Trọng tâm công nghệ trong chương trình vũ khí mới của Nga

05:30' - 10/03/2018
BNEWS Một trong những hướng quan trọng được đặt ra đối với chương trình vũ khí quốc gia mới là phát triển các loại vũ khí có độ chính xác cao.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang mạng của Kênh truyền hình "Nước Nga ngày nay" có bài viết về chương trình vũ khí quốc gia của Nga giai đoạn 2018-2028.

Theo thông báo của Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, chương trình vũ khí giai đoạn 2018-2028 đã được Tổng thống Putin ký thông qua. Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết trọng tâm của chương trình vũ khí mới này sẽ là phát triển hệ thống robot, vũ khí có độ chính xác cao và sức mạnh ngăn chặn hạt nhân.

Phó Thủ tướng Rogozin nói: “Tổng cộng có hơn 200 loại vũ khí và thiết bị. Công nghệ robot, hệ thống thông minh, các thiết bị không người lái do thám và tấn công, bảo vệ máy bay khỏi các đám cháy... tất cả đều có trong chương trình vũ khí quốc gia mới”.

Ngoài ra, theo ý kiến của các chuyên gia, chương trình này còn dành sự quan tâm lớn cho lực lượng bộ binh và đổ bộ. Dự kiến chương trình vũ khí này sẽ tiêu tốn khoảng 19.000 tỷ ruble (341,29 tỷ USD).

Chương trình vũ khí quốc gia mới được điều chỉnh dựa trên các dữ liệu ở mặt trận Syria, nghĩa là thông qua đánh giá toàn diện về hiệu quả cũng như nhiều thông số khác có liên quan đến điều kiện khí hậu, tự nhiên của khu vực.

Một trong những hướng quan trọng được đặt ra đối với chương trình vũ khí quốc gia mới là phát triển các loại vũ khí có độ chính xác cao. Theo ông Rogozin, chương trình này sẽ mang đến “sự đáp trả thích hợp” cho việc triển khai các hệ thống vũ khí có độ chính xác cao phi hạt nhân chiến lược.

Đặc biệt, có thể kể đến việc sản xuất và chuyển giao cho lực lượng vũ trang Nga các máy bay ném bom được hiện đại hóa Tu-95 và Tu-160, Hệ thống phòng không S-500, tiêm kích Su-57 và Mig-35 cũng như dự án tàu ngầm Borei-B.

Ngoài ra, cho tới trước năm 2028, quân đội Nga sẽ nhận được tổ hợp tên lửa RC-26 và tổ hợp tên lửa RC-28. Ưu tiên của chương trình là phát triển hệ thống đánh chặn hạt nhân. Ngoài ra, chương trình cũng có kế hoạch đáp ứng 70% thị phần vũ khí hiện đại trong quân đội Nga trước năm 2021.

Ông Rogozin cũng nói về những thiếu sót của chương trình vũ khí quốc gia trước đó. Trong vài thập kỷ, vũ khí mới của lực lượng vũ trang Nga không có tính thực tế, trong khi việc phát triển các thiết bị quân sự trong nước bị gián đoạn.

Ví dụ, dự án tàu khu trục nhỏ “Đô đốc Gorshkov” - bước đi thử nghiệm đổi mới về kỹ thuật nằm trong Chương trình vũ khí quốc gia cũ đến năm 2020 - đang bị trì hoãn. Ông Rogozin cho biết tình trạng tương tự sẽ không xảy ra trong chương trình vũ khí quốc gia mới.

Chương trình quốc phòng

Hệ thống lên kế hoạch trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật đã được hình thành từ thời Liên Xô trước những năm 1970.

Kế hoạch đó chính là “Chương trình vũ khí” giai đoạn 10 năm, và trên cơ sở đó lại có các kế hoạch giai đoạn 5 năm, và chương trình vũ khí quốc gia dài hạn đầu tiên đã được thông qua cho giai đoạn từ năm 1976-1985. Các chuyên gia nhận định rằng trong một loạt trường hợp, các chương trình không được thực hiện một cách đầy đủ.

Chương trình vũ khí quốc gia đầu tiên thời kỳ hậu Xô Viết được thông qua năm 1996 và có thời hạn đến năm 2005. Sự bất ổn về kinh tế, giảm chi tiêu chính phủ cho quốc phòng đã làm thất bại Chương trình này. Số phận tương tự xảy ra với chương trình vũ khí tiếp theo ở giai đoạn 2001-2010 với số tiền vào khoảng 2.500 tỷ ruble.

Theo các chuyên gia, chương trình vũ khí quốc gia sau đó cho giai đoạn 2007-2015 thành công hơn, với ngân sách khoảng 5.000 tỷ ruble. Chương trình đã không được thực hiện đầy đủ nhưng chính trong giai đoạn này, ngân sách nhà nước chi cho quốc phòng đã bắt đầu tăng lên.

Năm 2010, Tổng thống cũng ký sắc lệnh thông qua chương trình vũ khí tiếp theo đến năm 2020 với tổng nguồn kinh phí chi cho quốc phòng vào khoảng 20.700 tỷ ruble, trong đó 19.400 tỷ ruble được chi cho nhu cầu của Bộ Quốc phòng.

Việc chỉnh sửa và thông qua chiến lược mới đã được tiến hành vào năm 2016, và sau đó là vào năm 2018. Nhìn chung, các yếu tố kinh tế đã ảnh hưởng đến sự thay đổi về thời hạn của chương trình - sự sụt giảm của đồng ruble, giá năng lượng thế giới không cho phép Bộ Phát triển Kinh tế và Bộ Tài chính đưa ra các dự báo chính xác về kinh tế vĩ mô.

Trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình “Nước Nga ngày nay”, Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng Viktor Murakhovsky nói: “So với khoản 20.000 tỷ ruble được phân bổ trong chương trình vũ khí quốc gia trước đó thì có thể nói rằng việc cấp kinh phí cho chương trình mới này đã giảm, đặc biệt nếu tính đến cả yếu tố lạm phát”.

Bước nhảy về công nghệ

Theo đánh giá của các chuyên gia, chương trình vũ khí quốc gia hiện tại (đến năm 2020) là một trong những chương trình thành công nhất của thời kỳ hậu Xô Viết. Khi chương trình được thông qua thì tỷ lệ vũ khí hiện đại trong lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga chiếm khoảng 20%, đối với các lực lượng nói chung thì con số này không vượt qua 10%. Đồng thời, trong các đội quân hàng đầu thế giới thì tỷ lệ vũ khí mới cũng chỉ chiếm 30-50%.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ công nghệ hiện đại trong lực lượng vũ trang Nga đã tăng lên 59% - con số được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nêu lên hồi tháng 11/2017 tại một trường Đại học của Bộ Quốc phòng. Một tiêu chí quan trọng là việc thực hiện các yêu cầu quốc phòng, vốn trong 5 năm gần đây được thực hiện ở mức 90%.

Bộ ba hạt nhân được tái vũ trang chuyên sâu cao nhất, trong trường hợp này, tỷ lệ vũ khí hiện đại đạt tới 79%. Tới năm 2021, sức mạnh hạt nhân chiến lược trên đất liền cần phải hiện đại hóa lên 90%.

Điều này được ông Putin phát biểu hồi cuối năm ngoái tại một trường Cao đẳng của Bộ Quốc phòng Nga. Ở đây, ông muốn đề cập tới hệ thống tên lửa có khả năng “vượt qua hệ thống phòng thủ hiện tại và thậm chí là trong tương lai”.

  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục