Ngành công nghiệp Mỹ phản ứng trước quyết định thuế mới đánh vào hàng hóa Trung Quốc

16:22' - 14/09/2024
BNEWS Quyết định của Chính phủ Mỹ về việc tăng thuế đối với xe điện và một số loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích từ chính các ngành công nghiệp nội địa Mỹ.

Quyết định ngày 13/9 của Chính phủ Mỹ về việc tăng thuế đối với xe điện và một số loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đánh dấu sự kết thúc của quá trình xem xét kéo dài hơn 2 năm đối với thuế quan do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt.

 

Cụ thể, thuế đánh vào xe điện của Trung Quốc sẽ tăng gấp 4 lần lên 100%, thuế đối với pin lithium-ion tăng từ 7,5% lên 25%. Thuế đối với các sản phẩm nhôm thép cũng tăng 25%, từ mức 0% hiện nay lên 7,5% vào ngày 27/9. Trong phát biểu ngày 13/9, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nêu rõ chính sách thuế quan nói trên phản ánh cam kết của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris trong việc đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp Mỹ.

hính quyền của Tổng thống Joe Biden đã công bố các mức thuế này hồi tháng 5/2024 với ý định sẽ áp dụng từ ngày 1/8/2024. Tuy nhiên, quyết định này đã được hoãn lại do Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho biết việc nghiên cứu đánh giá, bình luận của công chúng mất thời gian hơn so với dự tính.

Quyết định trên ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích từ chính các ngành công nghiệp nội địa Mỹ. Một số ý kiến cho rằng việc tăng thuế sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, bao gồm cả các sản phẩm sử dụng nhiều chất bán dẫn (chip), trong khi không có hiệu quả giúp ngăn chặn hoạt động chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc.

Chủ tịch Hội đồng Công nghệ Thông tin Jason Oxman phàn nàn, kể từ khi áp dụng các chính sách thuế hà khắc, tổng thiệt hại mà các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ phải chịu ước tính đã lên đến 221 tỷ USD. Với thông báo mới nhất của USTR, ông Oxman cho rằng, một lần nữa Nhà Trắng đang dựa vào công cụ thuế quan thô sơ và không hiệu quả, cũng như không có bất kỳ sự hỗ trợ cần thiết nào dành cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, bà Lael Brainard, cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, cho biết quyết định thuế quan mới được đưa ra để đảm bảo rằng ngành công nghiệp xe điện Mỹ có khả năng đa dạng hóa và không bị phụ thuộc vào chuỗi cung ứng thống trị của Trung Quốc. Bà Brainard khẳng định chính sách thuế quan “cứng rắn, có mục tiêu” như vậy là cần thiết.

Động thái áp thuế cao hơn của Nhà Trắng diễn ra khi cuộc đua bầu cử Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút. Cả hai ứng cử viên Tổng thống là Phó Tổng thống Kamala Harris và ông Donald Trump đều đang nỗ lực thu hút sự ủng hộ của các cử tri tại các tiểu bang được coi là "đại bản doanh" của các hoạt động công nghiệp, như sản xuất ô tô và thép.

Trong các cuộc vận động bầu cử diễn ra gần đây, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong một diễn biến liên quan, theo Bloomberg, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu để đưa ra mức thuế quan chính thức áp dụng đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 25/9.

Cụ thể, Ủy ban châu Âu (EC) đang chuẩn bị đề xuất mức thuế quan cuối cùng lên tới 35,3% đối với xe điện được sản xuất tại Trung Quốc, ngoài mức thuế nhập khẩu ô tô tiêu chuẩn 10% mà EU đang áp dụng.

Ngày 12/9, EU đã nhận được đề xuất từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc về việc thiết lập mức giá nhập khẩu tối thiểu vào thị trường EU, thay thế cho việc áp đặt thuế nhập khẩu mới. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị EC từ chối. Theo kế hoạch, Ủy viên thương mại của EU,  Valdis Dombrovskis, sẽ có cuộc gặp trao đổi với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào vào ngày 19/9.

EU ngày 4/7 đã áp thuế bổ sung tạm thời lên đến 38% đối với xe ô tô điện Trung Quốc nhập khẩu vì "trợ cấp nhà nước không công bằng", bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh rằng động thái này sẽ khơi mào cho cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là thuế tạm thời. Các mức thuế cuối cùng do EC đề xuất sẽ phải nhận được sự đồng ý của 27 thành viên EU. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục