Nhân khẩu học - câu chuyện thời sự ở các nền kinh tế lớn

05:30' - 14/06/2024
BNEWS Thời gian gần đây, liên tục có cảnh báo về việc dân số đang già đi và sự sụt giảm nhân khẩu học của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào.
Kể từ khi dân số bắt đầu giảm vào năm 2022, rất nhiều báo cáo và phân tích đã lập luận rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ sớm không có nhân lực để điều hành các nhà máy và văn phòng.

Tuy nhiên, để phân tích về kinh tế Trung Quốc cần một góc nhìn rộng lớn hơn. Câu chuyện thành công của Trung Quốc chưa bao giờ liên quan đến nhân khẩu học. Tăng trưởng dân số chỉ đóng góp khoảng 1/5 đến 1/10 tăng trưởng sản lượng trong bốn thập kỷ qua.

Trong khi đó, cải thiện năng suất có lẽ là động lực lớn hơn nhiều đối với những tiến bộ kinh tế, được củng cố bởi đầu tư, cải cách và kiến thức. Điều quan trọng nhất đối với sự phát triển của đất nước không phải là tăng trưởng dân số mà là cách vận hành.

Nhân khẩu học cũng không phải là thách thức lớn nhất. Dân số giảm là vấn đề đối với một nền kinh tế cần nhiều người hơn để tạo ra nhiều sản phẩm hơn. Nhưng đó không phải là tình trạng khó khăn hiện tại của Trung Quốc.

 
Nhiều thập kỷ thực hiện gia công, đầu tư và tự động hóa đã đưa Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, tạo ra năng lực cung ứng khổng lồ vượt xa nhu cầu trong nước. Nói cách khác, nước này không thiếu người sản xuất mà thiếu người tiêu dùng có khả năng mua những gì họ tạo ra.

Nhiều nhà quan sát đã so sánh Trung Quốc với Nhật Bản, cho rằng kinh nghiệm của Tokyo là bằng chứng cho thấy tăng trưởng chắc chắn sẽ chững lại một khi những “cơn gió ngược” về nhân khẩu học bắt đầu xuất hiện.

Nhưng quan điểm này bỏ qua thực tế, suy thoái của Nhật Bản trong những năm 1990 là do bong bóng giá tài sản vỡ và những hậu quả liên quan đến nhu cầu suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Tình trạng bất ổn không phải do sự sụt giảm dân số đột ngột gây ra. Quả thực, dân số Nhật Bản chỉ bắt đầu giảm hai thập kỷ sau đó.

Việc quá chú trọng đến vấn đề nhân khẩu học đã làm sai lệch phản ứng chính sách của Nhật Bản đối với cuộc khủng hoảng. Nỗi lo mất khả năng cạnh tranh và sụt giảm nhân khẩu đã khiến trọng tâm tranh luận chính sách được chuyển từ quản lý nhu cầu hiệu quả sang quản lý nguồn cung.

Kết quả là, chính phủ đã cắt giảm thuế doanh nghiệp, nới lỏng các quy định và triển khai những biện pháp kích thích để khuyến khích chi tiêu. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp không thể bán sản phẩm của mình, việc trợ cấp sản xuất không mang lại lợi ích cho chính phủ.

Khi tăng trưởng suy yếu, doanh thu thuế cũng giảm theo. Nỗi lo ngại về tài chính công đã khiến các nhà hoạch định chính sách tăng thuế thu nhập cá nhân và thuế an sinh xã hội để lấp đầy khoảng trống tài chính.

Ở đây, một lần nữa, nhân khẩu học lại thúc đẩy cuộc tranh luận. Các quan chức ủng hộ thuế cao hơn vì khi đó tất cả mọi người, kể cả người già, đều phải đóng thuế.

Nhưng nhược điểm đi kèm là những loại thuế này đã gây tổn hại cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, những người phải chi tiêu phần lớn thu nhập của mình để trang trải cuộc sống.

Vốn đã bị siết chặt vì lương không tăng, các hộ gia đình đã phản ứng bằng cách cắt giảm chi tiêu. Điều này khiến sự thiếu hụt nhu cầu ngày càng sâu sắc và vì thế, giảm phát trở thành căn bệnh kinh niên.

Các tập đoàn khổng lồ của Nhật Bản, chịu tổn thương bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và nhu cầu sụt giảm, đã phản ứng bằng cách dự trữ tiền mặt và tìm kiếm cơ hội tăng trưởng ở nước ngoài. Đầu tư cũng chững lại. Điều này lại gây bất lợi cho tiềm năng tăng trưởng của Nhật Bản hơn là các xu hướng về nhân khẩu học.

Tình hình Trung Quốc ngày nay và cuộc tranh luận về chính sách trong nước là rất giống với những gì xảy ra tại Nhật Bản ngày đó. Đại dịch và cuộc khủng hoảng bất động sản đã “bóp nghẹt” nhu cầu trong nước. Lạm phát giá tiêu dùng diễn biến kém tích cực. Chi tiêu đầu tư tư nhân đang bị trì hoãn.

Tuy nhiên, các hành động chính sách chủ yếu lại tập trung vào các giải pháp từ phía cung. Những biện pháp mới nhằm hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng đã được thực hiện, nhưng hầu như không thể hỗ trợ các hộ gia đình.

Chiến lược dường như đang đi chệch hướng. Các nhà máy Trung Quốc đã tăng cường sản xuất ô tô, máy móc và thiết bị điện tử vượt xa mức mà thị trường nội địa có thể hấp thụ. Trong khi đó, các đối tác thương mại của Trung Quốc ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á lại đang tìm cách nâng cao năng lực sản xuất của chính họ. Kết quả là, những thị trường này sẽ khó tiếp nhận thặng dư xuất khẩu của Trung Quốc hơn.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt mức thuế mới nhắm vào hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, bao gồm chất bán dẫn, xe điện, pin, khoáng sản quan trọng và pin Mặt Trời. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang cân nhắc về khả năng áp thuế mới đối với ô tô điện do Trung Quốc sản xuất.

Việc giải quyết những thách thức này có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều đối với sự tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc so với lực cản nhân khẩu học do dân số sụt giảm dần gây ra.

Kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển ngay cả khi dân số suy giảm. Không giống như Nhật Bản, vốn đã là nền kinh tế có thu nhập cao vào thời điểm bong bóng giá tài sản vỡ, Trung Quốc vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình và có nhiều dư địa để bắt kịp tốc độ tăng trưởng.

Ngay cả những nền kinh tế có thu nhập cao cũng có thể tiếp tục tăng trưởng khi đối mặt với những trở ngại về nhân khẩu học, như Hàn Quốc.

Tuy nhiên, tăng trưởng trong tương lai ở Trung Quốc sẽ cần dựa nhiều hơn vào nguồn lực trong nước. Điều này đòi hỏi những biện pháp nhằm hỗ trợ nhu cầu trong nước.

Hiện tại, những nỗ lực nhằm tái cân bằng kinh tế Trung Quốc theo hướng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường nội địa, đặc biệt là về tiêu dùng cá nhân, đã đạt được rất ít tiến bộ.

Việc quá chú trọng đến nhân khẩu học và các yếu tố cung khác có thể sẽ trì hoãn các hành động chính sách cần thiết, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhu cầu, giống như đã từng xảy ra ở Nhật Bản.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục