Ngành ngân hàng Mỹ hướng đến sự thay đổi lớn

06:30' - 17/07/2023
BNEWS Ngay cả khi những biến động dịu xuống sau một loạt vụ “giải cứu” ngân hàng của chính phủ, các nhân tố gây ra cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực tại Mỹ vẫn đang diễn ra.

Cuối tháng 4/2023, việc ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase tiếp quản ngân hàng khu vực First Republic Bank (FRB) đã cho thấy sự lắng dịu của cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng Mỹ, song đồng thời lại bắt đầu cho một làn sóng khác.

FRB, có trụ sở tại San Francisco, là ngân hàng lớn thứ hai sụp đổ trong lịch sử Mỹ do làn sóng rút tiền của khách hàng sau cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB). Việc JPMorgan Chase trở thành người chiến thắng trong cuộc đấu giá của Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) để mua lại phần lớn tài sản của First Republic Bank với giá 10,6 tỷ USD đã giúp trấn an thị trường sau khi ngành ngân hàng Mỹ liên tục tiếp nhận những cú sốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Giám đốc điều hành Jamie Dimon đã đưa ra những lời xoa dịu các nhà đầu tư rằng: “Giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã kết thúc”.

Tuy nhiên, ngay cả khi những biến động dịu xuống sau một loạt các vụ “giải cứu” của chính phủ đối với các ngân hàng tầm trung bị phá sản, các nhân tố gây ra cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực vào tháng Ba năm nay vẫn đang diễn ra. Lãi suất tăng sẽ khiến cổ phiếu mà các ngân hàng nắm giữ tổn thất nặng nề hơn và thúc đẩy những người tiết kiệm rút tiền mặt từ tài khoản, qua đó thu hẹp lợi nhuận của họ. Các ngân hàng đồng loạt chứng kiến sự thua lỗ đối với mảng bất động sản thương mại và các khoản cho vay mới, càng khiến lợi nhuận của họ sụt giảm. 

Sau sự sụp đổ của SVB, các cơ quan quản lý hướng sự chú ý đến các ngân hàng quy mô trung bình để tìm hiểu những sai sót trong giám sát. Những gì diễn ra sắp tới có thể sẽ là sự thay đổi đáng kể nhất của ngành ngân hàng Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhiều ngân hàng trong số 4.672 ngân hàng cho vay của nước này sẽ buộc phải rơi vào “vòng tay” của các ngân hàng mạnh hơn trong vài năm tới.

Đồng Chủ tịch của một trong sáu ngân hàng hàng đầu nước Mỹ, người từ chối tiết lộ danh tính cho hay: “Sẽ có một làn sóng mua lại và sáp nhập (M&A) lớn giữa các ngân hàng nhỏ hơn bởi vì họ cần phải trở nên lớn mạnh hơn. Chúng tôi là quốc gia duy nhất trên thế giới có nhiều ngân hàng kiểu vậy”.

Nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng

Để hiểu được gốc rễ của cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực tại Mỹ, cần nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, vốn được gây ra bởi hoạt động cho vay không kiểm soát đầy đủ đã thúc đẩy "bong bóng" nhà đất, mà sự sụp đổ của nó gần như làm suy sụp nền kinh tế toàn cầu.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng trước đó đã khiến các ngân hàng lớn nhất thế giới bị giám sát chặt chẽ, vốn cần các gói cứu trợ để ngăn chặn thảm họa. Kết quả là cuối cùng chính các ngân hàng có tổng giá trị tài sản từ 250 tỷ USD trở lên đã chứng kiến nhiều thay đổi nhất, bao gồm các bài kiểm tra căng thẳng hàng năm và các quy định chặt chẽ hơn về khả năng chịu thua lỗ mà họ giữ trên bảng cân đối tài chính.

Trong khi đó, các ngân hàng quy mô nhỏ được xem là an toàn hơn và ít bị chính quyền liên bang giám sát. Sau năm 2008, các ngân hàng khu vực quy mô nhỏ thường được hưởng lợi từ việc bán bảo hiểm cho các ngân hàng lớn hơn và cho thấy sự tăng trưởng ổn định bằng cách phục vụ các khách hàng giàu có hoặc các nhà đầu tư khởi nghiệp. Giá cổ phiếu của các ngân hàng như FRB và SVB liên tục tăng cao. Tuy vậy, ít phức tạp hơn các ngân hàng lớn không có nghĩa là những ngân hàng nhỏ tiềm ẩn ít rủi ro hơn.

Sự sụp đổ đột ngột của SVB vào tháng 3/2023 cho thấy một ngân hàng có thể giải thể nhanh như thế nào, xua tan một trong những lý thuyết cốt lõi của ngành ngân hàng: Tính ràng buộc của tiền gửi. Trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, lãi suất thấp và các chương trình mua trái phiếu đã giúp các ngân hàng tràn ngập nguồn vốn giá rẻ và “ru ngủ” những người gửi tiền để tiền gửi tại các tài khoản với lãi suất không đáng kể.

Brian Graham, một nhân viên ngân hàng kỳ cựu và là đồng sáng lập của công ty tư vấn Klaros Group, cho biết: “Trong ít nhất 15 năm, các ngân hàng đã tràn ngập tiền gửi với lãi suất thấp, họ chẳng mất gì cả. Điều đó rõ ràng đã thay đổi”.

Bài học từ cú sốc

Trong bối cảnh lãi suất tăng 10 lần liên tiếp, nhưng các tin tức tiêu cực từ ngành ngân hàng trong năm nay đã khiến nhiều khách hàng rút tiền gửi từ các ngân hàng khu vực để tìm kiếm lợi suất cao hơn hoặc kênh đầu tư an toàn hơn. Giờ đây, chính các ngân hàng quá lớn để phá sản, với sự hỗ trợ ngầm của Chính phủ, được coi là nơi an toàn nhất để gửi tiền. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn đã tăng vượt trội so với các ngân hàng khu vực quy mô. Cổ phiếu của JPMorgan tăng 7,6% kể từ đầu năm nay, trong khi chỉ số tổng hợp các ngân hàng khu vực KBW giảm hơn 20%.

Điều đó đã minh chứng cho một trong những bài học từ sự biến động ngành ngân hàng hồi tháng Ba vừa qua. Các công cụ trực tuyến đã giúp việc chuyển tiền trở nên dễ dàng hơn và các nền tảng truyền thông xã hội đã làm lan tỏa nhanh hơn mối lo ngại của những người gửi tiền đối với các ngân hàng cho vay. Các khoản tiền gửi có kỳ hạn trước đây được coi là “bị ràng buộc” hoặc không có khả năng rút ra, bỗng trở nên dễ dàng trôi khỏi ngân hàng. Do đó, khả năng thanh khoản của các ngân hàng bị thắt chặt hơn, đặc biệt là đối với các ngân hàng khu vực quy mô nhỏ với tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm cao. Ngay cả các siêu ngân hàng cũng buộc phải trả lãi suất cao hơn để giữ lại tiền gửi.

Những áp lực này sẽ được thể hiện rõ hơn khi các ngân hàng khu vực công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 trong tháng này. Các ngân hàng bao gồm Zions và KeyCorp hồi tháng trước đã nói với các nhà đầu tư rằng doanh thu từ lãi suất của họ đang thấp hơn dự kiến và nhà phân tích Matt O’Connor của Deutsche Bank cảnh báo rằng các ngân hàng khu vực có thể bắt đầu cắt giảm mức chi trả cổ tức.

Cùng với tình thế tiến thoái lưỡng nan của ngành là kỳ vọng rằng các cơ quan quản lý sẽ thắt chặt giám sát các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có quy mô tài sản từ 100 tỷ đến 250 tỷ USD như FRB và SVB. Chris Wolfe, một nhà phân tích ngân hàng của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings Inc., người từng làm việc tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhanh New York, cho biết: “Sẽ có thêm rất nhiều chi phí phát sinh, điều này sẽ làm giảm lợi nhuận và doanh thu của các ngân hàng. Chi phí cố định cao hơn đòi hỏi quy mô lớn hơn, cho dù bạn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thép hay ngành ngân hàng”. 

Ông Wolfe nhận định rằng một nửa số ngân hàng của Mỹ có thể sẽ bị các đối thủ cạnh tranh “nuốt chửng” trong thập kỷ tới.

Theo một chủ ngân hàng đầu tư hàng đầu tại Mỹ giấu tên, chuyên tư vấn cho các tổ chức tài chính, mặc dù chỉ SVB và FRB chứng kiến đợt rút tiền gửi lớn nhất vào tháng 3/2023, thì các ngân hàng khác cũng chịu tổn thương trong thời kỳ hỗn loạn đó. Hầu hết các ngân hàng đều thấy tiền gửi trong quý I/2023 giảm xuống dưới khoảng 10%, nhưng những ngân hàng mất nhiều hơn mức đó có thể gặp rắc rối.

Trong khi chờ đợi, các ngân hàng đang tìm cách bán bớt tài sản và các mảng kinh doanh để tăng vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng đang gặp khó khăn vì thị trường đang không sẵn sàng cho việc bán cổ phiếu mới của các ngân hàng cho vay, mặc dù mức định giá của họ đang sụt giảm.

Ông Lazard's Orszag, cựu chuyên gia tài chính của ngân hàng Goldman Sachs, cho biết, các nhà đầu tư đang tránh xa các cổ phiếu ngân hàng vì việc tăng lãi suất hơn nữa có thể gây ra một đợt giảm giá khác cho lĩnh vực này. Ông Orszag gọi vài tuần qua là “sự bình tĩnh giả tạo” của ngành ngân hàng và nó có thể bị phá vỡ khi các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý II/2023. Ông nói, ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với rủi ro rằng giá cổ phiếu có thể lại giảm và xu hướng rút tiền gửi có thể quay trở lại.

Viễn cảnh trước mắt

Nhiều nhà lãnh đạo ngân hàng cho rằng có lẽ sẽ mất một năm hoặc lâu hơn để chứng kiến sự gia tăng các thương vụ M&A trong ngành này. Lý do là bởi những bên thâu tóm sẽ phải chịu những tác động vào nguồn vốn của chính họ khi tiếp quản các đối thủ cạnh tranh bằng trái phiếu mất giá. Các nhà điều hành cũng đang tìm kiếm tín hiệu “hoàn toàn rõ ràng” từ các cơ quan quản lý về việc hợp nhất sau khi một số thương vụ đã bị hủy bỏ trong những năm gần đây.

Mặc dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã phát tín hiệu cởi mở với việc sáp nhập các ngân hàng, song những nhận định gần đây từ Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy cần xem xét kỹ lưỡng hơn các vấn đề chống độc quyền, còn các nhà lập pháp có ảnh hưởng bao gồm Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren phản đối việc gia tăng các vụ hợp nhất ngân hàng.

Các ngân hàng từng được hưởng lợi từ việc có quy mô nhỏ (tài sản dưới 250 tỷ USD) có thể thấy những lợi thế đó không còn nữa, dẫn đến nhiều thương vụ mua bán hơn giữa những ngân hàng cho vay tầm trung. 

Các ngân hàng lớn hơn có nhiều nguồn lực hơn để tuân thủ các quy định sắp tới và đáp ứng nhu cầu công nghệ của người tiêu dùng, những lợi thế đã giúp các đại gia tài chính bao gồm JPMorgan tăng thu nhập đều đặn mặc dù yêu cầu về vốn cao hơn. Tuy nhiên, đó có thể không phải là một quá trình dễ dàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục