Ngành công thương tạo động lực tăng trưởng mới từ khoa học công nghệ

09:38' - 24/10/2022
BNEWS Giai đoạn 2021-2030, Bộ Công Thương sẽ thực hiện nhiệm vụ cụ thể để tạo động lực tăng trưởng mới dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhàm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bộ Công Thương cho biết, nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi mục tiêu được Đảng và Nhà nước đã đề ra trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, tới đây Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các định hướng nhiệm vụ cụ thể để tạo động lực tăng trưởng mới dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo đó, để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có đóng góp ngày càng quan trọng vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một nền sản xuất tự chủ và có tính cạnh tranh cao, giai đoạn 2021-2030 ngành công thương ưu tiên đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách phát triển công nghiệp, thương mại, hội nhập hiện có.

Mặt khác, ngành đề xuất các điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, định hướng, giải pháp phát triển ngành, lĩnh vực, phân bố không gian công nghiệp, thương mại, kết cấu hạ tầng thương mại, logistics theo yêu cầu của tái cơ cấu ngành công nghiệp, thương mại và tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn (trong nước và quốc tế) đề xuất các phương án, kịch bản phát triển của ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030.

Ngoài ra, ngành đưa ra các phương án và giải pháp thực hiện việc tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực sản xuất; cấu trúc lại không gian phát triển của các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển chung; xây dựng phương án, chính sách đặc thù phục vụ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên tại các vùng công nghiệp lõi được hình thành từ mỗi vùng kinh tế trọng điểm và các khu kinh tế ven biển.

Các chuyên gia ngành công thương cho biết thêm, ngành sẽ tiến hành xây dựng và hoàn thiện thể chế về phát triển vùng, phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa, các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp và cụm liên kết ngành công nghiệp dựa trên nền tảng là các khu (khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất...); cung cấp luận cứ đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm về cụm liên kết ngành công nghiệp với một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên theo lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và chuỗi giá trị.

Ngành công thương xây dựng phương án tái cấu trúc các khu công nghiệp và khu kinh tế; hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển, quy hoạch phát triển công nghiệp; hoàn thiện chính sách phát triển thị trường dịch vụ hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp, các trung gian cung cấp dịch vụ tư vấn công nghiệp như đầu tư, tài chính, thị trường, xúc tiến thương mại...

Đặc biệt, ngành nghiên cứu, tư vấn giải quyết các vấn đề về cạnh tranh trong thương mại, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường trong và ngoài nước; bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền; đề xuất cơ chế chính sách nhằm tiếp cận thị trường vốn tín dụng nước ngoài, kêu gọi được các tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp, năng lượng.

Cùng đó, tạo chính sách tạo thuận lợi hóa về tiếp cận và mở rộng thị trường cho phát triển ngành công nghiệp; xây dựng kịch bản đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; các chính sách khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; tư vấn sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực thi cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA); đồng bộ hóa khung khổ pháp luật trên cơ sở bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành để nắm bắt các cơ hội do hội nhập mang lại.

Nhằm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên, ngành công thương cũng hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh, góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Mặt khác, ngành tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án khoa học công nghệ giai đoạn 2021 – 2030 như chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao…; trong đó, ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

Đặc biệt, ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến; thực hiện đổi mới cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị sản xuất; đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai Đề án Phát triển công nghiệp sinh học ngành công thương đến năm 2030.

Hơn nữa, xác định các công nghệ chiến lược và lĩnh vực ưu tiên tập trung nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ; xây dựng và triển khai Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021 - 2030, tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, có lợi thế cạnh tranh và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cao.

Cùng đó, xây dựng và triển khai Chương trình Phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phục vụ phát triển các lĩnh vực ưu tiên trong thực thi các FTAs của ngành công thương giai đoạn 2021 - 2030; thiết lập bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ, đặc biệt gắn với xu hướng phát triển công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đáng lưu ý, toàn ngành còn hướng tới việc xây dựng TCVN, QCVN cho các công nghệ được đầu tư, sử dụng trong nước, công nghệ nhập khẩu theo hướng công nghệ sạch; xây dựng lộ trình và triển khai việc loại bỏ các công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và gây ô nhiễm

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương được giao chủ trì 9 chương trình/đề án khoa học và công nghệ các cấp. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học công nghệ đã đạt được những giải thưởng cao và ứng dụng nhanh chóng vào thực tiễn của ngành, lĩnh vực, mang tới tác động tích cực, tạo cơ hội phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Thời gian qua, những chuyển biến tích cực của các doanh nghiệp trong thực hiện hoạt động khoa học công nghệ, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua việc đầu tư nhiều hơn cho ứng dụng, đổi mới công nghệ là rất rõ nét.

Đặc biệt, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trong giai đoạn vừa qua đã có sự cải thiện đáng kể với hơn 80% doanh nghiệp lớn và trên 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thực hiện đổi mới sản phẩm hoặc quy trình.

Cũng theo Bộ Công Thương, nhờ vậy những năm qua sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng tích cực, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế; nền sản xuất công nghiệp đã đạt năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao; một số ngành có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới, như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ…

Bên cạnh đó, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao liên tục tăng trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; xuất nhập khẩu tăng trưởng kỷ lục, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt trên 500 tỷ USD; trong đó, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 22,9% năm 2016 lên 50% năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục