Người dân thờ ơ với cầu, hầm bộ hành - Bài 1: Những hầm bộ hành bị bỏ quên

11:24' - 15/06/2020
BNEWS Hầm bộ hành bị bỏ quên là thực tế đang diễn ra ở một số hầm bộ hành trên địa bàn Hà Nội.

Thiếu cảm giác an toàn, nhếch nhác mất vệ sinh, vị trí xây cầu còn bất tiện cho khách bộ hành; đồng thời, là sự thiếu ý thức của không ít người dân khiến một số cầu, hầm bộ hành được thành phố đầu tư không ít tiền của xây dựng nhằm hạn chế ùn tắc giao thông cho Thủ đô và bảo đảm an toàn cho người đi bộ khi sang đường chưa phát huy được hiệu quả, thậm chí bị bỏ quên.
Bài 1: Những hầm bộ hành bị bỏ quên
Hầm bộ hành bị bỏ quên là thực tế đang diễn ra ở một số hầm bộ hành trên địa bàn Hà Nội. Tại sao những công trình tiền tỷ được xem là hình ảnh của hệ thống giao thông hiện đại lại không thu hút được khách bộ hành, rơi  vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu, thậm chí bị bỏ quên.
*Đúng vị trí, sạch sẽ, an toàn hút khách
Trong số các hầm bộ hành trên địa bàn Hà Nội thì hầm bộ hành Ngã Tư Sở và hầm bộ hành khu vực Cầu Diễn được đánh giá khả quan hơn cả, lượng khách bộ hành qua lại tại hai cây cầu này hàng ngày khá đông.

Nguyên nhân là khu vực Ngã Tư Sở và Cầu Diễn tập trung đông dân cư, mật độ phương tiện cao, đặc biệt 2 hầm bộ hành này mang lại cho người dân cảm giác an toàn khi đi trong hầm, được trang bị đầy đủ hệ thống thông khí, chiếu sáng, đảm bảo an ninh, có nhân viên vệ sinh và hướng dẫn.
Theo quan sát của phóng viên, hầm bộ hành tại khu vực Ngã Tư Sở có lối đi thông thoáng, đèn điện được lắp đặt đầy đủ. Trong hầm còn có đường dành riêng cho xe đạp, có biển báo chỉ dẫn rõ ràng. Không chỉ khách bộ hành mà người dân các khu phố lân cận cũng thường xuyên xuống đây đi bộ tập thể dục nên hầm thường xuyên có người qua lại. Người lạ cũng không còn e ngại khi đi xuống hầm.
Tương tự, tại hầm bộ hành H1 Cầu Diễn thoáng mát và sạch sẽ. Tại đây, nhân viên vệ sinh dọn dẹp hàng ngày và luôn có bảo vệ quan sát, chỉ dẫn người dân khi cần thiết, nhất là đối với người khuyết tật.
Chị Nguyễn Thị Dung, 42 tuổi, bảo vệ lâu năm tại hầm cho biết: “Ở đây đông người đi lắm, công nhân bên công ty Samsung người ta cũng đi nhiều, rồi những người đi sang siêu thị cũng đông. Nói chung hầm này lúc nào cũng có nhiều người đi. Hầm không xảy ra tình trạng xin tiền hay nghiện ngập nên người dân qua đây cũng yên tâm. Buổi sáng 6 giờ bắt đầu mở cửa còn tối, 10 giờ là đóng cửa rồi”.
Mặc dù vậy, xung quanh khu vực này vẫn có nhiều khách bộ hành không chịu đi xuống hầm mà băng qua đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Bên cạnh những hầm bộ hành hiệu quả vận hành đáp ứng yêu cầu thì không ít hầm bộ hành do những nguyên nhân khác nhau vẫn chưa thu hút được khách bộ hành, nhiều người không xuống hầm mà băng qua dòng xe đầy nguy hiểm để sang đường.
*Nỗi lo sợ vì thiếu an toàn
Đường Phạm Hùng là tuyến giao thông có mật độ giao thông đông đúc, nhu cầu sang đường của người đi bộ rất lớn nhưng hầm bộ hành H1 phía trước bến xe Mỹ Đình lại vắng vẻ, đìu hiu. Có mặt tại cửa hầm hơn 30 phút vào giờ cao điểm nhưng phóng viên chỉ thấy vài người đi vào hầm bộ hành.

Mặc dù trong hầm có đủ đèn điện, vệ sinh khá sạch sẽ nhưng nhiều đoạn sắt bị hoen gỉ, không thấy người trông coi. Trước cửa hầm, rác thải xuất hiện khá nhiều, bốc mùi hôi thối. Quán trà đá bày bán sát cửa hầm, mùa hè nắng nóng, khách ngồi uống nước cũng rất đông. Có lẽ vì thế nên rất ít người muốn đi qua.
Bạn Nguyễn Thị Trà My, 19 tuổi chia sẻ: “Em không thích qua hầm vì bên dưới ấy khá vắng vẻ, đôi khi có đối tượng nghiện vào chích ma túy. Nhiều lúc vội mà phải xuống hầm đi lên, đi xuống mất nhiều thời gian. Hơn nữa, quán trà đá ở cửa hầm có nhiều thanh niên tụ tập, em rất ngại đi qua. Ở đây vệ sinh cũng không tốt nữa. Em đi qua đường ở Hà Nội cũng quen rồi nên nhiều xe cộ cũng thấy bình thường”.
Băng qua đường đối với nhiều người đã trở thành “thói quen”. Mặt khác, hầm bộ hành khá dài và vắng, nhiều điểm không có bảo vệ quan sát, chỉ dẫn, các đối tượng xấu có cơ hội để lợi dụng cũng khiến nhiều người e ngại.
Tại hầm H4 Phạm Hùng nằm giữa trục đường lớn lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông nhưng lúc 5 giờ chiều chỉ có rất ít người đi qua hầm bộ hành. Hầm ở đây khá khang trang, sạch sẽ, được quét dọn thường xuyên nên xung quanh không có rác thải.
Anh Thiều Đình Dần, 34 tuổi, quê ở Thanh Hóa cùng vợ đã bán nước ở gần cửa hầm H4 Phạm Hùng mấy năm nay cho biết: “Một số người già ở bên phía chung cư đi đón cháu qua hầm bộ hành phản ánh có một vài đối tượng nghiện ngập, cù bơ cù bất, hay xin tiền các chị em phụ nữ. Mấy lần tôi xuống hầm chúng nó thấy đàn ông còn né. Những ngày mưa to thì nước ngập hết phía dưới hầm”.
Nỗi lo sợ gặp những đối tượng xấu của khách bộ hành còn lớn hơn nỗi lo sợ khi băng qua đường là nguyên khiến nhiều người e ngại không dám đi qua hầm.
Tại hầm H1 Phạm Văn Đồng, nằm ở khu vực nút giao với đường Mai Dịch, dù rất nhiều xe lớn qua lại nhưng người ta vẫn chọn cách băng qua đường. Ở đây không có bảo vệ, trong hầm có đủ ánh sáng, vệ sinh khá sạch sẽ.

Chị Vũ Thị Thúy, 30 tuổi, người dân sống ở đường Phạm Văn Đồng chia sẻ, chị thấy người dân ít đi qua hầm có lẽ do người ta vội công việc nên muốn nhanh chóng để được sang đường. Do vậy ở đây cũng có nhiều vụ tai nạn xảy ra. Khoảng 1 tháng trước có một bạn trẻ băng qua đường lúc xe cộ đi lại nhiều, do khuất tầm nhìn nên bị va chạm với hai xe máy, cũng may bị thương không nghiêm trọng.
“Đường Phạm Văn Đồng nhiều xe khách, xe tô đi lại nên đi bộ băng qua đường sẽ rất nguy hiểm”, chị Thúy nói. Khu vực đường Phạm Văn Đồng vẫn hay xảy ra các vụ va chạm giao thông, trong đó những vụ do người dân băng qua đường chiếm số lượng không nhỏ.
Không thể không nói đến các hầm đi bộ trên đường Trường Sa, đoạn qua huyện Đông Anh hoàn thành từ lâu để người dân qua đường, tránh tai nạn giao thông nhưng đều đóng cửa, mọc đầy cỏ dại, bắt đầu trở nên nhếch nhác và xuống cấp do không được vệ sinh, bảo vệ, duy tu thường xuyên.
“Các hầm bộ hành cần được trang bị đầy đủ hệ thống ánh sáng, đảm bảo an ninh, tăng cường vệ sinh sạch sẽ. Mỗi điểm cần thiết có bảo vệ từ khi mở cửa đến khi đóng cửa hầm. Nên có những biển báo để người đi bộ dễ nhận diện từ xa…”  là ý kiến của nhiều người tham gia giao thông nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của hầm bộ hành./.
>>>Bài 2: Sai vị trí khó hút khách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục