Nghề câu cá ngừ đại dương: Ngư dân chưa hết “lênh đênh”

15:27' - 27/08/2016
BNEWS Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thực hiện các mô hình còn gặp nhiều khó khăn do ngư dân chưa quen với công nghệ mới, hiện đại.
Ngư dân vận chuyển cá ngừ đại dương từ tàu cá lên bờ. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Tháng 5 vừa qua, một chiếc tàu câu cá ngừ đại dương ở tỉnh Khánh Hòa đã câu được một con cá ngừ vây xanh nặng trên 300 kg tại ngư trường Hoàng Sa.

Với trọng lượng đó, có thể xem đây là con cá ngừ đại dương lớn nhất mà ngư dân Việt Nam câu được từ trước đến nay.

Sau khi cá mắc câu, nhóm thuyền viên trên tàu đã mất 6 giờ “vật lộn” mới có thể khuất phục, kéo con cá lên boong.

Ông Huỳnh Phi Minh, chủ chiếc tàu này đã tức tốc hướng mũi tàu vào bờ trong nỗ lực sớm đưa cá vào đất liền với hy vọng kịp góp mặt ở phiên chợ bán đấu giá tại Nhật, mà giá trị của những con cá có kích cỡ như thế có thể lên đến hàng chục nghìn USD như đã từng được thông tin trên báo chí.

Không như mong đợi, mất 5 ngày mới cập bến, con cá ngừ không được bảo quản tốt, nên hơn nửa phần thân cá đã không đủ chất lượng xuất khẩu, Công ty Hải sản Bền Vững chỉ mua với giá 180.000 đồng/kg, mặc dù cao gấp hai lần so với giá cá ngừ đại dương cùng thời điểm, nhưng “ước mơ” góp mặt ở phiên chợ đấu giá đã khép lại.

Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, đại diện Công ty Hải sản Bền Vững, tiếc rẻ nói: “Nếu cá có chất lượng tốt, doanh nghiệp sẵn sàng mua với giá 660.000 đồng/kg. Quả là một cơ hội đã không được tận dụng một cách triệt để”.

Ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, nơi khởi phát của nghề câu cá ngừ đại dương và hiện vẫn phát triển mạnh nhất cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm nay sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to của ba tỉnh đạt 10.600 tấn; cá ngừ vằn khoảng 31.860 tấn.

Điều cơ bản là chất lượng cá vẫn chưa được cải thiện nhiều, mấu chốt là phương pháp bảo quản cá trên tàu vẫn chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và thời gian đánh bắt, di chuyển trên biển quá lâu, khiến cho khi cập bờ cá đã mất dần chất lượng.

Sau gần hai năm cả ba tỉnh này triển khai đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khởi xướng và chủ trì, triển khai trong giai đoạn 2014 - 2020, cả ba tỉnh đã mở ra các mô hình hoạt động theo hướng liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp và ngư dân.

Các tỉnh đã làm tốt hơn công tác dự báo ngư trường cá ngừ đại dương ở vùng biển Việt Nam, đăng tải dự báo trên các trang thông tin điện tử của địa phương để ngư dân nắm bắt kịp thời.

Tỉnh Bình Định đã triển khai cho các tàu tham gia mô hình lắp đặt thiết bị câu hiện đại theo công nghệ Nhật Bản; cải tạo hầm bảo quản, bể hạ nhiệt của các tàu tham gia mô hình, tập huấn chuyển giao công nghệ tại Nhật Bản cho ngư dân, tổ chức một chuyến khai thác thử nghiệm cho 3 tàu với sự tham gia hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản.

Còn tại Khánh Hòa, sau khi được Chính phủ đồng ý với chủ trương cho phép địa phương thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng trung tâm nghề cá lớn trên địa bàn, tỉnh Khánh Hòa đã sớm tìm các đối tác lập quy hoạch cũng như kêu gọi đầu từ vốn xây dựng, với nhiều khả năng Nhật Bản sẽ cung cấp nguồn vốn ODA để thực hiện.

Theo đó, Trung tâm nghề cá lớn sẽ được xây dựng tại cảng cá Đá Bạc, thành phố Cam Ranh và hoàn thành vào năm 2018.

Đây là trung tâm nghề cá dành cho cả vùng duyên hải Nam Trung bộ và ngư trường Trường Sa; trong đó có cảng chuyên dụng cho nghề cá ngừ đại dương; khu dịch vụ hậu cần, hệ thống kho lạnh bảo quản sản phẩm; chợ đầu mối hải sản, chợ đấu giá cá ngừ đại dương khu vực Nam Trung bộ.

Ở Phú Yên, chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ do Công ty cổ phần Bá Hải ký hợp đồng cùng 8 tổ, đội sản xuất trên biển với hơn 70 chủ tàu câu cá ngừ đại dương, thực hiện.

Dù đã tập hợp được một lực lượng lớn các chủ tàu tham gia, nhưng nhiều ngư dân vẫn phải phụ thuộc vào các đầu nậu thu mua sản phẩm trong tạm ứng vốn cho mỗi chuyến ra khơi, đồng thời giá cả thua mua cá ngừ trong nhiều thời điểm giảm mạnh, khiến cho ngư dân chưa thực sự có động lực để gắn kết trong mô hình.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thực hiện các mô hình còn gặp nhiều khó khăn do ngư dân chưa quen với công nghệ mới, hiện đại, do đó chưa có sự đầu tư thích hợp, nên chưa tạo được sự thay đổi lớn về chất lượng cá. Thời gian chuyến biển dài ngày cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng cá.

Cơ chế và phương thức thu mua cá ngừ chưa theo đúng chất lượng thực tế, còn hiện tượng ép giá, “mua xô” nên chưa khuyến khích được ngư dân cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng.

Có tỉnh chưa tổ chức được tàu dịch vụ hậu cần thu mua cá ngay ngoài biển để rút ngắn thời gian bảo quản cá; chi phí vận chuyển trong khâu xuất khẩu còn khá cao, trang thiết bị từ khâu khai thác đến bảo quản còn chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng cảng chuyên dụng và chợ đấu giá cá ngừ chưa hình thành một cách đồng bộ.

Chính sách thúc đẩy phát triển chuỗi vẫn chưa bao quát hết những yêu cầu đặt ra, chưa có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, nhiều doanh nghiệp tâm huyết tham gia mô hình nhưng thiếu vốn sản xuất, kinh doanh…

Đây thực sự là những rào cản khiến cho việc triển khai đề án vẫn chưa được thông suốt như mong đợi.

Theo ông Nguyễn Khắc Tân, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên, tổng sản lượng cá ngừ khai thác của địa phương chỉ có khoảng 10 - 20% đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu nguyên con, bán được giá cao.

Ngư dân cần đầu tư thiết bị gây tê cá để kéo cá từ dưới nước lên tàu, tránh việc cá giãy giụa, làm giảm chất lượng ngay từ khâu đầu tiên như cách làm lâu nay.

Đồng thời cần nâng cấp các hệ thống hầm bảo quản cá trên tàu bằng vật liệu mới Polyurethane (PU) bọc inox hoặc composite; trang bị hầm ngâm hạ nhiệt cá trước khi đưa vào bảo quản và thực hiện tốt việc sơ chế, xử lý, bảo quản sản phẩm sau khai thác.

Việc sơ chế đòi hỏi phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản là “nhanh - lạnh - sạch - không giập nát”, như vậy mới góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu.

Hỗ trợ đánh bắt cá ngừ đại dương, Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa đã chế tạo và thử nghiệm thành công thiết bị gây tê, được hàng chục tàu đánh bắt trong tỉnh trang bị, giúp chất lượng cá ngừ đại dương sau khi câu được cải thiện nhiều so với trước.

Giá một bộ thiết bị này là 25 triệu đồng; trong khi bộ kích điện tương tự của Nhật Bản có giá hơn 85 triệu đồng.

Nhiều chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cho rằng mỗi mô hình thí điểm cần tổ chức tàu dịch vụ hậu cần để thu mua, vận chuyển cá vào bờ sớm nhất có thể, giảm thời gian bảo quản cá quá lâu trên biển, qua đó mới nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cần nghiên cứu xây dựng mô hình hầm bảo quản sản phẩm trên tàu với giá thành phù hợp trong điều kiện của ngư dân.

Ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa cần ngồi lại, xây dựng chính sách riêng cho nghề khai thác, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương của khu vực, gắn liền với việc quảng bá sản phẩm cá ngừ Việt Nam thông qua chợ đấu giá trên thị trường quốc tế.

Tổng cục Thủy sản cùng các địa phương hoàn thiện tiêu chí đánh giá chất lượng cá ngừ để có cơ sở thống nhất trong việc định giá mua, bán sản phẩm.

Với nhiều công việc cần phải gấp rút triển khai trên cơ sở những vấn đề còn tồn tại cũng như phát sinh trong thực tiễn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa và cả ngư dân cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện các nội dung của đề án.

Trong đó, nên kết hợp đề án này với việc triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, vốn đã triển khai trong hai năm qua, nhất là hiện đại hóa tàu đánh bắt xa bờ, câu cá ngừ đại dương.

Có như vậy, nghề đánh bắt cá ngừ đại dương của khu vực Nam Trung bộ mới đi đúng quỹ đạo, tạo ưu thế cho một sản phẩm đặc thù và giúp ngư dân vững lòng với nghề, an tâm bám biển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục