Ngành đường sắt lấy lại thị trường từ đổi mới dịch vụ

08:16' - 17/01/2016
BNEWS Thị phần vận tải hành khách và hàng hóa của ngành đường sắt mất dần về tay đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Vậy ngành đường sắt sẽ cần làm gì để tăng sức cạnh tranh và giành lại thị trường?
Nhân viên làm thủ tục cho hành khách đặt mua vé tại Ga Hà Nội. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Để tăng cường cải thiện dịch vụ hành khách, ngay trong tháng 1/2016, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ áp dụng hệ thống bán vé tàu điện tử giai đoạn 3, theo đó VNR sẽ ứng dụng nhiều tính năng mới của hệ thống vé tàu điện tử.

Cụ thể như cho phép cung cấp đầy đủ thông tin cho hành khách đi tàu bằng nhiều phương thức khác nhau như email, thông tin trên bảng LED điện tử, thông tin trên website bán vé, kiot tại các nhà ga.

Đặc biệt, cho phép hành khách cài đặt ứng dụng mua vé tàu trên điện thoại thông minh, máy tính bảng. Ứng dụng này sẽ tự động điền thông tin cá nhân của chủ tài khoản khi đặt mua vé tàu, thông báo về giờ tàu giá vé khi có sự thay đổi và được ưu tiên nhận các thông báo ưu đãi.

Hệ thống kiot sẽ được VNR lắp đặt chủ yếu tại các ga lớn như: Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Yên Bái, Lào Cai, Hải Phòng, Gia Lâm, Phủ Lý, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đồng Hới, Quảng Ngãi, Diêu Trì, Bình Thuận, Nha Trang, Tháp Chàm, Tuy Hòa, Biên Hòa... Các kiot này giúp hành khách chủ động tra cứu thông tin giờ tàu, giá vé, mã đặt chỗ in thẻ lên tàu, mua vé online ngay tại kiot.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Trần Ngọc Thành khẳng định năm 2016 ngành phải tiếp tục tìm sự ổn định để tăng trưởng. Tất cả các chi phí tiết kiệm được phải dồn lại không tính lãi, tăng lương mức độ để tập trung giảm giá dịch vụ.

Không thể giá vé tàu cao hơn giá vé máy bay. Lấy ví dụ như mấy tháng qua, sau khi giảm giá kết hợp với đổi mới phương thức bán vé đã thu hút được hành khách đi tàu trở lại.

Tàu dừng tại Ga Hà Nội chuẩn bị đón khách. Ảnh: Thế Duyệt–TTXVN

Đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Trần Ngọc Thành thừa nhận: "Nhiều năm gần đây, các khách hàng lớn của đường sắt cứ mất dần vì cấp dưới quấy nhiễu nhiều quá. Các chủ hàng hóa chất, xi măng, apatit... cứ bỏ dần, các đường nhánh cũng bỏ dần. Vận tải hàng hóa mà chỉ có trục chính, thì không khác gì con người thiếu chân tay".

Hiện nay nhiều người cho rằng đường sắt đang là đường đơn, khổ 1m nên không thể tăng trưởng được vận tải. Ông Trần Ngọc Thành khẳng định, năm 2016 ngành đường sắt phải tìm mọi giải pháp nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa. Cụ thể, năm 2016 sẽ là năm tập trung đổi mới toàn diện, để vận tải hàng hóa hòa hoặc có lãi.

Để hiện thực hóa điều này, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết, Tổng công ty đã yêu cầu các công ty vận tải đường sắt xây dựng quy trình phục vụ khách hàng đảm bảo công khai và minh bạch, đặc biệt đối với công tác cấp toa xe xếp hàng; ưu tiên hợp đồng vận tải các khách hàng truyền thống, đảm bảo cấp toa xe xếp hàng theo kế hoạch của tháng, kể cả lúc cao điểm vận tải.

Cùng với đó tổ chức điều hành chạy tàu đảm bảo kỳ hạn vận chuyển, cung cấp kịp thời thông tin về lô hàng khi khách hàng có nhu cầu về vị trí hiện tại của lô hàng, dự kiến thời gian đến ga dỡ hàng...

Tổng công ty cũng yêu cầu các đơn vị đường sắt triển khai ngay các biện pháp chăm sóc, ưu đãi khách hàng vận chuyển đường sắt nhanh.

VNR cam kết tiết giảm tối đa chi phí bằng cách điều hành tổ chức chạy tàu, điều cấp xe rỗng hợp lý; sử dụng tối đa đầu máy công suất lớn có định mức tiêu hao nhiên liệu thấp. Đặc biệt, VNR sẽ cập nhật giá dầu để điều chỉnh giá cước vận tải công khai minh bạch, phù hợp với sự biến động của thị trường.

Thời gian tới, VNR sẽ chuẩn bị phương án để trình Chính phủ, Quốc hội, xin chủ trương đầu tư đường sắt đôi, khổ 1,435m và lựa chọn một số đoạn tuyến để đầu tư trước như Hà Nội - Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh - Nhà Trang.

Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, nhận định: Năm 2016, ngành đường sắt xác định tiếp tục là một năm khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện vận tải đường bộ và hàng không giá rẻ.

Trong khi đó, các công ty vận tải mới chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần cần thời gian để thích ứng. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng của ngành đường sắt vẫn còn hạn hẹp.

Song Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ bằng mọi biện pháp để nâng cao quản trị doanh nghiệp, ổn định và phát triển các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, đảm bảo hiệu quả vận tải đường sắt.

Nhìn lại năm 2015, công tác nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng đã được VNR đẩy mạnh. Trong đó phải kể đến việc Tổng công ty đầu tư các công trình phục vụ khách hàng đầu tư xây dựng mới hệ thống mái che, ke ga; hoàn thành dự án lắp đặt thiết bị vệ sinh tự hoại lên các toa xe khách; cải tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác các toa xe khách hiện đại, chạy tàu nhanh, chất lượng cao trên các tuyến....

Ngoài ra, VNR cũng tập trung đầu tư giải quyết các nút thắt về hạ tầng như cải tạo, nâng cao tải trọng cầu yếu tuyến phía Tây... để tăng năng lực vận tải. Mặt khác, VNR đã chủ động tìm đến khách hàng, điều chỉnh giá cước hàng hóa linh hoạt để đáp ứng yêu cầu của thị trường vận tải, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá vé tàu...

Ông Trần Ngọc Thành khẳng định: “Chưa đầy một năm sau khi đưa hệ thống vé tàu điện tử vào hoạt động, với việc bán vé tàu qua mạng internet, chất lượng phục vụ đã có những đột phá bước đầu. Trong thời gian tới, ngành đường sắt sẽ tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí hơn nữa nhằm giảm giá vé, cạnh tranh với các phương thức vận tải khác".

Đánh giá những thay đổi của Tổng công ty Đường sắt, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cho đường sắt còn rất hạn chế, nhưng ngành đã tự đổi mới, quyết liệt tái cơ cấu, “thắt lưng buộc bụng”, kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng.

Chất lượng phục vụ trên tàu, dưới ga đã được cải thiện rõ rệt. Mặc dù vậy, ngành không thể bằng lòng với những gì đã đạt được mà cần nỗ lực nhiều hơn nữa vì sự hài lòng của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục