Nghệ An kết nối, đưa hàng hóa thâm nhập thị trường Hàn Quốc

16:13' - 16/06/2022
BNEWS Hàn Quốc là một trong những thị trường quan trọng và tiềm năng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Nghệ An trong nhiều năm qua.

Việc hai nước tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Hàn Quốc cũng như Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đã mở rộng khung pháp lý cho các hoạt động thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường Hàn Quốc.

Đó cũng là điều kiện để Nghệ An thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường kết nối, đưa hàng hóa của Nghệ An sang Hàn Quốc.

 

Hiện Nghệ An đã có hơn 54 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc với 8 nhóm mặt hàng chính là dệt may; thiết bị linh kiện điện tử; dây điện và cáp điện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; sản phẩm đá các loại; bao bì; hoa quả chế biến; nhựa thông, tùng hương...
Tuy nhiên, trong quá trình xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp của tỉnh gặp không ít khó khăn, nhất là các điều kiện, hàng rào kỹ thuật của Hàn Quốc có xu hướng siết chặt hơn.

Thực tế nhu cầu kết nối tiêu thụ hiện nay với Hàn Quốc tập trung vào các mặt hàng nông thủy sản, đá các loại, vật liệu xây dựng.

Nhưng, việc tìm kiếm và kết nối với đối tác Hàn Quốc gặp khó do thói quen của họ là duy trì làm việc với các đối tác cũ, ít chuyển sang đối tác mới. Việc tiếp cận thông tin thị trường gặp khó do các website cung cấp thông tin chủ yếu bằng tiếng Hàn dẫn đến việc giao dịch phải qua trung gian nên mất thêm thời gian và chi phí.
Mặt khác, Hàn Quốc có xu hướng siết chặt hơn rào cản kỹ thuật đối với mặt hàng nông sản. Vì vậy, mặc dù được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng hàng nông sản nhập khẩu luôn bị kiểm tra một cách nghiêm ngặt.

Điều này khiến nông sản được nhập khẩu vào Hàn Quốc với số lượng rất hạn chế. Đối với các loại rau quả chế biến, nhà máy cung cấp thì phải đạt được các tiêu chí theo giấy chứng nhận xuất khẩu do phía Hàn Quốc cấp.
Trong khi đó, doanh nghiệp Nghệ An hầu hết chưa nắm rõ được điều kiện, tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu vào Hàn Quốc dẫn đến nhiều mặt hàng chưa thể đáp ứng tiêu chuẩn để xuất khẩu. Hiện kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của tỉnh sang Hàn Quốc còn rất thấp, chỉ chiếm từ 3-4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường Hàn Quốc về quy định pháp luật, nhu cầu thị trường, rào cản kỹ thuật,..., Sở Công Thương Nghệ An đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ Tham tán thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tỉnh Nghệ An; cung cấp thông tin về thị trường Hàn Quốc; các điều kiện, rào cản kỹ thuật của Hàn Quốc cho các doanh nghiệp....

Cùng đó là giải đáp và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc khi xuất nhập khẩu với thị trường Hàn Quốc; đồng thời tìm kiếm giải pháp để thực hiện hiệu quả hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với một số sản phẩm cụ thể của tỉnh sang thị trường Hàn Quốc.
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Sở Công Thương Nghệ An duy trì mối liên hệ thường xuyên, liên tục để hỗ trợ về mặt thông tin, tiêu chuẩn hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu để có định hướng sản xuất; hỗ trợ kết nối với các nhà nhập khẩu tiềm năng, đáng tin cậy để đạt mục tiêu xuất khẩu được một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Nghệ An như: cam, lạc, chè, dứa, gừng, rau củ quả...
Ngoài ra, thực hiện các hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại Hàn Quốc; phối hợp tổ chức kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp của Hàn Quốc và các doanh nghiệp của tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, hỗ trợ kết nối với các nhà đầu tư trong các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế: nông thủy sản, dệt may, linh kiện điện tử, đá các loại, gỗ và sản phẩm gỗ, vật liệu xây dựng,...
Trước mắt, với mục đích đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc nói chung và tỉnh Nghệ An với thành phố Gwangju nói riêng, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đề xuất xây dựng cơ chế trong việc cung cấp, trao đổi thông tin nhằm tìm hiểu về văn hóa, tình hình đầu tư, thương mại giữa hai bên.
Chính quyền thành phố Gwangju hỗ trợ Nghệ An xuất khẩu một số mặt hàng có điều kiện xuất khẩu của Nghệ An như: Thủy sản (đông lạnh, bột cá...), gừng, hoa quả và hoa quả chế biến (cam, chanh leo, dứa...). Chuỗi siêu thị Y - Mart thông qua việc nắm bắt thông tin các sản phẩm được giới thiệu tại cuộc làm việc cũng như các sản phẩm khác để nghiên cứu đưa một số sản phẩm được bán tại Hàn Quốc.
Thực tế trong đợt khảo sát, tìm hiểu cụ thể về các sản phẩm của doanh nghiệp Nghệ An trong đầu tháng 6 vừa qua, các doanh nghiệp của Hàn Quốc cũng đánh giá tiềm năng sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng nông sản của Nghệ An khá phong phú.

Hiện nay có rất nhiều công dân của các nước châu Á; trong đó có Việt Nam sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc bởi vậy nhu cầu sử dụng hàng hóa xuất xứ Việt Nam rất cao. Nhiều sản phẩm của Việt Nam được người dân Hàn Quốc ưa chuộng, như phở, mỳ… Tới đây, sau các cuộc làm việc, kết nối cung - cầu xuất, nhập khẩu, hy vọng hàng Nghệ An sẽ có mặt nhiều hơn ở thị trường Hàn Quốc.
Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều năm 2021 giữa Nghệ An và Hàn Quốc đạt 452 triệu USD, tăng 45% so với năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 246,1 triệu USD, chiếm 11,65% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, xếp vị trí thứ 3 sau thị trường Trung Quốc và Hongkong (Trung Quốc)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục