Nguyên liệu chiến lược và sự thức tỉnh muộn màng của châu Âu
Báo Le Monde mới đây cho biết sau khủng hoảng đại dịch COVID-19 khiến nguồn cung đảo lộn, châu Âu đang buộc phải giảm lệ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, trong đó có các nguyên liệu quan trọng như lithium vốn rất cần cho sản xuất pin điện. Thế nhưng việc khởi động lại hoạt động khai thác các mỏ khoáng sản ở "Lục địa già" đang vấp phải nhiều trở ngại, bao gồm sự phản đối của người dân.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã nhận ra sự phụ thuộc quá mức vào năng lượng của Nga. Để đối phó với nguy cơ thiếu điện trong mùa Đông này, các nước thành viên đã phải "tạm dừng" các cam kết về khí hậu để mở lại các nhà máy nhiệt điện than, thậm chí kéo dài thời hạn khai thác tại các mỏ nhiên liệu đen. Một mỏ trên quần đảo Svalbard của Na Uy đã được phép hoạt động đến giữa năm 2025 thay vì phải đóng cửa từ năm 2023 như kế hoạch ban đầu.
Nhưng không chỉ có than, mà một vài tài nguyên khác cũng đang nằm trong kế hoạch được khai thác trở lại tại châu Âu và điều này đang gây chú ý rất lớn cho dư luận. Đó chính là đất hiếm và các kim loại chiến lược, tức là nếu không có chúng thì "lục địa già" không thể làm gì trong quá trình chuyển đổi năng lượng.Không có lithium, không thể sản xuất pin cần thiết cho ô tô điện. Không có đồng, tua-bin gió không thể quay. Không có cadmium telluride, các tấm quang điện không thể hoạt động. Đó là chưa kể đến nikle, coban và magie, những kim loại rất cần thiết cho điện động...Theo giới chuyên gia, thế giới rồi sẽ chuyển từ phụ thuộc hydrocarbon sang phụ thuộc các nguyên liệu thô này. Những con số luôn biết nói. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu về lithium trong lĩnh vực năng lượng sẽ tăng hơn 40 lần vào năm 2040.Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng việc sản xuất than chì, lithium và coban sẽ tăng gần 500% vào năm 2050 để đáp ứng các mục tiêu khí hậu, trong khi ngân hàng BoA cho rằng lượng tiêu thụ niken sẽ tăng 40% mỗi năm cho đến năm 2030.Theo Patrick d'Hugues, một chuyên gia của Cục Nghiên cứu Địa chất và Mỏ (BRGM) của Pháp, những diễn biến theo thời gian ngày càng khiến châu Âu rơi vào thế khó, buộc phải tìm hướng đi chủ động hơn. Năm 2010, Trung Quốc quyết định ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, sau đó là hàng loạt vấn đề về nguồn cung liên quan đến đại dịch COVID-19, rồi cuộc xung đột ở Ukraine, tất cả khiến châu Âu phải nhận ra sự mong manh cực độ của mình trong lĩnh vực này.Nhưng đó là một sự thức tỉnh muộn màng. EU đang mơ ước đảm bảo 25% sản lượng pin điện của thế giới vào năm 2030 so với 2% vào năm 2020, nhưng Trung Quốc đã kiểm soát lĩnh vực này. Trung Quốc hiện đang nắm giữ tới 60% năng lực tinh chế lithium và cung cấp 98% lượng đất hiếm mà lục địa già tiêu thụ từ năm 2012 đến 2016. Nếu muốn đảm bảo quyền tự chủ trong lĩnh vực này, châu Âu phải nâng cao khả năng tái chế, đa dạng hóa nguồn cung và khai thác các tài nguyên mỏ của mình.Năm 2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã liệt kê 30 "nguyên liệu quan trọng" cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng (lithium, coban, vonfram, magie…). Dự kiến đầu năm 2023, cơ quan này sẽ phải công bố một kế hoạch tổng thể ("Đạo luật nguyên liệu thô quan trọng") nhằm tạo khuôn khổ cho các hoạt động liên quan đến lĩnh vực then chốt này. Trong thời gian chờ đợi, đã có nhiều dự án được lên kế hoạch tại một số nước thành viên, đặc biệt là các dự án khai thác "vàng trắng" lithium. Blandine Gourcerol, một chuyên gia khác của BRGM, cho biết hiện tại, châu Âu chưa có bất cứ mỏ quặng nào "đủ chất lượng sản xuất pin", ngoại trừ một số mỏ nhỏ ở Bồ Đào Nha và Đông Âu chủ yếu được sử dụng cho sản xuất gốm sứ. Và châu Âu cũng không có cơ sở nào đủ khả năng tinh chế. Nhưng theo Cựu chủ tịch tập đoàn PSA (Pháp) Philippe Varin, châu Âu có thể tự đáp ứng 30% nhu cầu vào cuối thập kỷ này nếu tính gộp cả khả năng tái chế.
Tại Phần Lan, công ty Keliber đang lên kế hoạch khai thác quặng và xây dựng một nhà máy tinh chế lithium ở miền trung đất nước. Tại Cộng hòa Czech, tập đoàn European Metals của Australia đã triển khai kế hoạch khai thác "vàng trắng" tại các mỏ thiếc cũ Cinovec, phía Bắc Praha.
Tại Áo, công ty European Lithium cũng của Australia đang khai thác mỏ Wolfsberg ở phía Nam. Tại Bồ Đào Nha, công ty Savannah Resources của Anh đang đầu tư vào các mỏ đã được xác định ở phía Bắc.Tại Pháp, tập đoàn Imerys có kế hoạch khai thác lithium ở Beauvoir từ năm 2027. Hiện tại, tập đoàn này chỉ tập trung khai thác cao lanh tại cùng khu vực và khai thác muối địa nhiệt tại Alsace. Jean Cauzid, chuyên gia địa chất thuộc Đại học Lorraine, cho biết ở dưới lòng đất, Pháp không hề thiếu tài nguyên cho dù đến nay vẫn còn ít người biết đến.Patrick d’Hugues của BRGM cho biết thêm rằng các hoạt động khai thác mỏ của Pháp chủ yếu được thực hiện từ năm 1975-1992 và ở độ sâu chủ yếu từ 100-200m. Hiện tại, đang tập trung các nỗ lực cập nhật dữ liệu để phục vụ cho chiến lược khai thác của Pháp.Tuy nhiên, châu Âu đang vấp phải một vấn đề trọng tâm, đó là mức độ chấp nhận của người dân địa phương có dự án. Christian Mion, chuyên gia về chủ đề này tại EY (Ernst & Young), khẳng định "đây là trở ngại chính, lớn nhất đối với việc đổi mới hoạt động khai thác ở châu Âu. Có thể lấy ví dụ về sự phản kháng của người dân dẫn đến thất bại của tập đoàn Rio Tinto (Anh-Australia) với dự án khai thác mỏ quặng ở Jadar, Serbia. Hoặc điển hình hơn là sự chống đối của người địa phương xung quanh việc khai thác vonfram ở Tarn, một tỉnh thuộc vùng Occitanie của Pháp khiến mỏ này phải đóng cửa vĩnh viễn. Antoine Gatet, Phó Chủ tịch Hội môi trường thiên nhiên Pháp, đã đưa ra lời cảnh báo chung rằng việc khai thác "các mỏ luôn có tác động đến môi trường, trong khi các dự án thường đánh giá thấp hậu quả lâu dài đối với các vùng lãnh thổ liên quan".Ngoài ra, theo đánh giá của ông Christian Mion, "trung bình mất 10 năm kể từ khi có phát hiện đầu tiên đến khi mở một mỏ mới, trong khi lĩnh vực này luôn thiếu trầm trọng các lao động có trình độ" và điều này sẽ làm ảnh hưởng không ít đến tham vọng của châu Âu.Cuối cùng, theo cảnh báo của một nhà công nghiệp không muốn nêu tên, "với Đạo luật Giảm lạm phát mang nặng chủ nghĩa bảo hộ, người Mỹ sẽ chi hàng tỷ USD để đảm bảo khả năng tiếp cận các kim loại chiến lược. Nếu không dành nhiều nguồn lực để đầu tư, châu Âu sẽ không bao giờ có được khả năng tự chủ trong lĩnh vực này"./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Canada bắt đầu cung cấp cho thế giới các khoáng chất đất hiếm
15:01' - 24/05/2022
Canada đã bắt đầu cung cấp cho thế giới các khoáng chất quan trọng phục vụ nền kinh tế xanh hơn, khi mỏ đất hiếm đầu tiên của quốc gia Bắc Mỹ này xuất khẩu quặng cô đặc.
-
Tài chính
Australia đầu tư 170 triệu USD để xây dựng ngành công nghiệp đất hiếm
07:45' - 17/03/2022
Chính phủ Australia công bố khoản kinh phí 240 triệu AUD (168 triệu USD) để phát triển ngành công nghiệp khoáng sản đất hiếm nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
-
Thị trường
Các công ty đất hiếm Trung Quốc hợp tác nhằm giành lợi thế trên thị trường quốc tế
09:13' - 22/12/2021
Sự hợp tác giữa hai công ty đất hiếm Trung Quốc đang thu hút sự chú ý đến những nỗ lực của nước này trong việc xây dựng các tập đoàn nhằm có được vị thế tốt hơn về giá trên các thị trường toàn cầu.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc: Phát hiện mỏ vàng trữ lượng siêu lớn ở tỉnh Hồ Nam
20:39'
Mỏ mới ở độ sâu 2.000m bên dưới mỏ vàng Wangu ở huyện Bình Giang.
-
Kinh tế Thế giới
Các nhà điều hành kinh tế trong chính phủ của Tổng thống đắc cử Donald Trump
15:46'
Ngày 22/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử nhà đầu tư Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ mới.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống đắc cử Mỹ công bố loạt đề cử nhân sự mới
10:55'
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 22/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã công bố một loạt đề cử nhân sự trong chính phủ mới.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc thiết lập cơ chế liên ngành kinh tế đối ngoại để ứng phó thay đổi chính sách từ Mỹ
08:46'
Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực nhằm ổn định nền kinh tế và đảm bảo sinh kế cho người dân.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc gia tăng biện pháp trả đũa EU
19:36' - 22/11/2024
Ngày 22/11, Trung Quốc mở rộng cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU, bao gồm các chương trình trợ cấp của EU và của các quốc gia như Đan Mạch, Pháp, Italy và Hà Lan.
-
Kinh tế Thế giới
Chính phủ Thái Lan phê duyệt kế hoạch kích thích kinh tế
18:26' - 22/11/2024
Ủy ban chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ Thái Lan do Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra làm Chủ tịch đã phê duyệt kế hoạch 5 điểm nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước trong cả ngắn và dài hạn.
-
Kinh tế Thế giới
Sạc xe điện - cú hích tỷ USD cho kinh tế châu Âu
17:24' - 22/11/2024
Mặc dù doanh số xe điện (EV) đang chậm lại ở châu Âu, ngành công nghiệp sạc xe điện vẫn kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ tỷ lệ xe điện ở châu Âu tăng đều đặn.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương cho 29 nước
16:03' - 22/11/2024
Nước này đã thực hiện chính sách miễn thị thực cho 29 nước, trong đó có Đức và Pháp, nhằm thúc đẩy du lịch quốc tế.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc kỳ vọng thu lợi 42 tỷ USD từ năng lượng sạch
15:01' - 22/11/2024
Hàn Quốc đang kỳ vọng sẽ thu được 59.000 tỷ won (42 tỷ USD) bằng cách thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các nguồn năng lượng không carbon đến năm 2033.