Nguy cơ làn sóng đình công mới ở Đức

08:00' - 23/02/2024
BNEWS Nghiệp đoàn Verdi đại diện cho người lao động trong lĩnh vực vận tải công cộng ở Đức ngày 22/2 thông báo nhân viên một số ngành vận tải công cộng sẽ đình công từ ngày 26/2-2/3.
Theo phóng viên TTXVN tại CHLB Đức, nghiệp đoàn Verdi đại diện cho người lao động trong lĩnh vực vận tải công cộng ở Đức ngày 22/2 thông báo nhân viên một số ngành vận tải công cộng sẽ đình công từ ngày 26/2-2/3 với yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc.
 

Verdi, đại diện cho 90.000 người lao động trong lĩnh vực nói trên ở Đức, đã đưa ra lời kêu gọi đình công đối với công nhân làm việc trong các dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt, xe điện và tàu điện ngầm.

Theo Verdi, ở mỗi bang, các cuộc đình công sẽ diễn ra vào những ngày khác nhau trong tuần tới, kéo dài cả ngày hoặc vài ngày. Nhân viên mỗi loại hình dịch vụ có thể quyết định khoảng thời gian tiến hành đình công. Trong đó, ngày 1/3 sẽ là ngày đình công chính.

Theo bà Christine Behle - Phó Chủ tịch Verdi, cuộc đình công sẽ diễn ra trên khắp các bang của Đức, trừ Bavaria (tên chính thức theo tiếng Đức là Bayern).

Nhóm hành động khí hậu “Ngày thứ Sáu vì Tương lai Đức” đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đình công của ngành vận tải công cộng và cho biết cũng sẽ tổ chức các cuộc biểu tình vào ngày 1/3, yêu cầu hành động mạnh mẽ hơn chống biến đổi khí hậu và đầu tư nhiều hơn vào giao thông và vận tải công cộng.

Từ vài tháng qua, nước Đức đã phải đối mặt với nhiều cuộc đình công liên tục diễn ra trong lĩnh vực vận tải công cộng. Mới đây nhất, ngày 18/2, Verdi cũng thông báo nhân viên mặt đất của hãng hàng không Lufthansa (Đức) đình công trong ngày 20/2. Trước đó, ngày 2/2, người lao động trong lĩnh vực trên ở khắp nước Đức đã tổ chức một cuộc đình công mang tính cảnh cáo, khiến giao thông công cộng ở nhiều thành phố bị tê liệt.

Những cuộc đình công này là một phần trong chuỗi các cuộc đàm phán tiền lương đang diễn ra. Trong các cuộc đàm phán với chủ lao động, Verdi đưa ra yêu cầu giảm số giờ làm việc, tăng số ngày phép, tăng lương trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh cùng những yêu cầu khác về cải thiện điều kiện làm việc.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Verdi, bà Christine Behle cho rằng những cuộc đàm phán cho đến nay chưa đạt được bất kỳ kết quả nào mà nghiệp đoàn cho là thỏa đáng đối với người lao động.

Nền kinh tế Đức đứng trước nguy cơ tiếp tục suy thoái và chính phủ ngày 22/2 phải hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Những nguyên nhân như nhu cầu toàn cầu yếu, bất ổn địa chính trị và tình trạng lạm phát "thâm niên" đã cản trở sự phục hồi trở lại sau một thời gian kinh tế suy thoái.

Bên cạnh đó, hoạt động biểu tình kéo dài, liên tục trong nhiều ngành cũng là một trong những yếu tố tác động đến hoạt động kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục