liz Truss đã gây ra một chuỗi sự kiện trên thị trường tài chính, khiến chi phí vay của Vương quốc Anh tăng vọt và cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ.

 

Nền kinh tế Mỹ cũng đang vay nợ rất nhiều dưới thời Tổng thống Joe Biden, và người kế nhiệm sắp tới của ông là ông Donald Trump được dự đoán sẽ tăng gánh nặng nợ quốc gia để tài trợ cho việc cắt giảm thuế. Trong khi đó, Chính phủ Pháp đã sụp đổ vào tuần trước khi gặp khó khăn trong việc thuyết phục quốc hội ủng hộ ngân sách nhằm giảm bớt khoản vay hàng năm thông qua việc kết hợp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.

Cả hai diễn biến kinh tế này đều đã gây ra những chấn động trên thị trường tài chính. Trong trường hợp của Pháp, lợi suất trái phiếu chính phủ của Pháp đã tăng lên, khi giới đầu tư nhận thấy chính phủ nước này đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát tài chính. Còn trong trường hợp của Mỹ, sự tăng mạnh trong lợi suất trái phiếu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Áp lực nợ công diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đang tìm cách xác định mức độ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời ngăn chặn nguy cơ gây ra một đợt lạm phát mới. Ngân hàng trung ương Anh (BoE), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều đã bắt đầu cắt giảm lãi suất, điều này có lợi cho các chính phủ đang có khối nợ lớn.

Thị trường tài chính dự đoán ECB sẽ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ trong năm tới, đưa lãi suất từ 3,25% xuống 1,75%, trong khi Fed được sẽ giảm lãi suất từ 4,75% xuống 3,75%. Còn BoE được cho là sẽ thận trọng hơn, giảm lãi suất từ 4,75% xuống 4%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục