Nhận định chứng khoán tuần từ 28 - 31/12: Thị trường có thể tiếp tục đi lên

15:37' - 26/12/2020
BNEWS Thị trường chứng khoán kịp hồi phục kịp thời xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, có thể vẫn còn nhịp rung nhỏ để chỉ số tiến lên mức cao hơn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi liên tiếp tăng điểm. Tuần qua, đã là tuần thứ 8 tăng điểm liên tục của VN - Index. Cùng đó, dòng tiền tiếp tục lập kỷ lục mới, dù cho có thời điểm VN - Index giảm rất sâu và xảy ra sự cố nghẽn lệnh giao dịch, nhưng sự hưng phấn của giới đầu tư vẫn giúp thị trường chứng khoán đi lên.

*Xóa tan lo lắng

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC nhận định, sau những phiên rung lắc mạnh làm “chao đảo” giới đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lấy lại đà tăng trong phiên cuối tuần qua (25/12). Điều này giúp xóa tan đi nỗi lo lắng trong ngắn hạn cũng như sự trục trặc của hệ thống.

Thị trường chứng khoán kịp hồi phục kịp thời xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, VDSC nhận thấy rằng vẫn còn nhịp rung nhỏ để chỉ số tiến lên mức cao hơn.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng, tuần tới, VN-Index có thể sẽ thử thách lại vùng kháng cự 1.100 ±10 điểm. Tuy vậy, diễn biến của thị trường vẫn sẽ đan xen các nhịp rung lắc, điều chỉnh trong quá trình hướng đến thử thách vùng kháng cự trên. Hoạt động chốt giá trị tài sản ròng (NAV) cuối năm của các quỹ có thể sẽ hỗ trợ cho diễn biến của thị trường.

Về tổng thể, BVSC vẫn đang thiên về khả năng thị trường sẽ đi vào giai đoạn diễn biến giằng co tạo nền giá mới trong vùng 1.045-1.100 điểm trong ngắn hạn. Dòng tiền sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ luân phiên hỗ trợ thị trường. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của dòng tiền trên thị trường.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS cho biết, thị trường lấy lại đà tăng nhờ sự bùng nổ ở nhóm tài chính – ngân hàng và lan tỏa ra khắp các nhóm ngành. Điểm tích cực khi dòng tiền lan tỏa ở nhiều nhóm cổ phiếu giúp thanh khoản thị trường duy trì ờ mức cao.

Theo MBS, hiệu ứng tháng Giêng có thể được lặp lại - đây là giai đoạn giá cổ phiếu đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn, các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý IV tích cực thể hiện xu hướng tăng lên trong những phiên giao dịch cuối cùng trong tháng 12 và sau đó tiếp tục tăng trong tuần đầu tiên của tháng 1.

Số liệu quá khứ cũng như diễn biến thị trường trong hiện tại đang cho thấy, tháng 1 có thể là tháng mà thị trường chứng khoán tiếp tục vận động đi lên. Thống kê số liệu trên thị trường 10 năm gần đây giai đoạn 2011-2020 thì 7/10 năm thị trường có giao dịch khởi sắc trong tháng 1.

Về mặt kỹ thuật, với quán tính tăng như hiện nay, mốc cản gần 1.085 điểm hoàn toàn có thể bị chinh phục, tuy vậy những nhịp rung lắc để kiểm tra các ngưỡng hỗ trợ sẽ xảy ra trước khi thị trường đến các mức cao mới, với mục tiêu ngắn hạn xoay quanh khu vực 1.100 - 1.120 điểm.

Thực tế, sự hưng phấn dâng cao của nhà đầu tư trong tuần qua tiếp tục giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm tích cực và hiện tại đã tiếp cận với những kháng cự mạnh hơn.

Cụ thể, tuần qua (từ 21 - 25/12), VN - Index tăng 16,96 điểm lên 1.084,42 điểm; HNX - Index tăng 15,44 điểm lên 192,46 điểm,đây là mức tăng rất mạnh của chỉ số này. Thanh khoản trên hai sàn lập kỷ lục mới với khoảng 16.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên.

Theo đó, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 17,5% lên 70.976 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 17,5% lên 3.692 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 38,3% lên 9.117 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 36,5% lên 726 triệu cổ phiếu. Về giao dịch khối ngoại, tuần qua, khối này vẫn bán ròng với 383 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Với việc thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần qua thì phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng.

Theo thống kê từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 7,6% giá trị vốn hóa, nhờ các đại diện trong nhóm thép như HPG tăng 5,6%, HSG tăng 2,3%... và trong nhóm phân bón, hóa chất như PHR tăng 0,8%, DPM tăng 3,9%, DPR tăng 4,1%, DCM tăng 11,7%...

Tiếp theo là nhóm tài chính với mức tăng 3,9% vốn hóa, nhờ các cổ phiếu trong ngành bất động sản như NVL tăng 0,8%, tăng VIC tăng 1,1%, VHM tăng 2,7%... và đặc biệt là các cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán như HCM tăng 6,2%, SSI tăng 13,1%, VCI tăng 14,5%, SHS tăng 19,1%, VND tăng 19,5%...

Các nhóm còn lại đều có mức tăng khá mạnh với dược phẩm và y tế tăng 2,3% giá trị vốn hóa, công nghiệp tăng 2,7%, công nghệ thông tin tăng 1,8%, dịch vụ tiêu dùng tăng 1,2%, ngân hàng tăng 0,5%...

Công ty cổ phần Chứng khoán SHS cho biết, VN-Index kết tuần ở ngay trên ngưỡng kháng cự 1.084 điểm, đây là ngưỡng chỉ số này đã thử thách trong bốn phiên. Tâm lý hứng khởi cao độ của nhà đầu tư khiến cầu bắt đáy luôn gia tăng mỗi khi chỉ số giảm khiến thị trường hồi phục mạnh trở lại. Các hợp đồng tương lai VN30 đều cao hơn chỉ số cơ sở VN30 từ 11 đến 20 điểm cũng cho thấy điều này.

Tuy nhiên, đà tăng đã có dấu hiệu chậm lại với tần suất các phiên điều chỉnh nhiều hơn và thanh khoản gia tăng cùng với việc nhóm chứng khoán bật tăng mạnh mẽ và các penny (cổ phiếu giá rẻ, thường có mệnh giá rất nhỏ và do các công ty nhỏ phát hành) tăng trần hàng loạt cũng là những dấu hiệu cảnh báo là sóng tăng hiện tại đang gần đến lúc kết thúc.

SHS cho rằng, khả năng thị trường có thể tiếp tục đến vùng kháng cự cao hơn trong khoảng 1.120-1.130 điểm là có thể xảy ra nhưng với xác suất thấp. Xác suất cao hơn là việc thị trường sẽ rung lắc mạnh trước áp lực bán quanh ngưỡng 1.084 điểm.

Trên thị trường chứng khoán thế giới, dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và còn những vướng mắc từ gói kích thích kinh tế của Mỹ nhưng thị trường chứng khoán vẫn diễn biến tích cực.

* Gói kích thích kinh tế chi phối thị trường

Thị trường chứng khoán Phố Wall khép lại tuần giao dịch ngắn hơn bình thường do nghỉ lễ Giáng sinh.

Bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và triển vọng thông qua gói kích thích kinh tế mới của Mỹ vẫn là những yếu tố chủ đạo chi phối tâm lý nhà đầu tư.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones và Nasdaq tăng lần lượt 0,1% và 0,4%. Riêng chỉ số S&P 500 giảm 0,2% so với thời điểm đóng cửa phiên cuối tuần trước.

Sau khi lưỡng đảng tại Mỹ đạt được đồng thuận về gói cứu trợ mới COVID-19 trị giá 900 tỷ USD, mở đường để gói hỗ trợ này được thông qua tại Quốc hội Mỹ sau nhiều tháng bế tắc, nhà đầu tư đổ tiền vào các lĩnh vực có nhiều khả năng sinh lời và bán tháo những cổ phiếu không còn được hưởng lợi nhiều khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, xu hướng này đã có phần giảm sau khi gói kích thích mới của Mỹ vẫn bị đóng băng do Hạ viện Mỹ không thông qua đề nghị tăng mức hỗ trợ trực tiếp cho mỗi người dân từ 600 USD lên 2.000 USD. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không thông qua gói cứu trợ COVID-19 này nếu dự luật không được điều chỉnh.

Trong khi đó, các cổ phiếu liên quan đến hoạt động đi lại chịu sức ép sau khi chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn được phát hiện tại Vương quốc Anh đã khiến các nước phải thực hiện các hạn chế đi lại mới.

Tại thị trường châu Á, trong phiên cuối tuần qua (25/12), thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) lên điểm, còn thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm nhẹ, trong khi hầu hết các thị trường trên thế giới đóng cửa nghỉ Giáng sinh.

Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo giảm 0,04%, hay 11,74 điểm, chốt phiên ở mức 26.656,61 điểm, trong phiên giao dịch trầm lắng do các nhà đầu tư nước ngoài nghỉ lễ Giáng sinh.

Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 1%, lên 3.396,56 điểm. Các thị trường như Australia, Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc đều đóng cửa nghỉ lễ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục