Ngành công thương cam kết đủ nguồn hàng phục vụ Tết

15:26' - 03/02/2021
BNEWS Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng
Tháng 1/2021 là thời điểm trước Tết Nguyên đán nên hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng. Đồng thời, đưa ra nhiều chương trình, hình thức khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Bộ Công Thương cho biết, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa, kể cả trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu các đơn vị triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thịt lợn với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân.

Để tạo nguồn cung cho chương trình bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Yên Bái... tổ chức các chương trình kết nối cung cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối tại hầu kết các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các địa phương, đồng thời tạo nguồn hàng cho chương trình bình ổn thị trường với giá hợp lý và ổn định.

Vì vậy, Sở Công Thương các địa phương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.

Hơn nữa, Uỷ ban nhân dân tỉnh một số tỉnh, thành phố đã có chủ trương huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, hội chợ hàng nhu yếu phẩm thiết yếu (Yên Bái, Đồng Tháp), cung ứng, vận chuyển hàng Tết miễn phí cho người dân ở các vùng hải đảo, miền núi tại Kiên Giang, Bình Thuận.

Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết.

Hầu hết các doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.

Do đó, hàng hoá được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai chuẩn bị sớm và dồi dào, tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu.

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, hoạt động chăn nuôi, nhất là chăn nuôi hộ gia đình bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn châu Phi, tuy nhiên các địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp chăn nuôi hoặc có kế hoạch nhập khẩu nhằm bảo đảm cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán. Đến nay, tổng giá trị hàng dự trữ của các doanh nghiệp tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm.

Tại một số địa phương khu vực miền Trung chịu thiệt hại của bão lũ trong năm 2020 vừa qua, nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết cũng đã được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuẩn bị tốt nhưng sức mua của người dân bị ảnh hưởng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên lượng hàng chuẩn bị không tăng so với năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương các địa phương cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các chuyến bán hàng Tết đến các khu vực dân cư chịu thiệt hại lớn của bão lũ với giá bình ổn và có hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho người dân.

Cũng theo Bộ Công Thương, việc dự trữ chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán đã được các điạ phương, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai, đặc biệt là chương trình bình ổn thị trường.

Hiện tại, đã có 55/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021; trong đó có 26 địa phương có kế hoạch/triển khai chương trình bình ổn thị trường với số lượng dồi dào, chiếm khoảng 20-35% nhu cầu thị trường.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Uỷ ban nhân dân thành phố cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng lượng hàng hoá trong trường hợp có yêu cầu đột xuất hoặc các phương án cung ứng hàng nếu dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp trở lại. Hơn nữa, nguồn vốn dùng để dự trữ hàng hóa chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa, hạn chế sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh những địa phương đã có kinh nghiệm thực hiện bình ổn thị trường các năm qua, năm nay, một số địa phương khác như Hậu Giang, Kon Tum... cũng bắt đầu thực hiện chương trình bình ổn thị trường một cách quy mô và bài bản qua việc tổ chức mỗi huyện, thị xã 1 điểm bán bình ổn.

Cùng với đó, số lượng các địa phương thực hiện theo phương thức kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng tăng so với năm trước. Điều này đã khuyến khích, mở rộng số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia bình ổn thị trường và cam kết bình ổn giá không cần sự hỗ trợ về vốn vay từ ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tổ chức kết nối giao thương, ổn định thị trường giữa các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh phân phối để tạo nguồn hàng dự trữ với giá ổn định.

Các tỉnh, thành phố rất quan tâm, chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối đưa hàng bình ổn tới tay người tiêu dùng, chú trọng tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ, vùng biên giới, hải đảo...

Đặc biệt, các địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường đã triển khai một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của địa phương bằng việc mở rộng nhóm hàng hoá thuộc diện bình ổn thị trường và thực hiện cả năm với một số hàng hoá thiết yếu trong danh mục của địa phương.

Bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện chương trình bình ổn thị trường, UBND một số tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất vốn vay tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng; vay vốn từ ngân sách với lãi suất 0% hoặc có thể hỗ trợ chi phí một số hạng mục trong chương trình như chi phí thuê mặt bằng, chi phí quảng cảo trên các phương tiện truyền thông tại địa phương hoặc chi phí vận chuyển, cấp phát logo miễn phí…

Các doanh nghiệp tham gia chương trình và các doanh nghiệp có hệ thống phân phối, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã cam kết kéo dài thời gian phục vụ tại các điểm bán hàng bình ổn.

Đáng lưu ý, nhiều điểm bán hàng Tết tới chiều ngày 30 Tết và mở cửa ngay từ chiều mùng 1 Tết, một số doanh nghiệp đã có kế hoạch bố trí điểm bán không nghỉ Tết. Các doanh nghiệp phân phối đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu nhiều mặt hàng tươi sống trong dịp cận Tết.

Bộ Công Thương cho rằng, với kế hoạch bán hàng phục vụ Tết này sẽ tạo tâm lý an tâm cho thị trường, giảm đầu cơ, mua trữ hàng gây tăng giá trong những ngày cận Tết, từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp phân phối tại địa phương cam kết cung cấp hàng chất lượng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ưu tiên hàng Việt Nam, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến và hàng hóa trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đều là hàng Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục