Nhà đầu tư “lảng” chung cư sang “ôm” đất nền

11:09' - 26/09/2017
BNEWS Phân khúc đất nền đang được các nhà đầu tư quan tâm, giá và giao dịch tăng hơn trước. Thậm chí, nhiều người đang kỳ vọng đây sẽ là phân khúc “hot” trong thời gian tới.
Đất nền, nhà ở tại các đô thị thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Ảnh: Tuấn Anh

Theo số liệu của Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến thời điểm này, tổng giá trị tồn kho bất động trên toàn quốc còn khoảng 26.294 tỷ đồng. Trong số này, lượng tồn kho đất nền nhà ở vẫn chiếm giá trị lớn nhất, hơn 3,1 triệu m2, tương đương 12.572 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua đánh giá của các chuyên gia và công ty nghiên cứu tư vấn bất động sản, phân khúc đất nền đang được các nhà đầu tư quan tâm trở lại, giá và giao dịch tăng hơn trước. Thậm chí, nhiều người đang kỳ vọng đây sẽ là phân khúc “hot” trong thời gian tới.

Chị Thùy Liên ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, trước đây gia đình chị đã từng bỏ tiền đầu tư chung cư để “lướt sóng”, tuy nhiên phương án này đã không còn hấp dẫn và an toàn nữa mà chuyển sang chọn đất nền để tìm kiếm cơ hội sinh lời mới.

Lý giải về chuyện không còn “mặn mà” đầu tư chung cư, chị Thùy Liên cho hay, hiện các căn hộ cao tầng bung ra quá nhiều, rơi vào tình trạng “bão hòa” nên thanh khoản khó khăn. Giá trị đầu tư cũng không phải nhỏ nhưng lại phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan như tiến độ công trình, uy tín của chủ đầu tư, hay như nếu vướng vào các vụ tranh chấp liên quan đến dự án thì giá vừa sụt giảm, lại khó bán. Bởi vậy, độ rủi ro cao hơn so với đầu tư đất nền, mình tự quyết mà tính pháp lý lại đảm bảo.

"Đầu tư đất nền cũng chia theo các mục tiêu rõ ràng. Có người chọn mua đất nền, nhà ở xen lẫn trong các khu dân cư hiện hữu. Có tiền thì cứ thấy rẻ là ôm vào, lãi lại bán. Thậm chí, vừa “đặt cọc” mua mà gặp khách có nhu cầu cũng bán trao tay ngay. Câu chuyện kiểu như thế này không hiếm", anh Nguyễn Văn Hướng, nhân viên môi giới bất động sản khu vực Hai Bà Trưng kể lại.

Một bộ phận khác lại chọn cách đầu tư vào đất nền khu đô thị. Nhất là sau thời gian dài “ngủ quên” do dự án chậm tiến độ, nhiều chủ nhân các lô đất này muốn bán nhanh, thâm chí chấp nhận “lỗ” để thu tiền về. Mua được giá rẻ, nhiều nhà đầu tư chờ "hái quả ngọt" khi có thông tin dự án rậm rịch khởi động lại. Và dự án Thanh Hà Cienco 5 (Hà Đông) là một ví dụ điểm hình trong trường hợp này.

Lợi thế nhất của đất nền tại các khu đô thị mới mở là được hưởng hạ tầng đồng bộ của toàn khu vực, kết nối giao thông tốt và đặc biệt là mật độ xây dựng tốt hơn hẳn nhà trong các khu dân cư cũ. Đặc biệt, nếu mua sớm và chọn những khu vực xa trung tâm một chút nhưng có triển vọng hạ tầng phát triển kết nối để “đón lõng” trước thì khả năng sinh lời dự báo cũng sẽ cao hơn nhiều.

Với những nhà đầu tư sành sỏi, có thông tin thì chọn cách bám theo các quy hoạch “trên giấy”. Họ tìm mua và đợi sẵn ở khu vực gần các dự án lớn trong tương lai. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư này cũng khá mạo hiểm bởi nếu không nắm vững thông tin thì chính lô đất họ “ôm” lại có nguy cơ nằm trong diện giải tỏa làm đường.

Thế nhưng, xu hướng đầu tư đất nền đang được ưu chuộng cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đây là sản phẩm mang tính đặc thù của thị trường bất động sản, đáp ứng cho cả 2 mục đích an cư và đầu tư. Bởi vậy, phân khúc này chưa bao giờ hết “hot”.

Nhà đầu tư "bỏ" chung cư sang "ôm" đất nền, nhà ở. Ảnh: Tuấn Anh. 

Niềm tin giá đất tăng dần theo thời gian hoặc giữ giá tốt hơn những tài sản khác khiến người Việt Nam luôn ưu tiên loại sản phẩm này, thậm chí họ còn mua đất nền để chờ cơ hội tăng giá hoặc làm của để dành, của hồi môn. Cũng có người cho rằng, mua nhà phố hoặc đất nền mang lại cho chủ sở hữu cảm giác mình là người chủ thực sự của tài sản có giá trị. Người sử dụng được toàn quyền quyết định, từ thiết kế xây dựng, kinh doanh hay cho thuê...

Mặt khác, hiện thị trường chung cư tại Việt Nam đang bão hòa và bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó phải kể đến các vụ tranh chấp sở hữu chung - riêng, bất đồng về cách quản lý và cung ứng dịch vụ trong các tòa nhà, nhiều chi phí phát sinh thêm... vẫn đang diễn ra khắp nơi. Điều này khiến tâm lý muốn sở hữu nhà ở riêng lẻ hoặc đất nền ngày càng bộc lộ rõ.

Điểm qua 3 đô thị lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian 2 năm trở lại đây đều diễn ra các cơn “sốt” đất nền, nhất là với các khu vừa được quy hoạch hạ tầng hấp dẫn. Thậm chí, mới có “tin đồn” mở đường đã khiến người mua lao vào cuộc chiến “săn đất” khiến giá bị đẩy lên vù vù.

Đơn cử như khu vực quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) nơi có hàng loạt dự án hạ tầng lớn được công bố cũng tạo nên cơn sốt đất. Hay như Thành phố Hồ Chí Minh cũng trải qua cơn sốt đất nền tại khu đông thành phố. Còn Hà Nội cũng “nóng” lên với đất dự án Thanh Hà Cienco 5 (Hà Đông) khi giá bị đẩy lên khá mạnh, có thời điểm cao gấp 1,5 - 2 lần so với giá trên hợp đồng mua bán ban đầu...

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường đang có biến động về giá kể từ tháng 3 năm nay; trong đó, đất nền nhà phố “tăng nhiệt” nhanh nhất. Với tình hình của thị trường, phân khúc này sẽ còn tăng trưởng ấn tượng.

Giải thích về hiện tượng này, ông Đính cho rằng, đất nền nhà phố bị lãng quên trong thời gian dài vì các chủ đầu tư đuổi theo phân khúc căn hộ. Điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh, hạ tầng nhiều khu vực phát triển rất nhanh, các khu đô thị mọc lên ở khắp nơi, nhưng giá đất nền lại rất thấp. Cơ hội này đã thu hút giới đầu tư tham gia thị trường, mua gom đất nền, khiến phân khúc này hồi sinh mạnh mẽ.

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, cũng cảnh báo việc không để đất tăng giá theo “tin đồn”. Muốn vậy, ngành chức năng nắm bắt thông tin, triển khai các giải pháp ổn định thị trường, tránh để xảy ra tình trạng giá đất tăng “ảo” do thổi giá, gây tác động xấu đến thị trường bất động sản. 

Để phòng ngừa tình trạng “sốt” đất nền, theo Bộ Xây dựng, các địa phương cần công khai thông tin quy hoạch các khu vực cũng như tiến độ triển khai dự án từ giao thông, hạ tầng và cả bất động sản./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục