Triển vọng quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ

06:30' - 11/07/2018
BNEWS Tạp chí The Diplomat số ra gần đây đăng bài viết với nhận định rằng cả Nhật Bản và Ấn Độ có thể được hỗ trợ nhiều hơn cho quan hệ hiện tại thay vì theo đuổi một liên minh.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khoảng 10 ngày của tháng 6, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận hải quân Malabar thường niên ngoài khơi biển Guam. Trong quá khứ, Nhật Bản đã tham gia vào cuộc tập trận này (đặc biệt khi cuộc tập trận được tổ chức bởi Ấn Độ) một cách gián đoạn, phần lớn là do vấp phải sự phản đối của Bắc Kinh. 

Tuy nhiên, từ năm 2015, Mỹ và Ấn Độ chính thức thông báo Nhật Bản sẽ tái gia nhập Malabar với tư cách thành viên thường trực.

Cũng trong khoảng thời gian này, một loạt nhà phân tích bắt đầu dự đoán hoặc ủng hộ một liên minh Nhật-Ấn dựa trên tốc độ tăng cường đáng kinh ngạc quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Ấn Độ kể từ đầu những năm 2000. 

Dự đoán của các nhà phân tích một phần căn cứ vào phát biểu của Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso năm 2013, khi ông nhận định rằng Ấn Độ và Nhật Bản là một liên minh được liên kết bởi triết lý và chuyển động dựa trên những giá trị của mỗi nước.

Phát biểu này của ông Aso đã làm phật lòng Trung Quốc. Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm New Delhi vào tháng 9/2017, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo rằng "các nước trong khu vực nên đối thoại, không nên đối đầu và làm việc trên quan hệ đối tác thay vì liên minh".

Mặc dù các nhà báo hay các nhà hoạch định chính sách có thể dễ dàng sử dụng từ liên minh, tuy nhiên, đối với những nhà ngoại giao và chính khách, điều này mang những ý nghĩa cụ thể. Đối với Nhật Bản, cụm từ này đã được thể hiện trong mối quan hệ với Mỹ trong nhiều thập kỷ. 

Liên minh là một thỏa thuận chính thức giữa hai hoặc nhiều quốc gia về việc sử dụng hoặc không sử dụng vũ lực trong trường hợp cụ thể nhằm chống lại một hoặc nhiều quốc gia khác.

Việc lãnh đạo Nhật Bản sử dụng thuật ngữ liên minh trong mối quan hệ với Ấn Độ làm xuất hiện những đồn đoán về khả năng hai quốc gia này có thể đạt được một thỏa thuận trước mối đe dọa chung là Trung Quốc. Tuy nhiên, có ba lý do mà liên minh Nhật-Ấn không thể hiện thực hóa.

Đầu tiên, dù chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đang xây dựng mối quan hệ chiến lược với Nhật Bản, song New Delhi vẫn mâu thuẫn với chính cam kết lâu nay của mình về sự tự chủ chiến lược và trở thành một quốc gia có “quyền lực hàng đầu”đối với các vấn đề quốc tế. 

Tính tự chủ chiến lược đang quyết định vị trí của Ấn Độ khi chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy, mà không quá gần với các đối thủ tiềm tàng, tức Mỹ và Nhật Bản. Một liên minh Nhật-Ấn có thể ảnh hưởng tới quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ và nước này cũng không sẵn sàng cam kết bảo vệ Nhật Bản.

Thứ hai, liên minh có thể mang lại những rủi ro nhất định, khi một bên có thể vướng vào xung đột của bên kia. Nếu Nhật-Ấn là một liên minh, Nhật Bản sẽ bị kéo vào cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra giữa Ấn Độ và Pakistan, nguy cơ này cao hơn là cuộc xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc. 

Ngược lại, Ấn Độ sẽ có nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Nhật Bản và Triều Tiên. Vấn đề không chỉ về mặt đối ngoại, điều này còn có thể tạo ra những vấn đề chính trị lớn ở mỗi nước, khiến hai quốc gia không thể duy trì lực lượng quân sự hỗ trợ lẫn nhau, cùng với đó là khoảng cách địa lý hàng ngàn dặm giữa Nhật Bản và Ấn Độ.

Cuối cùng, ngay cả khi một liên minh Nhật- Ấn được tạo ra để chống lại Trung Quốc, hai bên sẽ phải có những cam kết cốt lõi. Tuy nhiên, liên minh này dễ có xu hướng bỏ qua cam kết, bởi nếu một trong hai quốc gia nhận thấy đối tác liên minh của mình có thể tự phòng thủ hoặc bản thân không thể chống trả trước một cuộc tấn công của Trung Quốc, quốc gia đó sẽ không đủ động lực để tham gia vào cuộc chiến. 

Ấn Độ và Nhật Bản đang không ngừng tăng cường quốc phòng, vì vậy khả năng hai bên tìm lý do để không tôn trọng cam kết liên minh là điều dễ xảy ra.

Ngoài ra, một liên minh giả định Nhật-Ấn sẽ gặp trở ngại lớn trước chính sách đáp trả của Trung Quốc – quốc gia có kho vũ khí hạt nhân, quân sự và kinh tế vượt trội. Trung Quốc sẽ không chứng kiến một cách thụ động sự hình thành liên minh Nhật-Ấn. 

New Delhi và Tokyo biết điều này, và do đó phải hạn chế những phát ngôn về liên minh với cam kết bảo vệ lẫn nhau. Sự quan ngại phản ứng của Trung Quốc vẫn là yếu tố kiềm chế mạnh mẽ quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ.

Với những thực tế trên, sẽ không có gì ngạc nhiên khi trải qua cuộc đụng độ với Trung Quốc vào năm ngoái tại Doklam, Thủ tướng Narendra Modi đã hồi sinh khái niệm về quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ. 

Điều này được thể hiện trong bài phát biểu của ông Modi tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore đầu tháng 6 vừa qua. Ngoài ra, việc Ấn Độ từ chối yêu cầu tham gia của Australia cho thấy nước này đang đi xa khỏi liên kết “bộ tứ” mà Nhật Bản đang thúc đẩy.

Mặc dù triển vọng về một liên minh Nhật-Ấn có thể mờ nhạt, một điều thuận lợi là quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên đang phát triển mạnh mẽ. Miễn là Nhật Bản tiếp tục đầu tư thúc đẩy tiềm năng của Ấn Độ, New Delhi tiếp tục phối hợp chiến lược với Tokyo, cả hai quốc gia sẽ thấy mình mạnh hơn trong trường hợp khủng hoảng ngoại giao hoặc quân sự xảy ra trong tương lai. Như vậy liên kết Nhật-Ấn hiện tại tốt hơn là một đồng minh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục