Ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá

15:17' - 03/12/2019
BNEWS Ngày 3/12, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chủ trì buổi họp báo về tình hình xuất khẩu dệt may năm 2019 và thông báo về lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Vitas.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) họp báo về tình hình xuất khẩu dệt may năm 2019. Ảnh: Hằng Trần/Bnews/TTXVN

Theo ông Vũ Đức Giang, mặc dù chịu tác động rất lớn từ suy giảm kinh tế thế giới do biến động chính trị và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.

Tuy kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2019 không đạt 40 tỷ USD như kỳ vọng đầu năm, ngành vẫn có mức tăng trưởng ước khoảng 7,55% so với năm 2018, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến là 39 tỷ USD (thấp hơn 1 tỷ USD so với mục tiêu đâu năm).

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 22,38 tỷ USD tăng 2,21%; giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 19,26 tỷ USD tăng 4,96%; giá trị nội địa tăng thêm (thặng dư thương mại) của hàng hóa dệt may xuất khẩu đạt 19,73 tỷ USD tăng 10,19%. xuất siêu 16,62 tỷ USD, tăng 2,25 tỷ USD và tăng 15,7 điểm phần trăm so với năm 2018.

Ông Vũ Đức Giang phân tích, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 38,97% tổng kim ngạch xuất khẩu; EU đạt 4,4 tỷ USD tăng 2,23%, chiếm 11,28%; Trung Quốc đạt 4,25 tỷ USD tăng 7,05%, chiếm 10,9%; Nhật Bản đạt 4,2 tỷ USD, tăng 4,79%, chiếm 10,77%;  Hàn Quốc đạt 4 tỷ USD tăng 4,42% chiếm 10,26%; ASEAN đạt 2,1 tỷ USD, tăng 7,75 tỷ USD, chiếm 5,38%. 

Ông Vũ Đức Giang Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh: Hằng Trần/Bnews/TTXVN

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm các doanh nghiệp sẽ phải cố gắng rất nhiều để tìm kiếm đơn hàng đảm bảo sản xuất liên tục từ nay đến cuối năm và đơn hàng cho năm năm 2020; đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành cần phối hợp chia sẻ cho nhau.  

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phản ánh, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các văn bản pháp luật  như về: thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, hoàn thuế, góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động, các chế độ liên quan đến người lao động…

Đồng thời, đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam 2020-2030 của Bộ Công Thương…Mục tiêu đến năm 2030, toàn ngành dệt may đạt 85-90 tỷ USD, xây dựng phát triển 25-30 thương hiệu Việt Nam.

Cũng tại buổi họp báo ông Vũ Đức Giang cho biết, từ ngày 13-14/12/2019 tại Khách sạn Melia, Hà Nội sẽ diễn ra Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Vitas.

Ông Vũ Đức Giang khẳng định đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và những thành tựu, đóng góp của Vitas vào sự phát triển của ngành, cũng như định hướng phát triển cho năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, giai đoạn của thế giới phẳng, hội nhập toàn cầu; của cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu xanh hóa, phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam.  

Sự kiện này sẽ thu hút khoảng 500 khách mời với có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội dệt may nước ngoài, một số hiệp hội ngành hàng trong nước, các doanh nghiệp hội viên và các cơ quan thông tấn báo chí./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục