Nhận định trái chiều của IMF và LHQ về triển vọng kinh tế toàn cầu

16:30' - 20/02/2016
BNEWS Dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới, IMF có đánh giá không mấy lạc quan. Tuy nhiên, báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2016 của Liên hợp quốc lại đưa ra cái nhìn tích cực hơn.
Những nhận định khác nhau của IMF và LHQ về triển vọng kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, trong báo cáo cáo mới nhất Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hạ 0,2% dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong cả hai năm 2016 và 2017, lần lượt xuống 4,3% và 4,7%. IMF đã cảnh báo về một loạt nguy cơ đối với kinh tế thế giới, gồm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc giảm mạnh, đồng USD mạnh lên, điều kiện đầu tư siết chặt, căng thẳng địa chính trị gia tăng…

IMF kêu gọi các quốc gia thành viên xử lý tốt các nguy cơ nói trên để tránh cho kinh tế toàn cầu nguy cơ “trật đường ray”.

Trong khi mức tăng trưởng của các nước phát triển được thể chế tài chính quốc tế này đánh giá là khá ổn định, sự tương phản rất lớn lại diễn ra trong nhóm các nền kinh tế mới nổi. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Nga chỉ đạt -1% và Brazil là -3,1%, còn nhóm các nước "đầu tàu" như Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt đạt 7,5% và 6,3%.

Trước đó, IMF cũng đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia như Philippines, Canada và Mexico. IMF cho rằng quyết định hạ thấp tăng trưởng kinh tế Philippines dựa vào kết quả không mấy lạc quan về GDP của nước này trong thời gian từ tháng 1-9/2015 và tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu.

Tuy nhiên, IMF vẫn hy vọng nước này là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, bất chấp sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và việc bình thường hóa chính sách lãi suất ở Mỹ. Trong khi đó, IMF dự báo kinh tế Canada chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm 2016 và 2,1% năm 2017, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2015.

Giống như nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác, giá “vàng đen” giảm mạnh ảnh hưởng đến triển vọng tăng trường của kinh tế Canada, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ tư thế giới. Cũng với lý do tương tự, IMF dự báo trong năm 2017, kinh tế Mexico, nền kinh tế thứ hai Mỹ Latinh, chỉ đạt mức tăng 2,9%, giảm 0,2% so với con số 3,1% đưa ra cách đây ba tháng.

Trong khi đó, Liên hợp quốc (LHQ) cũng vừa công bố báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2016. Báo cáo của LHQ nêu rõ, tăng trưởng GDP toàn cầu trong các năm 2016 và 2017 có thể lần lượt đạt mức tương ứng 2,9% và 3,2%. Trong đó, các nước đã phát triển, đặc biệt là Mỹ, sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay.

Theo LHQ, bất chấp sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc, khu vực Đông và Bắc Á vẫn sẽ là những khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhiều nước nhập khẩu hàng hóa tại khu vực sẽ được hưởng lợi từ việc giá cả các mặt hàng kim loại, dầu và lương thực hạ thấp. GDP của các nước kém phát triển cũng được dự báo đạt mức tăng 5,6% trong năm 2016, thấp hơn mức 7% mà Mục tiêu thiên niên kỷ đặt ra.

LHQ cho rằng, trong bối cảnh giá các mặt hàng giảm tác động tiêu cực lên các dòng vốn thương mại và tài chính công, giữa lúc nguy cơ bất ổn của thị trường tài chính vẫn ở mức cao, việc tăng cường hệ thống thương mại đa phương sẽ giúp các nước có thể khai thác được lợi thế thương mại. Tuy nhiên, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, cần sự nỗ lực và hiệu quả hơn nữa trong các chính sách hợp tác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục