Nhật Bản đối diện xu hướng tăng giá tiêu dùng trong năm 2023

06:30' - 30/12/2022
BNEWS Áp lực chi tiêu hộ gia đình tại Nhật Bản trong năm 2023 có thể tăng cao hơn nữa khi hơn 7.000 mặt hàng dự kiến sẽ tăng giá, tiếp theo đà tăng của hơn 20.000 sản phẩm trong năm 2022.
Theo tính toán của công ty công nghệ thông tin Mizuho Research & Technologies, chi tiêu hộ gia đình tại Nhật Bản trong năm 2023 sẽ tăng thêm 136.000 yen so với hai năm trước đây.    
* Giá cả"leo thang" với tốc độ ngày càng cao

Kết quả khảo sát của công ty dịch vụ tài chính Teikoku Databank cho thấy trong giai đoạn từ tháng 1-4/2023, 105 nhà sản xuất thực phẩm có kế hoạch tăng giá đối với 7.152 mặt hàng. Tốc độ tăng giá ngày càng nhanh, gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Nếu xu hướng này tiếp tục, sẽ có ít nhất 10.000 sản phẩm tăng giá trong năm 2023.     
Biên độ tăng giá cũng dự báo tăng nhanh trong năm 2023. Theo kết quả khảo sát, các nhà sản xuất thực phẩm sẽ tăng giá trung bình 18%, cao hơn mức 14% của năm 2022. Dự kiến trong tháng 3/2023, Nestle Nhật Bản sẽ tăng giá cà phê và các loại đồ uống khác lên 25% và Suntory sẽ tăng giá rượu whisky nhập khẩu lên tới 28%.
Nhiều doanh nghiệp đã tăng giá trong năm 2022 và buộc phải tăng giá bổ sung trong năm 2023. Trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm đông lạnh dùng trong gia đình, Maruha Nichiro, TableMark và Nissui có kế hoạch tăng giá lần thứ ba vào tháng 3/2023. Kikkoman Foods sẽ xem xét lại giá nước tương vào tháng 4/2023, sau khi tăng giá lần đầu tiên sau 14 năm vào năm 2022.         
Một số công ty cố gắng duy trì mức giá để người tiêu dùng dễ mua bằng cách giảm khối lượng trong khi vẫn giữ nguyên giá. Tháng 1/2023, Yamazaki Baking sẽ giảm số lượng bánh nhân đậu đỏ vỏ mỏng trong một hộp từ 5 chiếc xuống còn 4 chiếc, lần đầu tiên kể từ lần ra mắt vào năm 2001. Kameda Seika giảm khối lượng gói kẹo “Happy Turn” trong khi Fujiya cũng giảm lượng kẹo “Milky” từ 7 chiếc xuống còn 6 chiếc.         
Xu hướng tăng giá không chỉ ở mặt hàng thực phẩm mà còn diễn ra ở các mặt hàng thiết yếu khác. Bắt đầu từ tháng 4/2023, 5 công ty điện lực lớn ở Tohoku, Hokuriku, Chugoku, Shikoku và Okinawa đã công bố kế hoạch tăng giá theo quy định với các hộ gia đình. Giá điện và gas được kỳ vọng ổn định khi Chính phủ Nhật Bản bắt đầu triển khai chế độ hỗ trợ kể từ tháng 1/2023.         
Theo tính toán của chuyên gia Saisuke Sakai của Mizuho Research & Technologies, gánh nặng tài chính đối với hộ gia đình trong năm tài chính 2022 đã tăng thêm 96.368 yen do giá lương thực tăng. Trong năm tài chính 2023, gánh nặng chi tiêu sẽ tăng thêm 39.750 yen. Nếu xu hướng đồng yen mạnh gần đây tiếp tục, gánh nặng chi tiêu sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, chi phí nhân công tăng đã khiến các cửa hàng ăn uống tăng giá, là yếu tố gây áp lực lên chi tiêu của các hộ gia đình.         

Chuyên gia Shinichiro Kobayashi của Mitsubishi UFJ Research & Consulting cho biết: “Giá dầu thô đã giảm và biên độ tăng giá hàng hóa kể từ đầu năm cũng sẽ tạm giảm do các biện pháp của chính phủ. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ tiếp tục cảm nhận được việc tăng giá và xu hướng tích kiệm sẽ lan rộng hơn. Nếu không có kỳ vọng về sự tăng lương, rất khó để kích thích tiêu dùng trong thời điểm hiện tại”.         

* "Việc ứng phó với sự thay đổi đột ngột là rất khó khăn”

Ban đầu, xu hướng tăng giá chủ yếu vì lý do giá nguyên liệu như lúa mỳ và dầu ăn tăng, giá vận chuyển tăng do giá dầu mỏ tăng và chi phí đóng gói tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bắt đầu chịu thêm áp lực tăng giá mạnh mẽ do xu hướng đồng yen yếu kéo dài. Đầu năm 2022, tỷ giá đồng yen chỉ dừng ở mức trên dưới 115 yen đổi lấy 1 USD. Tuy nhiên, có thời điểm trong tháng 10/2022, tỷ giá đồng yen so với USD đã giảm xuống mức 150 yen đổi lấy 1 USD.
Ngày 20/12, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã điều chỉnh chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn và thị trường đã lập tức phản ứng khi đồng yen tăng lên mức 130 yen đổi lấy 1 USD. Thời điểm chiều tối ngày 27/12, tỷ giá đồng yen cũng dao động ở mức 132 yen đổi lấy 1 USD. Một số doanh nghiệp đã ngay lập tức bày tỏ chủ trương giảm giá sản phẩm.
Nitori Holdings thông báo sẽ giảm giá một số sản phẩm của hãng trong năm 2023. Giám đốc Masanori Takeda cho biết một số mặt hàng không thể giảm giá do giá nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, công ty này sẽ cố gắng để điều chỉnh giảm giá bán cùng với biến động của tỷ giá hối đoái.
Một nhà sản xuất thực phẩm đã ký hợp đồng mua nguyên liệu thô từ Mỹ và một số nước khác, sau đó chế biến và bán tại Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi sử dụng nguyên liệu mua với giá cao để sản xuất sản phẩm và không thể ngay lập tức điều chỉnh giá bán khi tỷ giá thay đổi. Việc ứng phó với sự thay đổi đột ngột là rất khó khăn”.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng giá nhập hàng tăng nhưng các doanh nghiệp bán lẻ không thể tăng giá bán đầy đủ cho người tiêu dùng. Chỉ số giá doanh nghiệp thể hiện mức giá giao dịch giữa các doanh nghiệp tại Nhật Bản đã duy trì mức tăng khoảng 9% trong năm 2022. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tổng hợp (trừ mặt hàng tươi sống) tại Nhật Bản trong tháng 11/2022 là 3,7%. Chỉ số này đối với người tiêu dùng là lớn, dù các doanh nghiệp phải đối mặt với sự tăng giá còn cao hơn nhiều.
Trước xu hướng tăng giá mạnh mẽ, vấn đề được xã hội Nhật Bản quan tâm đó là tăng lương. Hiện tại, tiền lương đã không thể theo kịp đà tăng của vật giá. Theo báo cáo khảo sát tháng 10/2022 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tiền lương danh nghĩa đã tăng lên, tuy nhiên, tiền lương thực tế có tính đến biến động giá cả đã giảm 2.9% so với cùng kỳ năm 2021, ghi nhận tháng giảm thứ 7 liên tiếp với biên độ giảm lớn nhất trong vòng gần 8 năm qua.
Trong tình trạng như vậy, ngày càng có nhiều người quan tâm đến tỷ lệ tăng lương trong kỳ tuyển dụng lao động vào mùa Xuân năm 2023. Liên đoàn lao động Nhật Bản (Rengo) đã nâng mục tiêu tăng lương trong năm 2023 lên mức “khoảng 5%”. Đây là mức cao nhất trong 28 năm, kể từ mức 5-6% của năm 1995.
Các doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản đang có động thái tăng lương khi một số quan chức cấp cao đã có phát biểu về vấn đề này. Công ty Canon sẽ thực hiện tăng lương cơ sở vào tháng 1/2023. Lương cơ bản của toàn bộ 25.000 nhân viên sẽ được tăng đồng đều 7.000 yen/tháng lần đầu tiên sau 20 năm.
Canon cho biết đây là biện pháp hỗ trợ nhân viên do giá cả tăng cao gần đây. Takeshi Niinami, Chủ tịch của Suntory Holdings, cho biết: “Nhân sự là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Chúng tôi muốn nhân viên tiếp tục làm việc hăng hái và có mục đích”.
Hiroshi Shimizu, Chủ tịch của Nippon Life Insurance Co., cho biết ông có kế hoạch tăng lương cho nhân viên kinh doanh, và Seiji Nakata, Chủ tịch của Daiwa Securities Group Inc., cho biết ông có kế hoạch tăng lương cho nhân viên trong nước.
Những năm gần đây, tỷ lệ tăng lương kỳ tuyển dụng mùa Xuân của các doanh nghiệp duy trì ở mức trên dưới 2%. Vấn đề được quan tâm là các doanh nghiệp sẽ tăng lương lên mức độ nào trong bối cảnh vật giá tăng cao. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 10/2022 bởi Tokyo Shoko Research, hơn 80% trong số 4.433 công ty được khảo sát cho biết họ sẽ tăng lương. Tuy nhiên, chỉ có 4,2% kỳ vọng mức tăng lương từ 5% trở lên. 
Dựa trên chỉ số giá tiêu dùng và thu nhập doanh nghiệp, chuyên gia Tatsuhiko Nakanobu của Mizuho Research & Technologies, ước tính tỷ lệ tăng lương cho đợt tuyển dụng lao động mùa Xuân năm tới sẽ là 2,59%. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là mức cao nhất trong 25 năm kể từ năm 1998 (2,66%).
Tuy nhiên, mức này vẫn còn thấp so với mục tiêu của liên đoàn lao động Nhật Bản là “khoảng 5%”. Chuyên gia Nakanobu cho rằng: “Tỷ lệ tăng lương vẫn không đủ để bù đắp cho xu hướng tăng giá. Khả năng tiền lương thực tế sẽ tiếp tục âm và xu hướng phục hồi tiêu dùng hậu COVID-19 sẽ chậm lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục