Người nước ngoài nắm giữ trái phiếu chính phủ nhiều hơn ngân hàng Nhật Bản

08:50' - 16/11/2023
BNEWS Người nước ngoài nắm giữ 14,5% JGB và các khoản nợ chính phủ khác tính đến cuối tháng 3/2023, cao hơn mức 13,1% do các ngân hàng, quỹ đầu tư và công ty chứng khoán trong nước nắm giữ.
Tỷ lệ trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) do các nhà đầu tư quốc tế nắm giữ lần đầu tiên đã cao hơn mức các ngân hàng Nhật Bản nắm giữ trong bối cảnh người mua nước ngoài tận dụng chi phí vay thấp của Nhật Bản.

Dữ liệu của Bộ Tài chính cho thấy người nước ngoài nắm giữ 14,5% JGB và các khoản nợ chính phủ khác tính đến cuối tháng 3/2023, cao hơn mức 13,1% do các ngân hàng, quỹ đầu tư và công ty chứng khoán trong nước nắm giữ. Thị phần của các ngân hàng Nhật Bản đã giảm mạnh so với mức gần 50% được chứng kiến 15 năm trước đó.

Sự thay đổi này phần lớn nhờ vào hoạt động mua JGB khổng lồ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) theo chương trình nới lỏng tiền tệ được triển khai vào năm 2013, bắt đầu ở mức 50.00 tỷ yen mỗi năm và tăng tốc lên 80.000 tỷ yen vào tháng 10/2014. Các ngân hàng Nhật Bản là những người bán trái phiếu chính tới ngân hàng trung ương.

 
Trong khi đó, tỷ trọng JGB của các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng gần gấp đôi trong 15 năm qua. Nó đã tăng từ khoảng 8% năm 2013 lên hơn 10% vào cuối năm 2015.

Lãi suất thấp liên tục và đồng yen yếu đã tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chi phí đổi USD lấy đồng yen thấp đã thúc đẩy nhu cầu về JGB kết hợp với phòng ngừa rủi ro tiền tệ.

Theo Bộ Tài chính, trong số 1,23 triệu tỷ yen (8.160 tỷ USD) JGB đang lưu hành, bao gồm cả tín phiếu kho bạc, vào cuối tháng 3/2023, các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 178.430 tỷ yen, trong khi các ngân hàng trong nước nắm giữ 161.390 tỷ yen.

Tỷ lệ giao dịch JGB của người mua nước ngoài cũng tăng lên, từ dưới 20% trong năm 2018 lên khoảng 30%. Việc bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài gây áp lực lên lợi suất trong những giai đoạn như mùa Hè năm 2022, khi lợi suất gần đạt mức trần của BoJ.

Những biến đổi do chính sách của ngân hàng trung ương tạo ra đã góp phần tạo ra những thay đổi trên thị trường. Chuyên gia Kazuhiko Sano của Tokai Tokyo Securities cho biết: “Việc BoJ tiếp tục mua JGB quy mô lớn đã dẫn đến sự đảo ngược” giữa các ngân hàng trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. Các trái chủ nước ngoài hiện diện đặc biệt lớn trong các tín phiếu chiết khấu kho bạc, ở mức 67%.

Hội đồng hệ thống tài chính của Bộ đã thể hiện mối lo ngại về tác động của vai trò lớn hơn của người chơi nước ngoài trên thị trường JGB. Vào tháng 5/2023, hội đồng đã kêu gọi “quản lý tài chính hợp lý, ghi nhớ hơn bao giờ hết tầm quan trọng của việc đảm bảo niềm tin của thị trường”.

Bộ lưu ý đến mức tăng lợi suất năm ngoái ở Anh, nơi các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 30% dư nợ chính phủ, trong bối cảnh báo động về các kế hoạch ngân sách do chính phủ của Thủ tướng lúc đó là Liz Truss đưa ra.

Tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản cao nhất trong nhóm G7 khiến nước này dễ bị tổn thương trước lãi suất tăng.

Bộ Tài chính ước tính chi phí trả nợ là 29.800 tỷ yen trong năm tài chính 2026 với lãi suất JGB kỳ hạn 10 năm ở mức 1,6% và 33.400 tỷ yen nếu lãi suất tăng thêm một điểm phần trăm trên mức đó.

Trong khi đó, một số nhìn thấy lợi ích tiềm năng từ sự thay đổi trên thị trường JGB. Ông Chotaro Morita của All Nippon Asset Management cho biết: “Có thể việc có các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sẽ làm tăng tính thanh khoản”.

Cục Tài chính của Bộ Tài chính, nơi xử lý chính sách quản lý nợ, cũng nhận thấy cơ sở trái chủ đa dạng hơn giúp ổn định thị trường JGB và đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ với các nhà đầu tư quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục