Nghệ An tiết kiệm chi ngân sách những tháng cuối năm

11:31' - 19/07/2023
BNEWS Những tháng cuối năm 2023, trong điều kiện kinh tế - xã hội dự báo còn gặp nhiều khó khăn, tỉnh Nghệ An đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm siết chặt chi ngân sách.
Trong đó có việc điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được giao; ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến con người, an sinh xã hội; không để phát sinh tình trạng chậm, muộn, nợ đọng chế độ, chính sách trên địa bàn.

 
Tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, chi cho hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, như các khoản chi đi công tác nước ngoài, trong nước, chi phí văn phòng phẩm, chi phí sử dụng điện, chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, lễ kỷ niệm, động thổ, khởi công, khánh thành công trình, dự án.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức chi ngân sách theo dự toán và khả năng cân đối ngân sách địa phương. Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương năm 2023 giảm so với dự toán được Hội đồng Nhân dân tỉnh giao trong khi vẫn phải chi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, các địa phương phải chủ động xây dựng phương án điều hành sử dụng các nguồn lực của mình theo quy định để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước trong trường hợp thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.

UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đầu năm 2023 đến nay tại Nghệ An, chi ngân sách đáp ứng được yêu cầu của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên bộ máy quản lý nhà nước, đảm bảo kịp thời các chế độ chính sách về an sinh xã hội, đáp ứng kinh phí thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất; bố trí vốn cho một số công trình dự án trọng điểm của tỉnh.

Cụ thể, tỉnh đã chi cho đầu tư phát triển hơn 5.590 tỷ đồng, đạt 60,6% dự toán; chi thường xuyên 11.102 tỷ đồng, đạt 47,5% dự toán và chi dự phòng ngân sách địa phương 163 tỷ đồng, đạt 29,8% dự toán.

Trong số đó, chi thường xuyên chủ yếu tập trung chi lương, các khoản có tính chất lương, đảm bảo hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị; đáp ứng yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh, đảm bảo xã hội, chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo, sự nghiệp y tế...

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung giải ngân các công trình trọng điểm ngoài nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các công trình khác theo cam kết của tỉnh từ nguồn chính sách đặc thù theo định mức dân số tăng thêm, như công trình đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2), đường ven biển từ Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) - Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đoạn từ Km 7 - Km 76, đường giao thông liên xã từ xã Tây Sơn đến xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn).

Chi dự phòng ngân sách tập trung chi thực hiện các nhiệm vụ như hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, kinh phí khôi phục sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tàu, tu sửa đê điều và sửa chữa các công trình ách yếu...

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2023, tại địa phương đang đứng trước những khó khăn, nổi lên đó là sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng cao, nguồn cung lao động thiếu hụt; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; cạnh tranh về thu hút đầu tư, thị trường xuất khẩu có thể trở nên gay gắt hơn; những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế xã hội, đời sống nhân dân.

Tỉnh Nghệ An xác định, trong bối cảnh khó khăn đó thì chi ngân sách để đảm bảo được các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đặt ra cho năm 2023 và các nhiệm vụ chi khác phát sinh là điều không đơn giản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục