Nhật Bản hé mở cánh cửa hẹp cho lao động nước ngoài (Phần 2)

06:30' - 16/07/2018
BNEWS Các nhà kinh tế đã đẩy mạnh chính sách nhập cư ở Nhật Bản, song đây luôn là một chủ đề chính trị nhạy cảm ở "xứ sở Mặt trời mọc".
Logo của Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 ở thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN

Dòng người lao động từ nước ngoài vào Nhật Bản, dù lặng lẽ nhưng đều đặn, đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua. Số lượng người nước ngoài tại Nhật Bản đã đạt 2,6 triệu người vào năm 2017, chiếm 2% tổng dân số. Mức tăng 20% chỉ trong ba năm là không hề nhỏ.

Cụ thể, số người nước ngoài đến Nhật Bản làm việc trong năm 2017 là 1,28 triệu người, tăng hơn gấp 2 lần so với năm 2008. Gần 1/3 trong số đó, tức 29% là lao động từ Trung Quốc, khoảng 19% là người Việt Nam, tiếp đó là Philippines (12%), Brazil (9%) và Nepal (5%).

Trong số này, chủ yếu là sinh viên nước ngoài, được phép làm việc 28 giờ/tuần, và những thực tập sinh tham gia chương trình thực tập kỹ thuật kéo dài 5 năm. Lâu nay Nhật Bản vẫn duy trì chính sách hạn chế lao động người nước ngoài do lo ngại những vấn đề liên quan dòng người nhập cư gia tăng.

Các nhà kinh tế đã đẩy mạnh chính sách nhập cư ở Nhật Bản, song đây luôn là một chủ đề chính trị nhạy cảm xuất phát từ nỗi sợ hãi sâu sắc về nguy cơ tội phạm gia tăng, xáo trộn trật tự xã hội, gia tăng cạnh tranh trên thị trường lao động và những phản ứng dữ dội tương tự như ở châu Âu. 

Là một người bảo thủ, ông Abe đã ủng hộ một chính sách nhập cư “Nhật Bản trên hết” và tìm cách giải quyết thách thức kinh tế của Nhật Bản này thông qua các cải cách trong nước như khuyến khích phụ nữ và người đã nghỉ hưu tái gia nhập lực lượng lao động.

Sáng kiến “ Womenomics” đã được công bố vào năm 2015 với mục tiêu ban đầu đầy tham vọng là phụ nữ chiếm 30% vị trí lãnh đạo trong tất cả các lĩnh vực vào năm 2020. Song tỷ lệ mục tiêu này tại các công ty đã được giảm xuống 15% vào năm 2025.

Thu hút tài năng là một chính sách cần thiết để khơi dậy tinh thần sáng tạo vốn đã đóng vai trò quan trọng giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản và phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của các sản phẩm “Made in Japan” (Sản xuất tại Nhật Bản). 

Đặc biệt là trong bối cảnh Nhật Bản đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ du lịch để chuẩn bị cho sự kiện Olympic mùa Hè 2020 tại Tokyo, vấn đề khan hiếm nguồn nhân lực lại càng trầm trọng hơn.

Giáo sư Toru Shinoda, tại Đại học Waseda ở Tokyo, cho rằng đề xuất trên là một bước đi đúng hướng nhằm đảm bảo tương lai của đất nước. Tuy nhiên, những điều kiện cứng nhắc và mang tính tạm thời sẽ khiến Nhật Bản dần trở nên ít hấp dẫn hơn đối với người lao động nước ngoài. 

Với sự nổi lên của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, Nhật Bản nên làm quen với thực tế rằng quốc gia này cần lao động nước ngoài nhiều hơn lao động nước ngoài cần Nhật Bản.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục