Nhật Bản đề nghị WTO lập Ban hội thẩm để xem xét thuế nhập khẩu của Trung Quốc

08:02' - 20/08/2021
BNEWS Từ tháng 7/2019, Trung Quốc bắt đầu áp thuế chống bán phá giá nhằm vào các sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngày 19/8, Nhật Bản đã gửi yêu cầu lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thành lập Ban hội thẩm xử lý tranh chấp để giải quyết việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ từ Nhật Bản, trên cơ sở các hiệp định cơ bản của WTO.

Trước đó, ngày 15/6, Nhật Bản cũng đã nộp đơn khiếu nại lên Cơ quan Giải quyết tranh chấp của WTO (DSB) liên quan đến vấn đề này.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nêu rõ, từ tháng 7/2019, Trung Quốc bắt đầu áp thuế chống bán phá giá nhằm vào các sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc với lý do đã có tác động tiêu cực tới ngành thép nội địa.

Tuy nhiên, Nhật Bản nhận thấy dường như đã có những thiếu sót trong việc thực hiện các thủ tục điều tra và đưa ra đánh giá của Cơ quan điều tra Trung Quốc, vi phạm Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (GATT 1994) và Hiệp định về Chống bán phá giá (Hiệp định thực thi Điều VI của GATT 1994).

Do đó, Nhật Bản đã nhiều lần gửi yêu cầu lên WTO và trong các cuộc thảo luận song phương với phía Trung Quốc về việc bãi bỏ các biện pháp áp thuế này.

Ngày 11/6/2021, Nhật Bản đã kiến nghị với phía Trung Quốc thực hiện đàm phán song phương trên cơ sở các hiệp định cơ bản của WTO, và thực tế đã được hai bên tiến hành vào ngày 19/7 vừa qua nhưng vấn đề cuối cùng đã không được giải quyết.

Đây là lý do lần này Nhật Bản gửi kiến nghị lên WTO thành lập Ban hội thẩm để giải quyết việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ nước này. Ngay sau đây, Nhật Bản sẽ tiến hành các thủ tục liên quan để đảm bảo vấn đề này được xử lý một cách thỏa đáng theo quy định của WTO.

Theo quy định liên quan đến xử lý tranh chấp thương mại của WTO, khi một quốc gia thành viên nhận thấy bị thiệt hại do biện pháp của một quốc gia thành viên khác áp dụng một cách không phù hợp với các hiệp định cơ bản của WTO, thì sẽ kiến nghị tham vấn song phương với quốc gia đó.

Trong trường hợp hai bên không thể thống nhất được thông qua đàm phán song phương trong vòng 60 ngày, quốc gia bị cho là chịu thiệt hại có thể kiến nghị WTO thành lập Ban hội thẩm để xử lý vấn đề.

Về quy trình thực hiện, yêu cầu của quốc gia thành viên WTO về thành lập Ban hội thẩm sẽ được xem xét tại cuộc họp của DSB được tổ chức định kỳ hàng tháng (cuộc họp sắp tới dự kiến diễn ra ngày 30/8).

Tại cuộc họp, chỉ cần một thành viên phản đối (bao gồm cả Trung Quốc) thì Ban hội thẩm cũng không thể được thành lập.

Khi đó, chương trình này sẽ tiếp tục được chuyển sang cuộc họp sau đó của DSB. Tại cuộc họp thứ hai, Ban hội thẩm sẽ được thành lập trừ khi tất cả các thành viên cùng đồng thuận phản đối.

Sau khi được quyết định thành lập, các thủ tục liên quan đến Ban hội thẩm sẽ được tiến hành như lựa chọn thành viên, xem xét đánh giá, đưa ra ý kiến và tổ chức cuộc họp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục