Ngành xây dựng phục hồi sau đại dịch

11:16' - 12/04/2022
BNEWS Trong 2 năm ứng phó với đại dịch, doanh nghiệp ngành xây dựng – vật liệu xây dựng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc xây dựng khả năng phục hồi bằng cách triển khai các dự án, phân bổ nguồn vốn.

Theo Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), mặc dù mất đà tăng trưởng từ trước đại dịch COVID-19 nhưng thị trường xây dựng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và được nhiều tổ chức quốc tế định giá khoảng 60 tỷ đô la Mỹ (USD) vào năm 2021; cũng như dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 8,71% trong giai đoạn 2022-2027. Trong số các ngành và lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng cũng như hệ sinh thái ngành bất động sản – xây dựng – vật liệu xây dựng đang khá chủ động trong nỗ lực tự phục hồi trước những tác động và ảnh hưởng từ đại dịch. Phần lớn các doanh nghiệp đều lạc quan về triển vọng của ngành ngày trong năm 2022 đối với tất cả các phân khúc. 

* Doanh nghiệp chủ động thích ứng và phục hồi

Khảo sát mới đây nhất của Vietnam Report đã chỉ ra rằng, 86,7% số doanh nghiệp trong ngành đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phản ứng ngay lập tức, thích nghi tốt và chịu ít tác động của đại dịch; 6,7% số doanh nghiệp không có sự chuẩn bị nhưng cũng đã phản ứng nhanh chóng và dứt khoát để phục hồi. Dẫu vậy, vẫn có khoảng 3,3% số doanh nghiệp phản ứng chậm và kỳ vọng sẽ phục hồi trong tương lai. Ngoài ra, có 3,3% số doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, mặc dù có sự chủ động nhưng tại sao tăng trưởng vẫn ở mức thấp? Theo Vietnam Report, các doanh nghiệp đang chịu những tác động tiêu cực do việc bỏ qua đầu tư vào chiến lược phục hồi kinh doanh.

Khả năng phục hồi kinh doanh được hiểu là khả năng mà một doanh nghiệp có thể nhanh chóng thích ứng với sự gián đoạn, đồng thời duy trì hoạt động kinh doanh liên tục và bảo vệ nhân sự, tài sản cũng như giá trị thương hiệu. Như vậy, khả năng phục hồi đề cập đến việc quản lý khủng hoảng và tính liên tục trong kinh doanh, ứng phó với tất cả các loại rủi ro mà một doanh nghiệp có thể phải đối mặt. Ngoài ra, khả năng phục hồi kinh doanh còn đề cập đến khả năng doanh nghiệp thích ứng với môi trường kinh doanh mới sau khủng hoảng. 

Trong 2 năm ứng phó với đại dịch vừa qua, các doanh nghiệp ngành xây dựng – vật liệu xây dựng đã nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc xây dựng khả năng phục hồi bằng cách triển khai các dự án và phân bổ nguồn vốn. 100% số doanh nghiệp đã và đang cam kết hành động quyết liệt để cải thiện khả năng phục hồi của doanh nghiệp trước các sự kiện gián đoạn trong tương lai; trong đó, 33,3% số doanh nghiệp đã hoàn thành với những giải pháp thiết thực; 43,3% số doanh nghiệp đang trong quá trình triển khai và 23,4% số doanh nghiệp đang lập kế hoạch.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho biết, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tác động của đại dịch COVID-19 hoàn toàn không nằm ngoài dự đoán, nên doanh nghiệp nào đầu tư tốt cho khả năng phục hồi kinh doanh thì doanh nghiệp đó không những có thể vượt qua khó khăn từ những rủi ro và sự gián đoạn, mà còn có thể phục hồi nhanh hơn và đạt sự bứt phá tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo. Vì lẽ đó, hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin vững chắc vào triển vọng phục hồi và tăng tốc của toàn ngành xây dựng - vật liệu xây dựng trong năm 2022.

Đại diện Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), Chủ tịch Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, những tháng gần đây, thị trường bất động sản bắt đầu “nóng” trở lại, kéo theo sự hồi phục mạnh mẽ từ các nhóm ngành cung ứng như vật liệu xây dựng, xây lắp thi công; góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển. Để đáp ứng nguồn cung ra thị trường, các doanh nghiệp xây dựng và phát triển bất động sản đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ và triển khai nhiều dự án, công trình; nhất là loạt dự án có lợi thế sử dụng nguồn vốn đầu tư công. 

Việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công cùng Chương trình phục hồi kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng GDP trong năm nay và những năm tiếp đang tạo ra nhiều cơ hội cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản cũng như các những công trình khác về hạ tầng kỹ thuật, văn hoá, xã hội,... Chính vì thế, hơn lúc nào hết các doanh nghiệp ngành xây dựng - vật liệu xây dựng cần khẩn trương, tích cực tranh thủ đón bắt cơ hội phát triển rất tốt trong năm 2022.

Qua đánh giá và tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp thành viên hiệp hội, các nhà thầu trong ngành xây dựng - vật liệu xây dựng đang rất sẵn sàng với nguồn lực tốt nhất để trở lại thị trường và chuẩn bị cho những bứt phá trong thời gian tới, ông Quốc Hiệp nhấn mạnh.

* Ưu tiên nguồn lực 

Ghi nhận những động thái tích cực đối với ngành xây dựng, ông Vinh cho hay, ngay từ những tháng đầu năm 2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ mạnh vào lĩnh vực xây dựng công nghiệp.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 20/3, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần đạt gần 9 tỷ USD; tổng vốn giải ngân ước tính đạt 4,42 tỷ USD – đây là mức cao nhất so với quý I của các năm giai đoạn 2018-2022... hứa hẹn những khởi sắc mới nhờ vào chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau 2 năm chống dịch COVID-19.

Riêng đối với ngành xây dựng và bất động sản, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần trong giai đoạn này đạt hơn 3,3 tỷ USD. Cùng với đó là loạt các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ cũng đã được triển khai, đang tạo xung lực mới cho các doanh nghiệp ngành xây dựng - vật liệu xây dựng phục hồi và tăng tốc.

Theo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sẽ có tối đa 176.000 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển mà đa phần là đầu tư hạ tầng giao thông. Cũng trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến được Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng hơn 50.000 tỷ đồng – mức lớn nhất từ trước đến nay.

Việc hàng loạt các dự án cao tốc sẽ được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022-2025 sẽ mở ra cơ hội bứt phá về lợi nhuận cho nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông. Ngoài ra, nhu cầu huy động vật liệu xây dựng lớn tại các dự án cũng sẽ tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường và xi măng thời gian tới.

Song song với đó, môi trường pháp lý cũng đang có một số chuyển biến tích cực. Quốc hội đã thông qua dự án “1 luật sửa 8 luật” tháo gỡ khá nhiều nút thắt pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 cũng đang được kỳ vọng sẽ tạo áp lực đủ lớn để đem lại những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành sẵn sàng tăng tốc, chinh phục dấu mốc mới trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi kinh tế để bù đắp những mất mát trong giai đoạn vừa qua, theo đại diện Vietnam Report, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng – vật liệu xây dựng trong ngắn và trung hạn cần tập trung vào 6 ưu tiên.

Đó là tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro; đảm bảo việc làm, tiền lương và quyền lợi cho nhân viên; tăng cường hợp tác đầu tư; đẩy mạnh đầu tư và phát triển công nghệ; tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với thời đại số và tăng cường huy động vốn, xây dựng nguồn tài chính vững mạnh. Với những nỗ lực này, ngành xây dựng - vật liệu xây dựng sẽ thực hiện tiến trình phục hồi và đạt kết quả nhanh hơn kỳ vọng, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong gian đoạn mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục