Nhật Bản không xem xét phương án xây thêm nhà máy hạt nhân

16:05' - 17/05/2022
BNEWS Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda khẳng định nước này không xem xét việc xây thêm bất kỳ nhà máy hạt nhân nào.

Ngày 17/5, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda khẳng định nước này không xem xét việc xây thêm bất kỳ nhà máy hạt nhân nào dù các mối quan ngại về an ninh năng lượng ngày càng tăng.

 

Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Hagiuda khẳng định sau khi xét đến cuộc khủng hoảng Ukraine và quan ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng, Nhật Bản sẽ cố gắng tận dụng tối đa hạ tầng hiện có. Các nỗ lực này sẽ tập trung vào việc phát triển lò phản ứng hạt nhân kiểu mới và năng lực trong lĩnh vực này.

Tuần trước, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã tổng hợp một báo cáo nội bộ về chiến lược năng lượng sạch nhằm đạt được mục tiêu xã hội trung hòa về carbon. Báo cáo đã đề cập đến việc khởi động lại các nhà máy năng lượng hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời duy trì an toàn khi vận hành.

Hiện ngày càng có nhiều lời kêu gọi trong lĩnh vực công nghiệp Nhật Bản về việc làm rõ vai trò của các nhà máy hạt nhân, khi các lò phản ứng đang tiến gần tới giới hạn về thời gian vận hành (40 năm) và đối mặt với những rào cản về pháp lý khác, khiến số phận của những lò phản ứng này vẫn chưa rõ ràng.

Ngày 16/5 vừa qua, Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã yêu cầu Cục Tài nguyên thiên nhiên và năng lượng (thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản) làm rõ vai trò của nhà máy hạt nhân trong chiến lược năng lượng của chính phủ, đồng thời kêu gọi nhanh chóng nối lại hoạt động của các lò phản ứng.

Hiện chỉ có 10 trong tổng số 36 nhà máy hạt nhân của Nhật Bản đã nối lại hoạt động theo quy định an toàn nghiêm ngặt được áp dụng sau sự cố tại tổ hợp hạt nhân Fukushima Daiichi do thảm họa động đất vào sóng thần tại miền Bắc Nhật Bản vào ngày 11/3/2011.

Trong chiến lược năng lượng gần nhất được công bố vào năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi duy trì năng lượng hạt nhân ở mức 20-22% tổng công suất điện năng trong tài khóa 2030, trong khi năng lượng tái tạo chiếm 36-38%, nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục