Nhập khẩu vũ khí vào Trung Đông tăng gấp đôi trong nửa thập kỷ

11:34' - 12/03/2018
BNEWS Lượng vũ khí nhập khẩu ở Trung Đông và châu Á đã tăng mạnh trong giai đoạn 5 năm 2013-2017, chủ yếu do chiến tranh và căng thẳng kéo dài tại các khu vực này.
Các loại súng được trưng bày tại triển lãm của Hiệp hội súng trường quốc gia tại St. Louis, Missouri, Mỹ ngày 14/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nghiên cứu công bố ngày 12/3 của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2013-2017, lượng vũ khí nhập khẩu vào Trung Đông đã tăng hơn gấp đôi (103%) so với giai đoạn 5 năm trước đó. Bên cạnh đó, Trung Đông cũng chiếm khoảng 32% tổng lượng vũ khí nhập khẩu toàn cầu.

Trong đó, Saudi Arabia là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của khu vực và lớn thứ 2 thế giới. Mỹ là đối tác bán vũ khí lớn nhất cho Saudi Arabia, với 61% lượng vũ khí mà Riyadh nhập khẩu đến từ Mỹ, gần gấp 3 so với đối tác lớn thứ 2 là Anh (23%).

Pieter Wezeman, chuyên gia cấp cao của SIPRI, cho rằng xung đột và bạo lực lan rộng tại Trung Đông cũng như những quan ngại về nhân quyền tại đây đã khiến xuất hiện nhiều cuộc tranh luận tại Bắc Mỹ và Tây Âu về việc hạn chế xuất khẩu vũ khí.

Tuy nhiên, thực tế là Mỹ và nhiều nước châu Âu vẫn tiếp tục là các nhà xuất khẩu vũ khí chính vào Trung Đông.

Trong khi đó, châu Á - châu Đại Dương là khu vực nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 42% tổng lượng nhập khẩu toàn cầu trong giai đoạn 2013-2017. Trong đó, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và chủ yếu mua từ Nga (62% tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ).

Ngoài ra, lượng vũ khí Ấn Độ mua từ Mỹ, nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, cũng tăng hơn 6 lần trong 5 năm qua.

Siemon Wezeman, một chuyên gia khác của SIPRI, cho rằng căng thẳng giữa Ấn Độ và các nước láng giềng như Pakistan hay Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu mua vũ khí của New Delhi.

Trong khi đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh năng lực sản xuất và bán vũ khí. Xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh tăng 38% trong giai đoạn 2013-2017 với đối tác lớn nhất là Myanmar. Khoảng 68% tổng nhập khẩu vũ khí của Myanmar là mua từ Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là nhà xuất khẩu lớn của Bangladesh (71%) và Pakistan (70%).

SIPRI là một viện nghiên cứu độc lập làm nhiệm vụ theo dõi hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu theo từng giai đoạn 5 năm./.

>>>Mỹ cam kết viện trợ các bang muốn trang bị vũ khí cho nhân viên trường học

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục