Ngành thép phải chủ động ứng phó với kiện phòng vệ thương mại

13:01' - 04/07/2018
BNEWS Là một trong những ngành phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại nhất từ các nước, ngành thép trong nước đang đứng trước nỗi lo giảm sản lượng xuất khẩu.
Dây chuyền sản xuất dây thép của Hòa Phát. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, tăng trưởng của ngành thép sẽ đạt khoảng 20% trong năm nay; trong đó, thép xây dựng tăng 10%, thép cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15% và sản xuất tôn mạ tăng 12%. Đặc biệt, với sự góp mặt của các sản phẩm thép chất lượng cao từ nhà máy của Hoà Phát, Formosa…, năng lực cạnh tranh của ngành này sẽ tiếp tục có sự chuyển biến.

Tuy nhiên, là một trong những ngành phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại nhất từ các nước, ngành thép trong nước đang đứng trước nỗi lo giảm sản lượng xuất khẩu.

Có thể nhận thấy, liên tục trong thời gian ngắn gần đây, ngành thép phải chịu áp lực do tình hình bảo hộ thương mại từ các nước, như Mỹ, Canada, Malaysia, Thái Lan, Indonesia…

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, trong số 124 vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, thì có tới 30 vụ kiện liên quan đến thép, chủ yếu là các vụ điều tra chống bán phá giá.

Mới đây, Indonesia đã chính thức công bố áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Việt Nam ở mức từ 12,01% đến 28,49% trong 5 năm.

Ngày 12/6 vừa qua, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Hoa Kỳ đã nộp yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam...

Nga khiếu nại lên WTO đòi Mỹ bồi thường việc áp thuế nhập khẩu nhôm và thép. Ảnh: EPA
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, điều này khiến việc xuất khẩu thép của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Thế giới đang tích cực sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để kiện lại hàng hóa xuất khẩu từ các nước; trong đó có Việt Nam. Việc này sẽ tạo ra hàng rào thuế quan, ít nhiều cản trở việc xuất khẩu thép của Việt Nam sang các nước, gây khó khăn cho việc xuất khẩu. Ngành thép sẽ phải đóng thêm một khoản chi phí, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp thép sẽ giảm đi.

"Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu thép sang Hoa Kỳ hơn 900.000 tấn, nhưng đến năm 2017 chỉ còn hơn 500.000 tấn. Ảnh hưởng về xuất khẩu không chỉ sau khi bị áp thuế, mà đã diễn ra trong suốt cả quá trình khởi kiện trước đó…", ông Dũng nói.

Cũng theo báo cáo từ Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong số 78 vụ kiện chống bán phá giá của Việt Nam thì có 37 vụ là liên quan đến sắt thép, chiếm gần 1/2 các loại hàng hóa. Sau sắt thép, mặt hàng dệt sợi và nông thủy sản cũng là những mặt hàng bị kiện nhiều.

Cũng theo Trung tâm WTO, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nhưng cũng là thị trường chiếm tới 22% tổng số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở nước ngoài. Tiếp đó là các thị trường Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, EU, Canada…

Thị trường thép trong nước vẫn đang có nhiều triển vọng và tiềm năng phát triển. Tính đến hết tháng 30/4/2018, Việt Nam xuất khẩu thép thành phẩm đạt gần 1,91 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 43% về lượng và tăng 61% về giá trị. Theo đó, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu gần 1,1 triệu tấn thép, chiếm tới hơn 57% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Tiếp đến là các thị trường Hoa Kỳ (15,2%), EU (10%), Hàn Quốc (4,1%), Đài Loan-Trung Quốc (3,3%).

Ông Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu của ngành thép, trước hết, các doanh nghiệp phải tuân thủ theo luật pháp và những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Việt Nam cũng đã đầu tư với quy mô lớn, hiện đại ở khâu đầu và cuối để sản xuất ra sản phẩm tôn thép để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhà nước cần có những chính sách, biện pháp kiểm soát chặt nguồn thép nhập khẩu để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước…

“Doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thép của mình, như về chất lượng, giá thành… để mở rộng thị trường xuất khẩu; phải nâng cao nhận thức, hiểu biết về luật lệ thương mại quốc tế, phòng vệ thương mại để hạn chế những thiệt hại không đáng có”, ông Dũng nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á cho hay, việc các nước áp dụng các biện pháp bảo hộ đang gây khó khăn cho xuất khẩu của ngành thép. Do vậy, nhiều năm nay, Tôn Đông Á đã tập trung đầu tư công nghệ để sản xuất ra sản phẩm thép có chất lượng cao. Bởi công nghệ tốt không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm thép, giúp tôn thép Việt Nam thuận lợi và tự tin hơn khi bước ra sân chơi quốc tế; hạn chế việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước..

Hiện ngày càng nhiều các quốc gia sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường nội địa. Điều này đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước những khó khăn trong việc tìm giải pháp đối mặt với các vụ kiện, giữ vững thị trường xuất khẩu.

Đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, để ứng phó và tránh được tối đa các vụ kiện phòng vệ, bản thân doanh nghiệp nên chủ động phòng tránh bằng cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phát triển quá nóng một thị trường; đa dạng hóa mặt hàng, cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm với giá cao, giảm dần cạnh tranh bằng giá rẻ.

Đồng thời, cần tìm hiểu rõ về pháp luật, xu hướng kiện phòng vệ của nước xuất khẩu; chủ động đối phó với vụ kiện như thuê luật sư tư vấn, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội, Cục Phòng vệ thương mại và chuẩn bị tốt hồ sơ, chứng từ, xác định rõ chiến lược kháng kiện…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục