Ngành dệt may nỗ lực cho mục tiêu xuất khẩu trên 30 tỷ USD

21:11' - 16/02/2016
BNEWS Sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ra quân sản xuất đầu năm với kỳ vọng xuất khẩu trên 30 tỷ USD năm 2016, tăng khoảng 10% - 12% so với năm 2015.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, thăm và chúc tết công nhân Tổng công ty May Hưng Yên. Ảnh: Trần Hằng/BNEWS/TTXVN

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhiều hiệp định thương mại tự do được thực thi. 

Đặc biệt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã được ký kết sau 5 năm nỗ lực đàm phán sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam phát triển.

Để đóng góp vào thành tích chung của ngành, Tổng công ty May 10 đã tổ chức ra quân sản xuất đầu năm với không khí phấn khởi, hy vọng.

Anh Phạm Quốc Hùng, 46 tuổi thuộc Tổ chi tiết 3, Xí nghiệp 2, Tổng Công ty May 10 cho biết, anh đã gắn bó với May 10 đến nay 28 năm. Ngày đầu năm đi làm, anh rất phấn khởi vì năm qua hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty phát triển tốt, thu nhập của công nhân ổn định. Ngày đầu đi làm, anh em công nhân đều có mặt đông đủ như một thông điệp đầy hy vọng trong năm mới với thắng lợi mới.

Với chị Thu, công nhân Tổ chi tiết 2 là công nhân của May 10 đến nay được hơn 3 năm, sau kỳ nghỉ Tết ở quê Bắc Giang đã quay lại nhà máy làm việc đúng ngày. Bảy tỏ tin tưởng, chị Thu mong một năm mới, công ty sẽ có thật nhiều đơn hàng giúp cho thu nhập công nhân ngày càng tăng thêm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, thăm và chúc tết công nhân. Ảnh: Trần Hằng/BNEWS/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, thời gian tới, May 10 sẽ tiếp tục áp dụng phần mềm quản lý đơn hàng Sewman cho tất cả các đơn hàng FOB, áp dụng quy trình sản xuất tinh gọn (Lean) trong quản trị đơn hàng.

May 10 cũng tiếp tục củng cố và phát triển các thị trường chính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản; ưu tiên các khách hàng tại thị trường mới, tận dụng các Hiệp định ưu đãi thuế quan với Hàn Quốc, Việt Nam - Nga - Belarus - Kazakhsta.

Tại Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định, những ngày đầu đi vào sản xuất quân số đến nhà máy làm việc đạt 100%.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định, ông Nguyễn Văn Miêng cho biết, từ giữa năm 2015, Dệt May Nam Định đã có nhiều cố gắng trong điều hành quản trị doanh nghiệp, nên Tổng Công ty đã có sự chuyển mình tích cực, năng suất lao động đã khá hơn, thu nhập của người lao động đã có sự cải thiện đáng kể.

Tổng Công ty đảm bảo được lợi ích của người lao động và cổ đông; mỗi người lao động cũng được chia thưởng Tết 1,2 tháng lương. Phát huy những thành tích đã đạt được, năm 2016 Tổng Công ty sẽ nỗ lực và quyết liết hơn trên mọi bình diện để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.

Công nhân Tổng công ty May 10 hăng say làm việc. Ảnh: Trần Hằng/BNEWS/TTXVN

Ngay từ những ngày đầu năm, công nhân tại Nhà máy May Hưng Yên – CTCP đã bắt nhịp với công việc nhịp nhàng, Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty chia sẻ, để đón đầu các lợi ích từ Hiệp định TPP, May Hưng Yên chuyển dần sang sản xuất theo phương thức ODM (thiết kế và sản xuất theo yêu cầu khách hàng) thực hiện chuỗi giá trị để tăng năng lực xuất khẩu.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội (Hanosimex) Nguyễn Song Hải cho biết, các chi nhánh và các nhà máy thành viên trong những ngày làm việc đầu tiên năm mới luôn đảm bảo quân số 100%. Với khí thế mới, quyết tâm mới Tổng Công ty Dệt May Hà Nội sẽ nỗ lực trong điều hành quản trị và mở rộng thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục