Ngành thú y chủ động bảo vệ vật nuôi và sức khỏe cộng đồng

15:56' - 11/07/2023
BNEWS Ngành thú y đã và đang kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm, bệnh truyền lây giữa động vật và người theo cách tiếp cận “Một sức khỏe”.

Trong thư chúc mừng nhân kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống ngành thú y (11/7/1950 - 11/7/2023), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kỳ vọng toàn ngành làm chủ công nghệ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn sản xuất.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, suốt lịch sử 73 năm hình thành và phát triển, nhờ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động, ngành thú y cả nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, làm giàu thêm truyền thống và nâng cao vị thế của ngành. 

Ngành đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thú y, xây dựng và kiện toàn hệ thống thú y từ Trung ương đến cơ sở. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thú y, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới. 

Ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số, làm chủ công nghệ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả các kết quả khoa học trong thực tiễn sản xuất; hợp tác quốc tế sâu rộng, tạo thuận lợi trong đàm phán thương mại, xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật sang các nước.

Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho đàn vật nuôi, thủy sản, các bác sỹ thú y đóng vai trò tích cực và quan trọng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm, bệnh truyền lây giữa động vật và người theo cách tiếp cận “Một sức khỏe”.

Xây dựng thành công hàng nghìn vùng, cơ sở bảo đảm an toàn dịch bệnh, đáp ứng nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nghiên cứu và sản xuất được hầu hết các loại thuốc thú y, vaccine phòng, chống dịch bệnh động vật. Đặc biệt mới đây vaccine phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. 

 

Ngành thú y còn phải vượt qua nhiều thành thức, song, với phương châm "Tư duy mở, hành động nhanh và kết quả thật”, Bộ trưởng tin tưởng ngành sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, sẵn sàng thích ứng với mọi thay đổi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị ngành thú y cần không ngừng học hỏi, tiếp tục làm chủ khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất thuốc và vaccine thú y với chất lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, cần sớm có giải pháp phù hợp, khả thi để kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Qua 73 năm hình thành và phát triển, thành công và đóng góp của ngành thú y được thể hiện ở công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản đã có chuyển biến tích cực, từ bị động sang chủ động theo cách tiếp cận Một sức khỏe, nên đã loại trừ, kiểm soát tốt nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Việt Nam là một trong số các nước sớm thanh toán và loại trừ hoàn toàn được bệnh dịch tả trâu bò vào năm 1978; kiểm soát và ngăn ngừa nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm lây lan sang người như bệnh cúm gia cầm, nhiệt thán, dại,… kiểm soát tốt các loại dịch bệnh gây thiệt hại lớn về kinh tế như bệnh lở mồm long móng, tai xanh. 

Đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi, vaccine thương mại thương hiệu Việt Nam lần đầu tiên trên thế giới đã ra đời. Đây không chỉ là bước ngoặt mang tính lịch sử của ngành thú y mà còn là bước tiến của thú y thế giới.  

Báo cáo của Cục Thú y cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt, đặc biệt kiểm soát tốt các bệnh nguy hiểm. Số động vật mắc bệnh cúm gia cầm giảm 76%, dịch tả lợn châu Phi giảm 80%, viêm da nổi cục giảm 82%, cả nước chỉ có 1 ổ dịch tai xanh, 19 ổ dịch lở mồm long móng.

Cùng với kiểm soát dịch bệnh trong nước, ngành thú y cũng nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường cho sản phẩm chăn nuôi. Để có cơ sở đàm phán xuất khẩu sản phẩm động vật, Cục Thú y đã hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp xây dựng cơ sở, chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật.

Đến nay, cả nước có 2.458 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Ngành đã xây dựng xong và trình Bộ sẵn sàng ký Biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng để phục vụ xuất khẩu.

Hiện thịt gà chế biến của Việt Nam đã có thể xuất khẩu chính ngạch sang sang 7 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc) và 5 nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu; sữa và sản phẩm sữa đã được xuất khẩu sang gần 50 quốc gia; trứng và sản phẩm trứng gia cầm đã được xuất khẩu sang Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar… ; thịt lợn sữa, lợn choai, lợn mảnh đã được xuất khẩu sang thị trường Hong Kong (Trung Quốc) và Malaysia...

Tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm, bảo vệ sức khỏe người dân, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long khẳng định, ngành thú y đã, đang và sẽ từng bước thay đổi tư duy, cách tiếp cận để phân tích khó khăn hiện tại và đề ra giải pháp phù hợp mang tính khoa học và hệ thống.

Ngành vận dụng hiệu quả, linh hoạt các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Từ đó, thúc đẩy sự am hiểu và tự giác của người dân đồng hành với ngành thú y trong việc bảm đảm sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng.

Sắc lệnh số 125-SL ngày 11/7/1950 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành về bài trừ dịch tễ dịch bệnh gia súc là văn bản pháp lý đầu tiên về thú y để các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện. Đây là cơ sở để Cục Thú y báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Ngày truyền thống ngành thú y là ngày 11/7 (Quyết định số 664/QĐ-TTg ngày 12/7/2005)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục