“Người thắng kẻ thua” trong kỷ nguyên kinh tế số tại Hàn Quốc

05:30' - 19/10/2021
BNEWS Việc Hàn Quốc “hậu đãi” những công ty có danh tiếng thay vì những công ty khởi nghiệp (startup) quy mô nhỏ có thể mang lại những hậu quả về lâu dài cho nền kinh tế.

Theo nhận định của ông Yong Kwon - Giám đốc truyền thông của Viện Kinh tế Hàn Quốc của Mỹ (KEI), việc Hàn Quốc “hậu đãi” những công ty có danh tiếng thay vì những công ty khởi nghiệp (startup) quy mô nhỏ sẽ mang lại những hậu quả về lâu dài cho nền kinh tế.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, tất cả những nền kinh tế lớn trên thế giới đều phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động. Đầu tiên, quá trình tự động hóa làm giảm nhu cầu lao động trong khu vực sản xuất. Ngày nay, những bước tiến mới của công nghệ thông tin đang gây ra sự gián đoạn trong các ngành dịch vụ. 

Hàn Quốc cũng không “miễn nhiễm” trước xu hướng này. Quốc hội Hàn Quốc gần đây kêu gọi giám đốc của các nền tảng trực tuyến lớn giải thích cho những hành vi vi phạm luật chống độc quyền, cũng như thái độ thờ ơ của họ đối với những vấn đề gây ra tâm lý bất an ngày càng lớn của người lao động.

Tuy nhiên, mặc dù các nhà lập pháp đang “sờ gáy” những công ty công nghệ lớn vì họ đang thu hút sự chú ý từ cộng đồng, xu hướng chính sách công lại đang mang lại lợi ích cho những doanh nghiệp dẫn đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Những nghiên cứu về cách tiếp cận của Hàn Quốc đối với sự phát triển của những ứng dụng đặt xe cũng như những cáo buộc lạm dụng lao động của các nền tảng này là minh chứng rõ ràng cho những chính sách đó. 

Khi những “người chơi” mới và cũ tranh giành thị phần, chính sách công cần phải cân bằng nhu cầu của ba nhóm chính: Những nhà tiên phong chứng minh được tính khả thi của một công nghệ mới; những người mới tham gia và giúp cải thiện những công nghệ này; và những người bị ảnh hưởng trong một ngành công nghiệp đang thay đổi. 

Áp dụng trên thị trường các ứng dụng đặt xe, ba nhóm trên tương ứng với những ứng dụng nội địa đã phổ biến như Kakao Mobility, những nền tảng mới mong muốn lặp lại thành công của Kakao, và những tài xế taxi truyền thống bị đe dọa bởi sự bùng nổ của những dịch vụ mới này. 

Nhận thức được tầm quan trọng về mặt chính trị trong việc “xoa dịu” lo ngại của các tài xế taxi, nhưng lại không muốn ngăn chặn sự phát triển của những nền tảng trực tuyến đang thành công, các cơ quan quản lý của Hàn Quốc đã quyết định đưa ra phân biệt rõ ràng. Vào tháng 11/2020, Bộ quản lý đất đai, hạ tầng và giao thông vận tải đã tuyên bố đánh thuế 5% trên lợi nhuận của các ứng dụng đặt xe, với số tiền thu về được đưa vào một quỹ hỗ trợ ngành taxi truyền thống. 

Mặc dù chính phủ đã kéo dài miễn trừ ngắn hạn đối với những ứng dụng đặt xe có dưới 100 phương tiện đăng ký, khoản thuế mới này lại có lợi cho những nền tảng lớn trong thị trường. Lý do là khoản thuế này trên thực tế đã dựng lên một rào cản gia nhập đối với những nền tảng mới, vì các công ty sẽ phải trả một khoản chi phí mới (thuế) trong quá trình mở rộng quy mô hoạt động của họ. Trong khi đó, những nền tảng có tên tuổi có thể chuyển những chi phí này cho người dùng mà vẫn hưởng lợi nhờ số lượng đối thủ trên thị trường giảm. 

Việc ưu tiên những công ty có tên tuổi thay vì những công ty mới nổi của Hàn Quốc có thể gây ra hai hậu quả tiềm tàng về lâu dài. Thứ nhất là giảm tính sáng tạo của ngành. Những công ty gia nhập thị trường công nghệ muộn hơn đã liên tục mang lại những cải tiến cho các sản phẩm và dịch vụ sẵn có.

Ví dụ, công ty Mỹ Texas Instruments đã giới thiệu chiếc radio bán dẫn thương mại đầu tiên, nhưng chính những sản phẩm sau này của hãng điện tử Nhật Bản Sony mới là mặt hàng được người dùng ưa thích và là khởi đầu cho những thiết bị truyền thông đa phương tiện cầm tay hiện nay. Bằng cách đặt ra rào cản gia nhập thị trường và giới hạn “người chơi”, thị trường sẽ có ít tính cạnh tranh và thiếu đi động lực thúc đẩy sáng tạo và đổi mới.

Thứ hai, những công ty mới nổi đang dần trở thành những công ty tạo việc làm chính trong nền kinh tế Hàn Quốc. Các công ty vừa và nhỏ tuyển dụng 80% lực lượng lao động. Khác với khu vực sản xuất truyền thống vốn đã bão hòa, thị trường nền tảng công nghệ mở ra cơ hội cho những doanh nhân khởi nghiệp và hấp thụ nguồn lao động trình độ cao của quốc gia này.

Việc ngăn cản những tiềm năng này bằng cách cho phép một số công ty gia nhập thị trường sớm hơn chiếm lĩnh thị trường có thể làm trầm trọng hơn tâm lý bất an về triển vọng việc làm lâu nay vẫn luôn “phủ bóng” nền kinh tế Hàn Quốc

Dường như Chính phủ Hàn Quốc đang tập trung vào việc giảm thiểu ảnh hưởng khi ngành vận tải hành khách đang số hóa. Tuy nhiên, những thay đổi trong lĩnh vực dịch vụ cho thấy sự hỗ trợ vô cùng ít ỏi trong ngành công nghiệp taxi chỉ là một ngoại lệ. 

Sự bùng nổ của những nền tảng vận chuyển và các ứng dụng công nghệ khác đã thúc đẩy nhiều người tìm kiếm việc làm thời vụ thay cho những vị trí toàn thời gian. Tuy nhiên, điều kiện làm việc của lao động khu vực dịch vụ đã giảm mạnh rõ rệt.

Cụ thể, việc người tiêu dùng ngày càng phụ thuộc vào dịch vụ vận chuyển tận nhà kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến các công ty thương mại điện tử luôn rơi vào tình trạng thiếu nhân viên. Nhiều ca tử vong đã được báo cáo do làm việc quá mức. 

Trước tình trạng này, Chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng áp đặt giới hạn 52 giờ làm việc tối đa mỗi tuần. Nhưng những đề xuất này đối mặt với sự phản đối của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là những doanh nghiệp trong ngành sản xuất, do các công ty này cho rằng đây là rào cản hạn chế năng cạnh tranh của họ với những đối thủ lớn trên thị trường.

Điều luật này đã phải điều chỉnh. Các công ty được phép yêu cầu nhân viên làm ngoài giờ nếu người lao động có thời gian làm việc mỗi tuần trung bình ở mức 52 giờ trong vòng 6 tháng. Hơn nữa, những công ty có 5-29 nhân viên được phép yêu cầu làm việc 60 giờ mỗi tuần. 

Những vấn đề này không chỉ xảy ra ở Hàn Quốc. Và phương pháp tiếp cận của Seoul không phải không có cơ sở, bởi những nền tảng nội địa lớn có năng lực cạnh tranh với những nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài hơn - những công ty muốn chiếm đoạt không chỉ số lượng khách hàng mà cả dữ liệu của họ.

Hàn Quốc cũng có kinh nghiệm về cách nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và xây dựng ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh cao bằng cách thúc đẩy phát triển các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phải không có “cái giá”, với những hậu quả đi kèm thường là bất ổn leo thang và sự lo âu trong cộng đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục