Làm rõ các nội dung liên quan xử lý nợ xấu, bất động sản và đầu tư công

21:33' - 04/04/2022
BNEWS Nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như xử lý nợ xấu, kiểm soát giá nhà đất, giải ngân gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ... đã được các bộ, ngành giải đáp tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 chiều 4/4.

*Điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp

Trả lời câu hỏi về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay 14%, đến nay Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện mục tiêu này ra sao, đồng thời thông tin rõ hơn về việc xây dựng Nghị quyết để kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm được đặt ra từ đầu năm, tuy nhiên con số này cũng có thể điều chỉnh vào cuối năm cho phù hợp, đảm bảo mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Đến thời điểm ngày 31/3/2022, con số tăng khá tích cực, số liệu đến nay tăng 5,04%. Nếu so với thời điểm này của năm 2021 thì đã tăng gấp hơn 2,3 lần.

Điều này chứng tỏ nền kinh tế đang phát triển theo chiều hướng tích cực, cũng như chứng tỏ các biện pháp chống dịch của Chính phủ rất hiệu quả, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã quay trở lại.

"Mức tăng này so với thời điểm các năm trước là ở mức rất cao, tất nhiên đối với từng quý và cuối năm chúng tôi cũng sẽ có nghiên cứu điều chỉnh mức tín dụng sao cho đảm bảo phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát", ông Tú nhấn mạnh.

Về xử lý nợ xấu, theo ông Đào Minh Tú, Nghị quyết 42 của Quốc hội ra đời có tác dụng rất tích cực, số nợ xấu nhờ Nghị quyết 42 mà xử lý được là khoảng 380 nghìn tỷ đồng. Số lượng vốn rất lớn này được giải phóng, quay vòng tái tạo đầu tư cho nền kinh tế; việc xử lý các tài sản "đóng băng" cũng rất tích cực. Điều này có lợi ích với cả xã hội, ngành ngân hàng và nền kinh tế.

“Theo quy định sau 5 năm Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu hiệu lực. Chúng tôi thấy rằng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đặc biệt cần có một đạo luật liên quan tới xử lý nợ xấu nói chung chứ không chỉ liên quan tới xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có báo cáo Chính phủ, báo cáo các cấp, Bộ Chính trị, Quốc hội để có thể nghiên cứu ban hành một đạo luật về xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Tuy nhiên điều này cũng cần có thời gian nghiên cứu khảo sát đánh giá. Trong khi đó, nếu không kéo dài Nghị quyết 42, việc xử lý một số khoản nợ xấu sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Tú cho biết.

*Một số nơi chưa thực hiện nghiêm việc đấu giá đất

Trước câu hỏi hiện tại giá đất ở nhiều nơi trên cả nước tăng rất nhanh, liệu có hiện tượng sốt đất và tình trạng bong bóng bất động sản xảy ra hay không; Chính phủ có giải pháp như nào để giải quyết tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhìn nhận, hai năm vừa qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng trong nước và trên toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến quá trình đầu tư, sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân các nhà đầu tư lựa chọn kênh đầu tư vào đất đai, kim loại quý như vàng.

Bên cạnh đó, hai năm này cũng là đầu chu kỳ mà các địa phương, các bộ ngành thực hiện, triển khai xây dựng các quy hoạch. Do đó, một số nhà đầu tư nhân cơ hội này mua gom đất, phân lô bán nền, thậm chí không đúng các quy định pháp luật nhằm thu lợi bất hợp pháp.

Theo ông Lê Công Thành, hiện tượng giá đất tăng cục bộ ở một số địa phương làm ảnh hưởng, mất đi ưu thế về thu hút vốn đầu tư của địa phương, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của địa phương, làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

"Bên cạnh những lý do khách quan đó, có thể thấy một số nơi có lúc thực hiện chưa nghiêm về các phiên đấu giá và có hiện tượng để lộ thông tin, có sự thông đồng giữa tổ chức thực hiện đấu giá với người tham gia đấu giá", ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cho biết, vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất, giá bất động sản có liên quan đến trách nhiệm của một số bộ, ngành. Trong chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao, Bộ đã có Công văn số 1454 ngày 30/3/2021 gửi đến UBND các địa phương; trong đó Bộ đã khuyến cáo các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai.

Bên cạnh đó, cần công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất.

"Đặc biệt là cần có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Chúng ta phải quản lý để làm sao cho quy hoạch này thực hiện nghiêm túc nhất", ông Thành nói.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khuyến cáo các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản.

* Không để tiêu sai ngân sách

Về câu hỏi tình hình thực hiện chương trình phục hồi kinh tế đến nay đã giải ngân bao nhiêu tiền, hoặc thực hiện được bao nhiêu %, tiến độ giải ngân có đúng như kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp hay không, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, từ khi ban hành Nghị quyết 11 đến nay (từ ngày 30/1/2022), Bộ thường xuyên cập nhật tình hình tiến độ qua các kỳ họp báo thường kỳ tháng 2, 3 cũng như các báo cáo. Theo đánh giá chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ triển khai các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 11 cơ bản bám sát các mục tiêu về thời gian mà Nghị quyết đã đề ra đối với các bộ ngành, cơ quan có liên quan.

Về cập nhật tình hình tiến độ thực hiện chương trình phục hồi, đến nay, có một số nhóm vấn đề. Một là nhóm các cơ chế, chính sách đã được ban hành và đang triển khai thực hiện. Có những chính sách thậm chí có thể thực hiện ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 11.

Đặc biệt là các chính sách của Bộ Tài chính liên quan đến miễn giảm thuế và có lẽ mới có chính sách này được thực hiện và giải ngân được. Theo báo cáo sơ bộ, hiện nay số tiền thực hiện miễn giảm thuế là khoảng 9.000 tỷ đồng.

Nhóm thứ hai là nhóm mà các bộ, ngành cũng đã hoàn thành nhiệm vụ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 11 là trình các văn bản, dự thảo các quy định pháp quy trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét quyết định.

Nhóm ba là các văn bản, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền thì cũng đang trong quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan.

Riêng về đầu tư công, đây là vấn đề sử dụng nhiều tiền nhất của ngân sách nhà nước. Liên quan đến danh mục các dự án của chương trình phục hồi, các danh mục này cơ bản là danh mục mới, chưa có thủ tục.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ ngành tổng hợp danh mục để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thông báo với các bộ, ngành địa phương để triển khai làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư với các dự án, đặc biệt là các dự án lớn.

Hiện nay có 5 dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, gồm 2 đường vành đai của 2 thành phố và 3 dự án cao tốc của Bộ Giao thông Vận tải, đã hoàn thành xong công tác thẩm định, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, chi tiêu ngân sách nhà nước phải bảo đảm hai yếu tố quan trọng là đúng quy định pháp luật, đúng trình tự pháp luật để không tiêu nhầm, không tiêu sai và phải bảo đảm hiệu quả tính chi tiêu. Do vậy, việc giải ngân vốn chương trình phục hồi hiện nay được thực hiện rất tích cực nhưng phải bảo đảm yếu tố vừa nhanh, vừa đúng quy định pháp luật, vừa hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục