Nhà bán lẻ Mỹ chuẩn bị cho kịch bản khách hàng chen chân mua sắm cuối năm

07:30' - 27/11/2021
BNEWS Năm nay, các nhà bán lẻ Mỹ vẫn chuẩn bị cho kịch bản khách hàng chen chân mua sắm vì lo ngại chuỗi cung ứng tắc nghẽn có thể khiến các nhà phân phối chậm nhập hàng để đáp ứng nhu cầu dịp Giáng sinh.

Trong khi nhiều nhà bán lẻ tại Mỹ mở cửa từ 5h sáng 26/11 để đón khách nhân ngày "Black Friday", ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm thì nhiều khách hàng cũng thức dậy sớm hơn thường lệ để tranh thủ tìm mua những món quà trang trí trong dịp Giáng sinh do lo ngại tình trạng hết hàng nhanh chóng.

Diễn ra một ngày sau Lễ tạ ơn, ngày hội giảm giá "Black Friday" thường là ngày mở đầu cho mùa mua sắm cuối năm. Trong những năm trước, các nhà bán lẻ thường treo biển giảm giá ít nhất 50% mọi sản phẩm từ quần áo, đồ chơi đến TV, thu hút hàng đoàn dài các khách hàng tập trung bên ngoài các cửa hàng trong khi các trung tâm thương mại cũng chật ních khách.

Trong bối cảnh mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến trong vài năm gần đây, những đám đông có phần giảm đi, đặc biệt là trong năm 2020 khi hầu hết người dân trên thế giới vẫn chưa được tiêm phòng và nỗi lo COVID-19 vẫn phủ bóng.

Dẫu vậy, năm nay, các nhà bán lẻ Mỹ vẫn chuẩn bị cho kịch bản khách hàng chen chân mua sắm vì lo ngại chuỗi cung ứng tắc nghẽn có thể khiến các nhà phân phối chậm nhập hàng để đáp ứng nhu cầu dịp Giáng sinh.

Chuyên gia phân tích thị trường bán lẻ Mỹ của Deloitte, Rod Sides, nhận định mọi người đều đang có tâm lý được trở lại nhịp sống bình thường, những khách hàng đến sớm sẽ có được những món ưng ý.

Một khảo sát của Deloitte chỉ ra rằng ngay từ trước ngày "Black Friday", mọi người đã tiêu từ 80-85% khoản tiền dự chi cho dịp mua sắm cuối năm. Các món hàng như tai nghe không dây Airpod, xe điện cỡ nhỏ Hoverboard, đồ chơi, tai nghe và laptop được cho là sẽ sớm "cháy hàng".

Theo Adobe, so với cùng kỳ năm ngoái 2019 thì từ đầu tháng 11 đến nay, số lượng tin nhắn báo hết hàng đã tăng 261%. Giám đốc bán lẻ tại công ty tư vấn Publicis Sapient, Andy Halliwell, cho biết nhiều cửa hàng đồ chơi lớn tại Bắc Mỹ đã thông báo thiếu hàng. Giám đốc này cũng dự báo tình trạng tương tự sẽ xảy ra với các mặt hàng điện tử.

Theo Adobe, các mặt hàng điện tử, vốn đã giảm nguồn cung vì tình trạng thiếu chip trên toàn cầu, thường bị báo là không có sẵn trong kho, tiếp đến là các sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia dụng và đồ làm vườn, đồ chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Một động lực khác cho mùa mua sắm cuối năm nay phải kể đến là người tiêu dùng Mỹ hiện được cho là có nguồn tiền rủng rỉnh sau nhiều vòng trợ cấp mà chính phủ nước này tung ra trong thời gian đại dịch hoành hành.

Cùng với đó là tâm lý thoải mái hơn khi các công ty bắt đầu nâng lương để cạnh tranh tìm kiếm nhân viên trong bối cảnh khan hiếm lao động. Các dữ liệu công bố hồi giữa tuần, chi tiêu khách hàng đã tăng 1,3% trong tháng 10, cao hơn dự kiến.

Dịp "Black Friday" năm nay tại Mỹ, các chuỗi bán lẻ như Target, Macy's và Walmart đã bố trí thêm nhiều không gian và nhân viên làm việc tại các điểm trả hàng và bãi giữ xe. Walmart, chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới, đã thuê 150.000 nhân công trong các dịp nghỉ lễ năm nay. Target cũng bổ sung hơn 18.000 chỗ trong các bãi giữ xe, hơn gấp đôi con số năm ngoái.

Về nỗi lo dịch bệnh COVID-19, báo cáo của nền tảng khảo sát người tiêu dùng Attest chỉ ra có khoảng 2/3 trong tổng số 1.000 người được hỏi ngày 13/11 cho biết cảm thấy thoải mái khi đi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng dù dịch bệnh vẫn chưa kết thúc.

Một số chuỗi bán lẻ lớn như Walmart, Best Buy và Target không yêu cầu khách hàng đã tiêm phòng phải đeo khẩu trang, nhưng một số trung tâm thương mại trong nhà vẫn duy trì yêu cầu này. Bên cạnh các biện pháp phòng dịch, nhiều cửa hàng tại Mỹ cũng phải tăng cường an ninh sau các vụ trộm đồ xảy ra với một số cửa hàng bán đồ cao cấp.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là mùa mua sắm cuối năm tại Mỹ sẽ giảm tốc một chút vì chi phí cung ứng tăng cũng khiến nhiều nhà bán lẻ tăng giá sản phẩm hoặc giảm giá ít hơn.

Theo dữ liệu của Cục thống kê lao động Mỹ, giá các mặt hàng trang sức đã tăng 8,6% trong 10 tháng đầu năm, tỷ lệ này trong cùng kỳ năm 2020 và 2019 lần lượt là 0% và 6,2%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục