Nghị sỹ Mỹ thúc giục Chính phủ hoãn việc chấm dứt GSP cho Ấn Độ

21:35' - 13/04/2019
BNEWS Thượng nghị sỹ Mỹ John Cornyn và Mark Warner đã thúc giục Chính phủ hoãn việc chấm dứt Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Ấn Độ và tìm kiếm các cơ hội đàm phán.

Trong thư gửi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ngày 12/4, hai Thượng nghị sỹ Mỹ John Cornyn và Mark Warner đã thúc giục Chính phủ hoãn việc chấm dứt Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Ấn Độ và tìm kiếm các cơ hội đàm phán, bởi việc ngừng dành ưu đãi miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ (trị giá lên tới khoảng 5,6 tỷ USD) trong khuôn khổ GSP sẽ làm tăng đáng kể chi phí đối với người tiêu dùng Mỹ.

Trong khi đó, các quan chức Ấn Độ lưu ý rằng trong trường hợp Tổng thống Mỹ Donald Trump xúc tiến thực hiện kế hoạch trên, Ấn Độ có thể không còn được hưởng GSP vào đầu tháng 5/2019. Điều này làm dấy lên khả năng Ấn Độ sẽ đáp trả bằng các mức thuế quan nhằm vào hàng hóa của Mỹ.

Ấn Độ là nước hưởng lợi nhiều nhất trên thế giới từ GSP, được áp dụng từ thập niên 1970, song quan hệ thương mại của quốc gia này với Mỹ đã phát triển đến mức Tổng thống Mỹ Trump đã lên tiếng “phàn nàn” về mức thuế quan cao cũng như các chính sách thương mại điện tử của New Delhi.

Bức thư của hai Thượng nghị sỹ trên kêu gọi Mỹ trì hoãn kế hoạch chấm dứt GSP cho Ấn Độ cho đến sau cuộc tổng tuyển cử kéo dài 39 ngày của Ấn Độ, đã bắt đầu diễn ra từ ngày 11/4 và kết quả dự kiến được công bố vào ngày 23/5.

Việc cho phép các cuộc thương thảo về vấn đề này tiếp tục diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ nói trên sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Ân Độ, mang lại một cơ hội để giải quyết các vấn đề về tiếp cận thị trường, cũng như góp phần cải thiện mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai.

Nếu Mỹ dỡ bỏ cơ chế miễn thuế quan đối với khoảng 2.000 dòng sản phẩm của Ấn Độ, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng bất lợi.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ đạt mức 126 tỷ USD năm 2017, được cho là chưa bằng 1/4 con số tiềm năng mà hai nước có thể đạt được.

Hồi tháng 6/2018, Ấn Độ cho biết sẽ áp mức thuế cao hơn dao động từ 20% đến 120% đối với một loạt nông sản, sản phẩm sắt và thép nhập khẩu từ Mỹ, sau khi Mỹ từ chối miễn trừ Ấn Độ khỏi kế hoạch áp thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép.

Tuy nhiên, Ấn Độ liên tục hoãn việc thực hiện kế hoạch áp thuế nói trên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục