Nguyên nhân chủ chốt khiến các thị trường hàng hóa "nổi sóng"

17:09' - 16/11/2023
BNEWS Nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát chậm lại đã làm tăng sự đặt cược rằng Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất.
*Giá vàng ổn định giữa hy vọng Fed ngừng tăng lãi suất

Giá vàng châu Á ổn định trong phiên ngày 16/11 giữa bối cảnh đồn đoán chu kỳ thắt chặt chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc, cùng với đồng USD phục hồi khiến đà tăng của giá vàng bị hạn chế.

Khép phiên này, giá vàng giao ngay tăng nhẹ 0,2% lên 1.963,07 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ không đổi ở mức 1.965,80 USD/ounce.

Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của công ty tài chính City Index cho biết sự biến động của vàng đã giảm bớt sau báo cáo lạm phát của Mỹ. Giá vàng đang giao dịch khá thoải mái ở mức khoảng 1.960 USD/ounce bất chấp nỗ lực “lấy lại sức” của đồng USD. Theo đó, nếu không có chất xúc tác mới, vàng dường như thiếu động lực để tăng giá trong phiên này.

Đồng USD tiếp tục tăng sau dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn cho những người mua ở nước ngoài.

Giá sản xuất của Mỹ đã giảm mạnh nhất trong ba năm rưỡi vào tháng 10/2023 trong bối cảnh giá xăng giảm mạnh, dấu hiệu mới nhất cho thấy sức ép lạm phát giảm bớt, trong khi doanh số bán lẻ giảm lần đầu tiên sau 7 tháng.

 

Ngày 14/11, số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ không đổi trong tháng 10/2023, so với dự đoán tăng 0,1%. CPI lõi ở mức 0,2%, cũng thấp hơn so với dự báo 0,3%.

Nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát chậm lại đã làm tăng sự đặt cược rằng Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất.

Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch dự kiến Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 12/2023 và đặt cược rằng thể chế tài chính này sẽ bắt đầu cắt giảm vào tháng 5/2023.

Lãi suất thấp hơn làm tăng sức hấp dẫn của vàng, vì vàng thường được sử dụng như kênh đầu tư an toàn trong giai đoạn lạm phát.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay ổn định ở mức 23,43 USD/ounce. Còn giá bạch kim giảm 0,2% xuống 894,24 USD/ounce. Giá Palladium giảm 0,1% xuống 1.030,71 USD/ounce.

Tại Việt Nam, lúc 16 giờ 29 phút, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 69,80 - 70,62 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

*Giá dầu nới rộng đà giảm

Giá dầu châu Á giảm trong phiên ngày 16/11, nới rộng đà giảm trong phiên trước đó do dấu hiệu nguồn cung từ Mỹ cao hơn, cùng với những lo ngại về nhu cầu năng lượng ảm đạm từ Trung Quốc.

Khép phiên này, giá dầu Brent biển bắc giảm 48 xu xuống 80,70 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 53 xu xuống 76,13 USD/thùng. Giá hai loại dầu chủ chốt này đều giảm hơn 1,5% trong phiên trước.

Nhà phân tích thị trường tại công ty tài chính CMC Markets ở Auckland, bà Tina Teng cho biết “những lo ngại về hiệu suất sản xuất cao kỷ lục của Mỹ đã gây áp lực mới lên giá dầu, làm tăng thêm triển vọng nhu cầu vốn đã đáng lo ngại.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 3,6 triệu thùng trong tuần trước lên 421,9 triệu thùng, vượt xa dự đoán tăng 1,8 triệu thùng của các nhà phân tích tham gia khảo sát của Reuters. Sản lượng dầu thô của Mỹ giữ ổn định ở mức kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày (bpd).

Tại châu Á, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc giảm trong tháng 10/2023 so với mức cao của tháng trước đó do nhu cầu nhiên liệu công nghiệp suy yếu và lợi nhuận lọc dầu giảm. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của nước này vẫn khởi sắc trong tháng 10 khi sản lượng công nghiệp tăng với tốc độ nhanh hơn và tăng trưởng doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng.

Số liệu công bố ngày 16/11 cho thấy những lo ngại liên quan đến lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, khi giá nhà mới đã giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 10, với doanh số bán bất động sản tính theo diện tích sàn giảm 20,33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiến lược gia thị trường của công ty môi giới tài chính IG ở Singapore, ông Jun Rong Yeap, cho biết các yếu tố kỹ thuật cũng đang hạn chế bất kỳ xu hướng tăng giá nào.

*Chứng khoán châu Á phần lớn giảm

Các thị trường chứng khoán phần lớn giảm trong phiên ngày 16/11 trong bối cảnh nhà đầu tư tạm nghỉ và kiếm lợi nhuận từ đợt phục hồi gần đây, mặc dù các nhà phân tích cho biết triển vọng khá tươi sáng, ngay cả khi số liệu cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ hạ cánh nhẹ nhàng.

Tại Toyko (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,3% xuống 33.424,41 điểm.

Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,4% xuống 17.832,82 điểm, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,7% xuống 3.050,93 điểm.

Chứng khoán Sydney, Wellington, Bangkok và Jakarta giảm điểm, trong khi đó, chứng khoán Singapore, Seoul, Manila và Mumbai đi lên.

Các số liệu công bố ngày 14/11 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 của Mỹ đã tăng chậm hơn dự kiến, củng cố quan điểm của các nhà giao dịch rằng Fed sẽ không cần phải tăng lãi suất nữa, thậm chí làm dấy lên các cuộc thảo luận về việc cắt giảm lãi suất vào năm tới.

Theo các nhà quan sát, đợt giảm giá trên thị trường chứng khoán không phải là bất thường và họ vẫn lạc quan trước thềm năm mới.

Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 3,03 điểm (0,27%) lên 1.125,53 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,69 điểm (0,74%) lên 229,56 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục