“Người khổng lồ” công nghệ Nhật Bản đã tập trung vào thị trường công nghệ nông nghiệp

08:19' - 13/12/2021
BNEWS Dân số toàn cầu vẫn đang tăng, nhu cầu thực phẩm sẽ tiếp tục mở rộng, đòi hỏi các quốc gia chuyển đổi ngành nông nghiệp với việc sử dụng công nghệ nhiều hơn và đạt hiệu quả cao hơn.

Công ty công nghệ Nhật Bản Hitachi đang nhắm đến thị trường công nghệ nông nghiệp thế giới với việc cung cấp nhiều giải pháp và dịch vụ kỹ thuật số nhằm tăng sản lượng và hiệu quả sản xuất.

Ngày 12/12, đơn vị công nghệ thông tin của Hitachi tại Mỹ, Hitachi Vantara, thông báo sẽ giúp trang trại trồng chuối Bartle Frere Bananas của Australia “số hóa” toàn bộ quy trình vận hành, từ sản xuất đến phân phối.

Công ty hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của trang trại bằng giải pháp kỹ thuật số mang tên “Trang trại Thông minh” với các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI).

“Người khổng lồ” công nghệ Nhật Bản đã tập trung vào thị trường công nghệ nông nghiệp thế giới. Với việc dân số toàn cầu vẫn đang tăng, nhu cầu đối với thực phẩm sẽ tiếp tục mở rộng trong những năm tới. Thực tế này đòi hỏi các quốc gia chuyển đổi ngành nông nghiệp với việc sử dụng công nghệ nhiều hơn và đạt hiệu quả cao hơn.

Chuyển đổi kỹ thuật số đang trở thành mục tiêu chiến lược đối với các nhà sản xuất thực phẩm, vì máy học (machine learning), tự động hóa và các công nghệ mới nổi khác đang tạo ra những thay đổi lớn lao trong hầu hết các ngành công nghiệp.

Các trang trại sẽ sử dụng AI để phân tích dữ liệu được thu thập bởi các trạm theo dõi thời tiết và cảm biến độ ẩm của đất để kiểm soát hệ thống tưới. Hệ thống sẽ được thiết kế để giúp xác định thời điểm để cung cấp nước cho cây và lượng nước hợp lý. Hitachi dự kiến sẽ tạo ra một hệ thống tưới tiêu hoàn toàn tự động dựa trên AI trong tương lai.

Hoạt động bón phân cho cây trồng được kiểm soát bằng công nghệ IoT. Các cảm biến sử dụng năng lượng Mặt Trời được lắp đặt trên các máy bơm thoát nước theo dõi lượng phân bón thải ra sông để giảm thiểu lượng phân bón thất thoát và hạn chế tác động đến môi trường của trang trại. Hệ thống dự báo thời điểm chuối sẵn sàng cho thu hoạch cũng sẽ được lắp đặt.

Một hệ thống theo dõi chuỗi cung ứng sử dụng thẻ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) được gắn vào cây chuối và sẽ theo dõi trái cây trong suốt chu trình từ nông trại đến chợ. Các thẻ này có thể lưu trữ một loạt thông tin và sử dụng sóng vô tuyến để truyền dữ liệu. Một thiết bị theo dõi sử dụng chức năng GPS và cảm biến nhiệt độ sẽ được sử dụng để giữ chuối ở điều kiện tối ưu trong quá trình vận chuyển.

Theo Viện nghiên cứu Chính sách của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, sản lượng lúa mỳ trung bình trên toàn cầu đã vượt mức tiêu thụ trung bình là 800 tấn trong giai đoạn năm 2017-2019. Nhưng giờ đây, thị trường dự kiến sẽ thiếu hụt 700.000 tấn vào năm 2030. Triển vọng ảm đạm đó càng làm nổi bật sự cần thiết trong việc phát triển các giải pháp nông nghiệp thông minh dựa trên chuyển đổi kỹ thuật số.

Công ty nghiên cứu thị trường Global Information, giá trị thị trường công nghệ nông nghiệp toàn cầu được dự báo sẽ đạt 41,1 tỷ USD vào năm 2027, tăng 450% so với năm 2019.

Trước tiềm năng tăng trưởng này, các công ty khởi nghiệp đang đổ xô vào thị trường. Năm ngoái, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp đã huy động được tổng cộng 30,5 tỷ USD vốn đầu tư, theo số liệu của quỹ đầu tư mạo hiểm AgFunder.

Hitachi đang tìm cách tận dụng xu hướng này bằng cách cung cấp các dịch vụ dựa trên nền tảng IoT mang tên Lumada, với mục tiêu biến dữ liệu thành thông tin chuyên sâu nhằm thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số.

Công ty có kế hoạch cung cấp dịch vụ Lumada cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả nông nghiệp. Doanh thu của các dịch vụ này dự kiến sẽ đạt 1.580 tỷ yen (14 tỷ USD) vào năm tài chính 2021, tăng 42% so với năm trước./.

>>Lao động nông nghiệp - bài toán nan giải cho Chính phủ Malaysia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục