Nghệ thuật lãnh đạo đất nước về kinh tế trong khó khăn của Nhật Bản (Phần 2)

05:30' - 28/06/2020
BNEWS Việc Nhật Bản tham gia vào Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 và các cuộc thảo luận khác là một nhân tố quan trọng đảm bảo sự cân bằng cho khu vực.
Một cuộc họp Nội các của Nhật Bản ở Tokyo ngày 19/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Độ bền của chủ nghĩa tích cực quốc tế gần đây của Nhật Bản đang ngày một trở nên quan trọng hơn, đặc biệt là đối với các quốc gia nhỏ hơn đang tìm cách né tránh việc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc các nước này muốn Tokyo tiếp tục can dự là rất rõ ràng.

Bằng chứng là vào giữa tháng 4/2020, Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, đã đề xuất tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) để thảo luận về biện pháp ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế cộng đồng. 
Trung Quốc đang tìm cách khẳng định vị thế là nước đi đầu trong các vấn đề y tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 và thậm chí đã hồi sinh khái niệm “Con đường Tơ lụa Y tế”. Trong khi đó, Đông Nam Á đang muốn nhận được sự hỗ trợ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Đề xuất của Thủ tướng Abe tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 về việc thiết lập một trung tâm khẩn cấp về dịch bệnh và y tế công cộng và nhấn mạnh vào việc trao đổi thông tin một cách minh bạch cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của vấn đề an ninh y tế trong địa-chính trị sau đại dịch.

Do đó, việc Nhật Bản tham gia vào Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 và các cuộc thảo luận khác là một nhân tố quan trọng đảm bảo sự cân bằng cho khu vực.
Những thay đổi về thể chế gần đây của Nhật Bản có thể tăng cường sự linh hoạt của chính sách. Việc Tokyo thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) liên cơ quan năm 2013 là một bước tiến rất cần thiết trong việc thúc đẩy sự phối hợp chính sách giữa các Bộ ở Nhật Bản và nhờ vậy, tăng hiệu quả của công tác hoạch định chính sách.

Việc thiết lập một đơn vị kinh tế, cũng là cơ quan liên ngành, trực thuộc Ban Thư ký An ninh Quốc gia của NSC vào tháng 4/2020 là nhằm tăng cường độ sâu thể chế bằng cách đưa nghệ thuật quản lý Nhà nước về kinh tế vào trung tâm của chiến lược an ninh quốc gia.
Nhật Bản là một trong những nước sớm nhận ra mối đe dọa từ Trung Quốc nằm ở vấn đề địa-kinh tế cũng như sức mạnh cứng về an ninh. Việc Bắc Kinh tạm ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 do tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước là một bài học quan trọng cho Tokyo về khả năng Nhật Bản bị tổn thương trước những sức ép về kinh tế của Trung Quốc.
Trong khi đó, các xu hướng mới hơn như tác động của cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung đối với Nhật Bản, rủi ro từ các cuộc tấn công mạng có xuất xứ từ Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng kinh tế của Nhật Bản, vấn đề CHDCND Triều Tiên và các nước khác, và thậm chí kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ làm gia tăng các quan ngại ở Tokyo về sự cần thiết phải hợp nhất chiến lược kinh tế và an ninh.
Các định hướng ngoại giao kinh tế gần đây của Nhật Bản sẽ tồn tại lâu hơn chính quyền của Thủ tướng Abe. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2018, là một ví dụ điển hình và đang trở thành một công cụ quan trọng giúp duy trì ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Nhật Bản tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
CPTPP giúp mở cửa nền kinh tế và nâng cao tiêu chuẩn công nghiệp ở 11 quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, hiệp định này cũng tạo ra một khuôn khổ để các quốc gia nhỏ hơn hợp tác. Là nền kinh tế lớn nhất trong CPTPP, Nhật Bản chắc chắn đóng vai trò dẫn dắt trong khối này. Càng nhiều quốc gia tham gia, ảnh hưởng của Nhật Bản sẽ càng mở rộng hơn nữa.
Tất nhiên, các thể chế và khuôn khổ chỉ mạnh khi ý chí chính trị ủng hộ chúng mạnh. Tuy nhiên, nếu kiềm chế Trung Quốc là một trong những thách thức lớn nhất đối với tất cả các nền dân chủ phương Tây, Nhật Bản có thể được chuẩn bị tốt hơn về mặt thể chế và khái niệm so với nhiều quốc gia giàu có khác.

Phần lớn sự chuẩn bị này phản ánh nỗ lực xây dựng nghệ thuật quản lý Nhà nước về kinh tế của Thủ tướng Abe. Đây chính là di sản tồn tại lâu nhất mà Thủ tướng Abe để lại và liên quan tới việc Nhật Bản có khả năng xây dựng một liên minh giữa các cường quốc tầm trung để cân bằng các tác động gây bất ổn của mối quan hệ đối địch giữa Mỹ và Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục