Ngành dệt may Bangladesh chịu thiệt hại do biểu tình đòi tăng lương

18:57' - 30/10/2023
BNEWS Ít nhất 10.000 công nhân đã bỏ ca làm việc để tham gia các hoạt động biểu tình tại Gazipur - thành phố công nghiệp lớn nhất Bangladesh.

Hàng chục nhà máy dệt may tại Bangladesh đã bị hư hại giữa lúc hàng nghìn công nhân ngành may mặc ở quốc gia Nam Á này biểu tình yêu cầu tăng lương.

Ngày 30/10, cảnh sát cho biết, ít nhất 10.000 công nhân đã bỏ ca làm việc để tham gia các hoạt động biểu tình tại Gazipur - thành phố công nghiệp lớn nhất Bangladesh. Khoảng 7.000 người khác biểu tình ở thị trấn Ashulia và Hemayetpur, đều ở gần thủ đô Dhaka. Trong khi đó, lãnh đạo nghiệp đoàn dệt may ở vùng Ashulia cho biết số người tham gia biểu tình lên đến ít nhất 100.000 người.

 

Theo người đứng đầu lực lượng cảnh sát ở thành phố Gazipur, ít nhất 40 nhà máy bị ảnh hưởng sau khi người biểu tình đập phá cửa sổ và làm hư hại trang thiết bị. Cảnh sát đã buộc phải sử dụng đạn cao su, phun vòi rồng và hơi cay để giải tán người biểu tình.

Bangladesh là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm dệt may. Kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này chiếm tới 85% tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá 55 tỷ USD của nước này mỗi năm. Hiện có khoảng 3.500 nhà máy sản xuất hàng dệt may cho một số thương hiệu lớn nhất thế giới đang hoạt động tại Bangladesh. Tuy nhiên, mức lương cơ bản hằng tháng mà công nhân ngành này nhận được chỉ là 8.300 taka (tương đương khoảng 75 USD).

Các cuộc biểu tình bùng phát từ cuối tuần qua, trong đó, công nhân tham gia biểu tình yêu cầu mức lương tối thiểu theo tháng là 23.000 taka (khoảng 208 USD). Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu may mặc Bangladesh đề xuất mức tăng 25% so với mức lương cơ bản.

Người đứng đầu lực lượng cảnh sát quản lý các khu công nghiệp của Bangladesh cho biết cơ quan an ninh đang phối hợp với lãnh đạo nghiệp đoàn để giải tán đám đông biểu tình mà không phải sử dụng các biện pháp cưỡng chế.

Do lo ngại ảnh hưởng đến các đơn hàng, hôm 13/10, các thương hiệu lớn trên thế giới như Gap, Levi Strauss, Lululemon và Patagonia đã gửi thư cho Thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina, trong đó kêu gọi chính phủ hỗ trợ để đàm phán thành công vấn đề tiền lương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục