Nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa có “làm khó” Fed?

05:30' - 29/09/2023
BNEWS Nếu Quốc hội Mỹ không đồng thuận trong vấn đề ngân sách, dẫn đến đóng cửa chính phủ, công việc thiết lập chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Khi Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ "tranh giành" ngân sách liên bang cho năm tài chính mới 2023-2024, Chính phủ Mỹ lại đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa.

Ngày 25/9, Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's cảnh báo rằng việc Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của nước này. Lời cảnh báo được đưa ra một tháng sau khi tổ chức xếp hạng Fitch hạ bậc xếp hạng của Mỹ do khủng hoảng trần nợ. Điều này cho thấy sự yếu kém về sức mạnh thể chế và quản trị của Mỹ so với các cường quốc khác, đặc biệt là sự chia rẽ trong nội bộ các đảng phái chính trị.

Trong lịch sử nước Mỹ, Chính phủ Mỹ đã 14 lần bị đóng cửa. Thời gian đóng cửa tương đối ngắn, có đợt chỉ kéo dài từ một ngày đến hai ngày. Lần gần đây nhất và lâu nhất kéo dài 34 ngày kể từ 12/2018 đến tháng 1/2019, do bất đồng về vấn đề an ninh biên giới.

Vì sao Chính phủ Mỹ thường xuyên bị đóng cửa?

Không có gì lạ khi Chính phủ liên bang Mỹ phải tạm dừng hoạt động do những cuộc tranh luận căng thẳng ngày càng gia tăng giữa các đảng về nhiều vấn đề trong những năm gần đây. Hiện tại, Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden đang chiếm đa số sít sao tại Thượng viện, trong khi đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022. Tình thế này khiến Tổng thống Biden gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các chương trình nghị sự lập pháp của mình.

Năm tài chính 2022-2023 sẽ kết thúc vào ngày 30/9 và ngân sách mà Quốc hội Mỹ đã thông qua cho năm tài chính này chỉ có thể hỗ trợ hoạt động của chính phủ liên bang cho đến ngày đó. Mặc dù thời hạn “chốt” ngân sách mới đã gần kề, nhưng cho đến nay Quốc hội Mỹ vẫn chưa hoàn thành bất kỳ dự luật nào trong số 12 dự luật chi tiêu thường xuyên, để tài trợ cho các chương trình của cơ quan liên bang trong năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/10.

Bế tắc ngân sách xuất phát chủ yếu từ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa về vấn đề thuế và chi tiêu, bao gồm cả gói viện trợ 24 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã tuyên bố sẽ thúc đẩy một kế hoạch đầy tham vọng trong tuần này để giành được sự chấp thuận của bốn dự luật lớn, bao gồm tài trợ cho quân đội và an ninh nội địa. Ông tin rằng điều này sẽ đủ để thuyết phục các đảng viên Cộng hòa cực hữu ủng hộ khoản chi tiêu tạm thời. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, ngay cả khi Thượng viện tiến tới việc chấp nhận một thỏa thuận để hai đảng có thể đạt được sự nhất trí về ngân sách, thì không ai dám đảm bảo rằng giải pháp đó, sẽ được Hạ viện đồng tình.

Nếu Chính phủ Mỹ đóng cửa, 438 cơ quan hành chính sẽ bị ảnh hưởng. Khoảng 800.000 nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ phép không lương. Hàng loạt dịch vụ công không thiết yếu bị gián đoạn.

Các bộ phận thiết yếu như quân đội, biên phòng và an ninh công cộng không bị ảnh hưởng. Bưu điện sẽ vẫn mở cửa, cảnh sát và lính cứu hỏa vẫn làm nhiệm vụ như thường lệ. Thông tin từ Cục An ninh Vận tải Mỹ, nhân viên kiểm tra an ninh sân bay và nhân viên kiểm soát không lưu được yêu cầu phải làm việc, nhưng việc họ sẽ vắng mặt có thể là một vấn đề. Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg cho biết tình trạng thiếu nhân viên kiểm soát không lưu có thể trở nên tồi tệ hơn khi chính phủ đóng cửa. Có khả năng sẽ xảy ra sự cố ùn tắc tại các sân bay, gây ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của hành khách.

Trong khi đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ sẽ tạm dừng hầu hết các cuộc kiểm tra tại những địa điểm chứa thải chất thải nguy hại, nước uống và các cơ sở hóa chất, những hoạt động có thể gây nguy hiểm cho an toàn nước sinh hoạt. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cũng có thể bị buộc phải trì hoãn việc kiểm tra an toàn thực phẩm.

Theo Cơ quan Công viên Quốc gia, một số công viên quốc gia có thể vẫn mở cửa nhưng các cơ sở dành cho du khách như nhà vệ sinh và trung tâm du khách sẽ đóng cửa. Hiệp hội Công nghiệp Du lịch Mỹ ước tính ngành du lịch có thể thiệt hại khoảng 140 triệu USD mỗi ngày trong trường hợp chính phủ đóng cửa.

Việc đóng cửa cũng sẽ khiến các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, bao gồm báo cáo việc làm, lạm phát, chi tiêu tiêu dùng vốn đặc biệt quan trọng với các nhà hoạch định chính sách và đầu tư, sẽ bị đình chỉ công bố vô thời hạn.

Mặc dù việc đóng cửa trong thời gian ngắn sẽ có tác động hạn chế đến nền kinh tế, nhưng tác động có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu tình trạng bế tắc vẫn tiếp diễn. Các công nhân liên bang buộc phải nghỉ việc không lương có thể giảm chi tiêu trong thời gian đóng cửa, kéo giảm tốc độ tăng trưởng tiêu dùng, trong khi chính phủ cũng sẽ tạm thời cắt giảm việc mua hàng hóa và dịch vụ.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, lần đóng cửa gần đây nhất đã làm giảm 0,1% tổng sản lượng kinh tế trong quý IV/2018 và 0,2% trong quý I/2019.

Chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ khiến Fed gặp nhiều khó khăn hơn?

Công việc thiết lập chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ khó khăn hơn nhiều nếu Quốc hội Mỹ không đồng thuận trong vấn đề ngân sách, dẫn đến đóng cửa chính phủ.

Như đã nói ở trên, việc đóng cửa chính phủ sẽ gây trì hoãn hoạt động công bố dữ liệu kinh tế quan trọng từ các cơ quan thuộc chính phủ, như Cục Thống kê Lao động và Cục Phân tích Kinh tế. Cụ thể báo cáo việc làm tháng Chín, dự kiến công bố ngày 6/10, và chỉ số giá tiêu dùng tháng Chín, phát hành ngày 12/10, sẽ không được công bố cho đến khi Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại.

Đây là hai dữ liệu kinh tế quan trọng, làm cơ sở để Fed đưa ra các quyết định chính sách. Đặc biệt, nếu việc đóng cửa kéo dài đến cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) tiếp theo vào ngày 1/11, điều này nhiều khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hành động lãi suất của Fed.

Nhưng Chủ tịch chi nhánh Fed tại bang Minneapolis, Neel Kashkari, đã nói rằng việc Chính phủ Mỹ bị đóng cửa không thể ngăn cản nỗ lực kiềm chế lạm phát của Fed, thông qua chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 25/9, ông Kashkari tiết lộ Fed sẽ phải dựa vào nguồn dữ liệu riêng tốt nhất mà họ có thể có được, nếu chính phủ thực sự đóng cửa. Ông khẳng định: “Chúng tôi vẫn phải đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu chúng tôi có sẵn, nếu chúng tôi không thể truy cập vào dữ liệu của chính phủ. Chúng tôi sẽ bổ sung dữ liệu bị thiếu bằng nguồn dữ liệu tốt nhất của khu vực tư nhân mà chúng tôi có thể lấy, cho đến khi có dữ liệu chính thức từ chính phủ”.

Trả lời câu hỏi liệu việc chính phủ đóng cửa và không có dữ liệu được công bố có cản trở quyết định của Fed về khả năng tăng lãi suất cao hơn nữa hay không, Chủ tịch Kashkari nói rằng điều đó sẽ không xảy ra. Theo ông Kashkari, nền kinh tế Mỹ đang hồi phục tốt hơn dự báo. Vì vậy, ở mức độ cho phép, Fed vẫn còn không gian để tiếp tục tăng lãi suất lên cao hơn một chút và sau đó có thể giữ mức lãi suất này trong thời gian dài hơn để đảm bảo kiểm soát tốt lạm phát.

Trong một bài viết đăng tải trên trang mạng cá nhân ngày 26/9, ông Kashkari hé lộ 60% khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa tại cuộc họp tháng 11/2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục