Nhân tố cản trở cuộc gặp Mỹ - Trung tại Argentina

06:30' - 01/12/2018
BNEWS Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires (Argentina) vào cuối tuần này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đón Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 9/11/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” của Bắc Kinh có thể sẽ làm tiêu tan những kỳ vọng về cuộc gặp này bởi Tổng thống Donald Trump muốn Trung Quốc từ bỏ chính sách ngành nghề đầy tham vọng nói trên, trong khi Tập Cận Bình dường như chắc chắn không bao giờ đồng ý.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik ngày 23/11, Giáo sư kinh tế Guanzhong James Wen thuộc trường Đại học Trinity (Mỹ) cho rằng nếu tại cuộc gặp bên lề hội nghị G20 sắp tới, Mỹ-Trung tiếp tục theo đuổi biện pháp đấu tranh của mình, quan hệ hai nước sẽ xấu đi toàn diện.

Nhiều năm nay, rất nhiều doanh nghiệp hai nước phụ thuộc nặng nề vào đối phương, cho nên muốn quan hệ kinh tế hai nước "thoát ly" toàn diện trong thời gian ngắn là điều không thể. Dẫu vậy, phía Mỹ sẽ vẫn yêu cầu Trung Quốc phải cải cách chính trị, kinh tế.

Giáo sư Guanzhong James Wen chỉ rõ: "Từ nửa năm trước, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã có nhận thức chung rằng thể chế kinh tế hiện nay của Trung Quốc vẫn không có thuộc tính thị trường, trong thời gian dài không thể tương thích với trật tự quốc tế vốn dựa trên nền tảng các nguyên tắc kinh tế thị trường do Mỹ xây dựng.

Từ nay về sau, nhận thức chung này sẽ còn sôi sục hơn nữa sau khi Mỹ có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối với Trung Quốc, khiến Trung Quốc không thể tự do như trước trên thị trường quốc tế. Do vậy, Trung Quốc cần phải tăng cường suy ngẫm và ứng phó".

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có chiều hướng trở thành một cuộc chiến lâu dài và có nguy cơ leo thang, Nhà Trắng mới đây đã lên tiếng xác nhận rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn nguồn thạo tin cho biết thêm: sau cuộc gặp thượng đỉnh G20, Tổng thống Trump sẽ mời Chủ tịch Tập Cận Bình dự dạ tiệc. Phía Trung Quốc đã nhận lời mời. Một buổi dạ tiệc như vậy sẽ mang đến cho 2 nhà lãnh đạo thêm thời gian thảo luận với nhau và có thể tạo bầu không khí thuận lợi hơn cho đàm phán. 

Nhằm thể hiện thành ý trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung sắp tới, Bắc Kinh mới đây đã chuyển cho Washington văn bản trả lời các yêu cầu của phía Mỹ. Tuy nhiên, theo nguồn thạo tin của CNN, những gì mà phía Trung Quốc đưa ra không mới, Bắc Kinh vẫn không đáp ứng các yêu cầu cốt lõi của Nhà Trắng như giải quyết vấn đề cưỡng ép chuyển giao công nghệ, đánh cắp bản quyền tri thức..., và hai bên vẫn trong tình trạng bế tắc.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho rằng văn bản nói trên dường như không khác so với những cam kết thay đổi trước đó của Bắc Kinh. Trung Quốc vẫn không có câu trả lời cho yêu cầu của Washington về việc Bắc Kinh phải cam kết thay đổi chính sách công nghiệp, trong đó có chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”.

Báo điện tử Đa chiều ngày 15/11 dẫn lại nhận định trên trang tin bằng tiếng Trung của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho rằng cuộc gặp giữa Donald Trump và Tập Cận Bình bên lề G20 có thể bị phá hỏng bởi 1 vấn đề, đó chính là chính sách ngành nghề “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” bởi ông Trump muốn Trung Quốc từ bỏ chiến lược đầy tham vọng này.

Theo nghiên cứu viên cao cấp William Reinsch thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), hiện nay không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã từ bỏ chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” và trong tương lai, Trung Quốc cũng sẽ không từ bỏ nó.

Tuy hiện nay Trung Quốc yêu cầu truyền thông không được nhắc đến chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” nữa, nhưng điều đó hoàn toàn khác so với việc Trung Quốc từ bỏ chiến lược này. Gần đây, Tập Cận Bình nhiều lần yêu cầu đất nước ông phải tự lực cánh sinh, tự chủ sáng tạo, điều đó cho thấy “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” vẫn là chính sách quan trọng của Tập Cận Bình.

Trong khi đó, “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” lại là một trong những bất đồng chủ yếu đằng sau chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và mâu thuẫn này rất khó giải quyết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục