Nguy cơ khủng bố khi chiến binh thánh chiến hồi hương

05:30' - 09/04/2018
BNEWS Theo trang tin của Viện nghiên cứu chính trị quốc tế Italy (ISPI), sự hiện diện của những chiến binh thánh chiến Hồi giáo quốc tế luôn là một hiểm họa nghiêm trọng đối với tình hình an ninh khu vực.
Binh sỹ Iraq sau khi giành quyền kiểm soát thành phố Hawija từ tay IS. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện tượng này trước đây từng có rất nhiều tiền lệ. Các chiến binh quốc tế, dưới danh nghĩa thánh chiến, đã trực tiếp tham gia chiến sự tại các khu vực nóng ở nước ngoài như Afghanistan, Bosnia và Iraq.

Gần đây, xu hướng này càng trở nên phát triển với làn sóng các chiến binh thánh chiến Hồi giáo Mujaihidin hướng về Syria và Iraq với quy mô và nhịp độ chưa từng có.

Số liệu ước tính cho thấy có khoảng hơn 40.000 binh sĩ đến từ 110 quốc gia khác nhau tham chiến tại khu vực này. Trong số đó, có ít nhất 6.000 người đến từ Lục địa già châu Âu, tiêu biểu là Pháp (hơn 1.700 chiến binh), Đức (hơn 900), Anh (khoảng 850) và Bỉ (khoảng 480).

Những chiến binh đến từ Italy còn khá khiêm tốn, chỉ giới hạn ở mức 125 người theo thống kê chính thức.

Đội quân tự phát này trước hết có vai trò nhất định khi tham chiến. Tiếp đến, theo cách đánh giá của phương Tây, nguy cơ sẽ xuất hiện khi những đối tượng này hồi hương hoặc di cư đến một quốc gia khác.

Số này sẽ ấp ủ ý định thực hiện, hoặc ít nhất hỗ trợ, các hành động tấn công khủng bố dựa trên khả năng cá nhân, sự khôn khéo, những mối quan hệ cũng như vị trí xã hội có được sau quá trình tham chiến.

Với việc tham gia các cuộc xung đột ở nước ngoài, các chiến binh quốc tế buộc phải chấp nhận 4 kịch bản: bỏ mạng trên trận địa; tiếp tục tham chiến khi còn sống sót; buộc phải sơ tán sang khu vực mới và hồi hương.

Nếu nhìn nhận cuộc chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria, có thể thấy khi hai thành phố trọng yếu Mosul và Raqqa thất thủ, đa số các chiến binh đều chấp nhận 2 kịch bản cuối.

Số liệu gần đây cho thấy Pháp chính là nước có số lượng chiến binh tham chiến tự phát ở nước ngoài nhiều nhất châu Âu. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2017, Pháp đã công bố con số các chiến binh tự phát thiệt mạng tại Syria và Iraq từ năm 2013 là từ 400-450 người trên tổng số 1.700 người tham chiến.

Có khoảng 250 người đã trở lại Pháp, khoảng 500 chiến binh vẫn tiếp tục chiến đấu và người ta hoàn toàn không có tin tức gì về 500 chiến binh còn lại.

Trên quy mô cả châu Âu, ước tính vào năm 2017, khoảng 30% chiến binh đã hồi hương. Cũng cần lưu ý rằng không phải tất cả các cựu chiến binh đều là những thành phần nguy hiểm. Một vài cựu chiến binh có thể đã vỡ mộng, sẵn sàng từ bỏ tư tưởng thánh chiến. Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, rõ ràng lại có một số người vẫn muốn tiếp tục chiến đấu với hình thức khủng bố.

Khả năng một chiến binh hồi hương mang theo các âm mưu khủng bố là có thật, kể cả ở châu Âu. Ví dụ điển hình là những phần tử cực đoan người Bỉ thuộc IS vốn đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công nghiêm trọng ngày 13/11/2015 tại Paris (Pháp) và ngày 22/3/2016 tại Brussel (Bỉ) đều đã từng tham chiến tại Syria và Iraq.

Theo cơ sở dữ liệu ban đầu về các cuộc tấn công của phong trào Jihad do ISPI và Chương trình nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan của trường Đại học George Washington, trong số 91 kẻ khủng bố đã tiến hành các cuộc tấn công tại châu Âu cũng như Bắc Mỹ kể từ sau lời kêu gọi của IS vào ngày 29/6/2014 cho đến ngày 15/12/2017, có đến 14 đối tượng từng tham chiến tại nước ngoài.

Một phần nhỏ những kẻ tấn công (15%) được đánh giá là cực kỳ nguy hiểm. Trên thực tế, tỷ lệ sát thương trung bình của các cuộc tấn công (trung bình khoảng 6 người chết/vụ tấn công) đã tăng lên đáng kể mỗi khi có sự góp mặt của các cựu chiến binh thánh chiến từng tham chiến ở nước ngoài.

Tóm lại, những chiến binh thánh chiến Hồi giáo khi hồi hương từ chiến trường có nguy cơ trở thành mối hiểm họa đối với tình hình an ninh, nhất là khi có những đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp cho các cuộc tấn công khủng bố, góp phần làm cho các âm mưu khủng bố trở nên tinh vi hơn và quy mô lớn hơn thông thường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục