Nghịch lý trong nguồn cung nhiệt điện của Trung Quốc

05:30' - 02/07/2022
BNEWS Trung Quốc có thể tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu điện vào mùa Hè này, bất chấp việc chính phủ nước này đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để thúc đẩy sản xuất than.

Nguyên nhân là vì phần lớn nguồn cung cấp than mới có chất lượng thấp hơn trước và vì thế than cháy nhanh và tiêu hao nhiều hơn khi được đưa vào các nhà máy nhiệt điện.

Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ than hàng đầu thế giới, có 60% sản lượng điện phụ thuộc vào than. Năm ngoái, sản lượng than trong nước giảm dẫn đến cuộc khủng hoảng gián đoạn nguồn điện kéo dài nhiều tuần và ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Kể từ đó, chính phủ nước này đã đẩy mạnh tăng sản lượng than lên mức kỷ lục và áp giá trần đối với mặt hàng này để đảm bảo giá cả phải chăng cho các nhà máy nhiệt điện.

Tuy nhiên, các thương nhân cho biết mức giá trần này lại đang khuyến khích các công ty khai thác than ưu tiên “số lượng hơn chất lượng”, tức là tăng cường sản xuất than chất lượng thấp. Than nhiệt có nhiệt trị trên 5.500 kcal/kg thường được coi là than có giá trị nhiệt cao (chất lượng cao). Do đó các nhà máy phát điện lại càng phải cần khối lượng than lớn hơn trước đây, nếu muốn nâng cao sản lượng điện.

Một nhà kinh doanh than Trung Quốc cho biết, các công ty khai thác than không có nhiều động lực để sản xuất than chất lượng cao vì tỷ suất lợi nhuận quá thấp do giá cả bị giới hạn. Ưu tiên của họ là sản xuất đủ khối lượng than để hoàn thành các mục tiêu do chính phủ đặt ra.

Yu Zhai, cố vấn cấp cao của tổ chức tư vấn và phân tích Wood Mackenzie, nhận định rằng các nhà máy điện cũng ưa chuộng than chất lượng thấp với giá rẻ hơn và giúp giảm tổn thất trong quá trình phát điện.

Trong khi Trung Quốc là nhà nhập khẩu than lớn nhất và là nhà nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai thế giới, quốc gia này phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung cấp nhiên liệu trong nước để phục vụ nhu cầu sản xuất điện. Đồng thời, nhà nước cũng kiểm soát giá điện, giá nhiên liệu và sản lượng than trong nước để cố gắng đảm bảo nguồn điện giá cả phải chăng.

Sau khi Trung Quốc đối diện với khủng hoảng điện trong năm ngoái, các công ty khai thác than trong nước đã tăng sản lượng lên mức cao kỷ lục, dẫn đến dự trữ than của Trung Quốc tăng 50 triệu tấn so với năm ngoái lên 159 triệu tấn vào tháng 5/2022. Ông Zhai cho biết, hầu hết than dự trữ hiện nay là than có giá trị nhiệt trung bình và thấp, nên các nhà máy điện cần đốt nhiều than hơn để tạo ra lượng điện tương tự như từ than có giá trị nhiệt cao.

Một thương nhân khác ở Trung Quốc nói: “Một số cơ sở ở miền Nam Trung Quốc ghi nhận tiêu thụ than của các nhà máy nhiệt điện tăng gần 15% vào cuối tháng Năm, nhưng sản lượng điện gần như không đổi”.

Với hoạt động công nghiệp hồi phục mạnh sau khi các biện pháp hạn chế do COVID-19 được nới lỏng, các thương nhân cho biết tỷ lệ than chất lượng thấp ngày càng cao có thể khiến các nhà máy nhiệt điện không có đủ nguồn cung cấp than để đáp ứng nhu cầu điện cao hơn đáng kể.

Hội đồng Điện lực Trung Quốc dự báo trong tháng Tư rằng một số khu vực, bao gồm cả miền Nam và miền Đông Trung Quốc, sẽ bị thắt chặt nguồn cung cấp điện vào những giờ tiêu thụ điện cao điểm trong mùa Hè.

Nhu cầu tiêu thụ điện đã tăng mạnh ở các tỉnh phía Bắc sông Dương Tử do thời tiết nóng hơn bình thường, với các khu vực như Hà Nam, tỉnh Đông dân thứ ba của Trung Quốc, đang được áp dụng các biện pháp thử nghiệm trong phân phối điện để đáp ứng nhu cầu điện có thể tăng kỷ lục trong thời gian tới.

Thay đổi cơ cấu than nhập khẩu

Sự sụt giảm nguồn cung cấp than chất lượng cao của Trung Quốc càng trở nên trầm trọng hơn do sự thay đổi lớn trong cơ cấu nhập khẩu than của Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu không chính thức từ nhà sản xuất than chất lượng cao Australia vào cuối năm 2020 và tăng mua than chất lượng thấp từ các nhà cung cấp ở Indonesia và Mông Cổ.

Nhập khẩu thường chiếm khoảng 7% tổng lượng than tiêu thụ của Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng đối với các nhà máy phát điện ở các vùng ven biển.

Nguồn tin của Reuters cho biết, tỷ trọng than nhiệt có giá trị nhiệt trên 5.500 kcal (than chất lượng cao) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020, tức là dưới 10% tổng lượng than dự trữ.

Mặc dù Indonesia cũng sản xuất một số loại than có giá trị nhiệt cao, nhưng giá đắt hơn và chủ yếu được bán cho châu Âu. Một thương nhân tại Singapore cho biết: “Với giá vận chuyển cao vào thời điểm hiện tại, chỉ có than rẻ, chất lượng thấp mới có thể tìm được thị trường ở Trung Quốc”.

Nhập khẩu than từ Indonesia sang châu Âu cũng đang tăng lên do khách hàng châu Âu muốn thay thế nguồn cung cấp than và khí đốt của Nga. Điều đó cũng làm giảm nguồn cung than chất lượng cao và đẩy giá than quốc tế lên cao hơn giá than nội địa của Trung Quốc, khiến việc nhập khẩu mặt hàng này không khả thi về mặt kinh tế đối với nhiều công ty điện lực Trung Quốc.

Để đề phòng nguy cơ thiếu hụt than và gián đoạn cung cấp điện, Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các công ty thủy điện và sản xuất điện từ năng lượng tái tạo đẩy mạnh công suất nhiều nhất có thể. Theo tuyên bố của chính quyền địa phương, một số biện pháp khác mà Trung Quốc có thể thực hiện để hạn chế nguy cơ thiếu điện bao gồm, giới hạn mức sử dụng điện tại các nhà máy tiêu thụ điện cao và khuyến khích các công ty và hộ gia đình tiết kiệm điện.

Rủi ro tiềm tàng

Theo các thương nhân, mức tiêu thụ điện năng thấp gần đây của Trung Quốc, do các đợt phong tỏa trên diện rộng, đã che lấp một phần những nguy cơ tiềm tàng xuất phát từ tình trạng suy giảm khối lượng than chất lượng cao.

Theo Hiệp hội Vận tải và Phân phối Than Trung Quốc, mức tiêu thụ điện hàng ngày tại tám tỉnh ven biển Trung Quốc hiện thấp hơn 17% so với một năm trước. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh đang khởi sắc sau khi các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID-19 và công bố hàng loạt biện pháp kích thích mới. Điều đó có thể kích thích nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh.

Dự báo nhiệt độ cao hơn bình thường ở miền Đông và miền Trung của Trung Quốc trong mùa Hè này cũng có thể đẩy nhu cầu sử dụng điều hòa không khí lên cao, trong khi lũ lụt dự kiến có thể làm gián đoạn hoạt động phát điện của các nhà máy thủy điện trong mùa mưa sắp tới.

Một thương nhân ở Trung Quốc nhận xét, vấn đề cơ cấu hiện chưa rõ ràng vì tiêu thụ than còn yếu. Nhưng một khi nhu cầu sử dụng điện tăng lên vào mùa Hè cùng với sự phục hồi kinh tế hậu phong tỏa, Trung Quốc có thể thấy nhu cầu tiêu thụ than tăng với tốc độ nhanh hơn bình thường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục