Ngành công thương gắn nghiên cứu với ứng dụng đổi mới công nghệ

15:01' - 28/10/2022
BNEWS Thời gian tới, ngành công thương là đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với quá trình tái cơ cấu, thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.

Bộ Công Thương cho biết, trọng tâm trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành công thương là sẽ đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với quá trình tái cơ cấu, đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính, thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.

Cùng đó, chú trọng nghiên cứu, tham mưu xây dựng định hướng, chính sách phát triển ngành trong tình hình mới; cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực thi, khai thác có hiệu quả cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới.

Ngoài ra, ngành công thương cũng hướng tới việc thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể sống động của đổi mới sáng tạo và tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đặc biệt, xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ vững mạnh, làm chỗ dựa tin cậy và hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như cho các cơ quan quản lý nhà nước; đổi mới mạnh mẽ việc quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng hiện đại.

Theo Bộ Công Thương, hơn mười năm qua, cùng với chủ trương về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị khoa học công lập, đặc biệt là việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, hệ thống các tổ chức khoa học công nghệ của ngành đã liên tục thực hiện quá trình đổi mới, tái cơ cấu về quy mô tổ chức và phạm vi hoạt động.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, các tổ chức khoa học công nghệ thuộc Bộ đã có những điều chỉnh quan trọng trong phương thức hoạt động, gắn với yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng đổi mới công nghệ các doanh nghiệp, từ đó, có những đóng góp ý nghĩa trong kết quả hoạt động cũng như những thành tựu phát triển chung.

Năm 2007, sau khi hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại, Bộ Công Thương quản lý mạng lưới gồm 11 Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ, 12 Viện nghiên cứu trực thuộc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 90 và 91.

Hiện tại, Bộ Công Thương có 11 Viện trực thuộc và 2 Viện đã thực hiện cổ phần hóa thành mô hình công ty cổ phần, nhà nước chiếm cổ phần chi phối, hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp khoa học công nghệ là Công ty CP Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp và Công ty CP Viện Nghiên cứu Dệt may.

Đáng lưu ý, các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương là những tổ chức khoa học và công nghệ đầu ngành với bề dày lịch sử phát triển từ 35 năm đến 60 năm. Cùng đó, hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm của các Viện, tổng số phòng thí nghiệm chuyên ngành là 36; trong đó, chỉ có 2 phòng thí nghiệm trọng điểm Điện cao áp thuộc Viện Năng lượng và Công nghệ hàn và Xử lý bề mặt thuộc Viện Nghiên cứu Cơ khí.

Số lượng xưởng sản xuất, trung tâm thực nghiệm là 24 cơ sở, tập trung tại một số đơn vị như Viện Công nghiệp Thực phẩm, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu.

Về năng lực tài chính, ngoài 2 viện thực hiện cổ phần hóa, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ, có 1 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, 1 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 1 đơn vị Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và 8 đơn vị được Nhà nước đảm bảo một phần chi thường xuyên.

Nguồn tài chính chủ yếu của các đơn vị là từ hoạt động dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh (trong đó chủ yếu là sản xuất kinh doanh), tiếp theo là nguồn thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Cũng theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2016-2020, tổng số công bố khoa học của 13 Viện là 933; trong đó, có 786 công bố trong nước và 147 công bố quốc tế.

3 đơn vị có số công bố nhiều nhất gồm Viện Nghiên cứu Cơ khí (227), Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương (113) và Viện Công nghiệp Thực phẩm (83).

Tuy nhiên, nếu xem xét đối với các công bố quốc tế, 3 Viện có số công bố quốc tế lớn nhất là: Viện Nghiên cứu Cơ khí (45), Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (32) và Viện Công nghiệp Thực phẩm (19); trung bình số bài báo khoa học/cán bộ nghiên cứu giai đoạn vừa qua của các Viện đạt 0,45.

Một trong những bằng chứng quan trọng nhất đánh giá kết quả hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ có tính ứng dụng đến đâu chính là đầu ra công nghệ.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng số đầu ra về công nghệ của các Viện là 197; trong đó, chiếm tỷ lệ lớn nhất là các công nghệ chưa đăng ký sở hữu trí tuệ nhưng đã chuyển giao, ứng dụng cho doanh nghiệp (75 công nghệ, chiếm 38%).

Ngoài ra, các công nghệ được đăng ký sở hữu trí tuệ, chuyển giao, ứng dụng cho doanh nghiệp với 72 công nghệ, giải pháp, chiếm 37%. Viện Nghiên cứu Cơ khí là đơn vị có số lượng đầu ra về công nghệ lớn nhất, tiếp theo là Viện Điện tử Tin học Tự động hóa; đứng thứ 3 là Viện Công nghiệp Thực phẩm. Bên cạnh đó, các viện cũng đạt được nhiều giải thưởng quan trọng, có ý nghĩa về khoa học công nghệ trong nước và khu vực.

Mặt khác, Bộ Công Thương có 4 Viện gồm Viện Nghiên cứu Cơ khí, Viện Điện tử Tin học và Tự động hóa, Viện Công nghiệp Thực phẩm và Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương. Cùng đó, Công ty CP Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp có chức năng đào tạo tiến sĩ. Hơn nữa, ngành cũng đã có nhiều công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (VIFOTEC)...

Những kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã được ứng dụng nhanh chóng vào thực tiễn hoạt động, lĩnh vực giúp duy trì đà tăng trưởng, tạo cơ hội phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp.

Chẳng hạn như doanh nghiệp trong nước đã đủ năng lực sản xuất cung cấp các máy biến áp truyền tải cấp điện áp 220kV, một số máy biến áp cấp điện áp 500kV; tích hợp, làm chủ công nghệ giám sát điều khiển trạm biến áp và sản xuất nhiều linh phụ kiện cho các công trình lưới điện truyền tải... quản lý vận hành hệ thống điện được hiện đại hóa với giải pháp lưới điện thông minh.

Các doanh nghiệp ngành dầu khí đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công nhiều công trình hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, công trình đầu tư đóng mới giàn khoan Tam Đảo 3 và Tam Đảo 5 đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia chế tạo giàn khoan tự nâng có thể hoạt động ở vùng biển sâu đến 400ft với điều kiện làm việc khắc nghiệt...

Việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản đã góp phần thay đổi diện mạo ngành than theo hướng hiện đại: công nghệ thiết bị khai thác than lộ thiên đạt trình độ tiên tiến; nâng cao mức độ cơ giới hóa, tự động hóa ở các nhà máy tuyển, mức thu hồi các chủng loại than.

Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo lại càng đa dạng bao gồm thiết kế mới, thiết kế cải tiến, làm chủ bí quyết thiết kế chế tạo các dây chuyền thiết bị nhập ngoại, nội địa hóa thiết bị, phụ tùng; phục hồi sửa chữa các thiết bị, phụ tùng máy móc có giá trị kinh tế lớn…Bên cạnh đó, đưa vào vận hành nhiều hệ thống điều khiển DCS và SCADA cho hầu hết các ngành công nghiệp; chế tạo thành công nhiều sản phẩm phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến... xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, còn có một số lĩnh vực đạt trình độ các nước phát triển trên thế giới như công nghệ sản xuất đường chức năng isomaltolose, enzyme xylanase; ứng dụng các công nghệ vi sinh hiện đại để sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu hoá dược, sản phẩm phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục