Triển vọng phát triển điện hạt nhân ở Hàn Quốc

06:30' - 13/05/2022
BNEWS Tổng thống Yoon Suk-yeol đã cam kết sẽ duy trì tỷ trọng điện hạt nhân hiện tại và sẽ tăng lên sau này, trong khi khôi phục hoạt động xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đã bị đình chỉ vào năm 2017.

Theo nhận định của nhà phân tích người Mỹ John Burton, nguyên là phóng viên của Financial Times tại Hàn Quốc, quyết định "hồi sinh" chương trình điện hạt nhân của tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol là một quyết định thực dụng và sẽ đảo ngược chính sách loại bỏ năng lượng hạt nhân của chính quyền cựu Tổng thống Moon Jae-in.

Theo nhà phân tích này, Hàn Quốc sẽ khó có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nếu không sử dụng năng lượng hạt nhân, hiện chiếm 30% sản lượng điện của cả nước.

Năm ngoái, Tổng thống Moon Jae-in đã cam kết đến năm 2050 các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió sẽ chiếm 70% sản lượng điện của Hàn Quốc, tăng từ mức 7% hiện nay. Đồng thời, nước này cũng sẽ dựa vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon để bù đắp sản lượng điện hạt nhân sau khi các lò phản ứng hạt nhân bị đóng cửa.

Mục tiêu này là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Chính phủ Hàn Quốc nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng mục tiêu này có thể không khả thi và sẽ khiến giá điện tăng cao.

Theo kế hoạch của ông Moon Jae-in, số lượng nhà máy hạt nhân đang hoạt động sẽ giảm từ 24 xuống còn 17 vào năm 2034, với tỷ trọng điện hạt nhân trong tổng sản lượng điện sẽ giảm từ 30% hiện nay xuống 24%.

Về phía tân Tổng thống, ông Yoon Suk-yeol đã cam kết sẽ duy trì tỷ trọng điện hạt nhân hiện tại và sẽ tăng lên sau này, trong khi khôi phục hoạt động xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đã bị đình chỉ vào năm 2017. Năng lượng tái tạo sẽ chỉ chiếm tỷ trọng 20-25% và nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm 40-45% vào năm 2030.

Cách tiếp cận cởi mở đối với triển vọng điện hạt nhân đang là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Về phía những quốc gia ủng hộ, mới đây chính quyền Tổng thống Joe Biden trong tháng Tư đã khởi động Chương trình tín dụng hạt nhân trị giá 6 tỷ USD để hỗ trợ các nhà máy điện hạt nhân đang "chật vật" tìm cách duy trì hoạt động trước sức ép cạnh tranh năng lượng.

Chương trình này được thiết kế nhằm hỗ trợ các nhà máy hạt nhân nằm ở những bang có thị trường điện cạnh tranh cao, giúp duy trì hoạt động của các lò phản ứng, giảm lượng khí phát thải và thúc đẩy an ninh năng lượng.

Vương quốc Anh cũng đang lên kế hoạch xây dựng tới 7 nhà máy điện hạt nhân mới tới năm 2050, đồng thời tăng cường khai thác gió ngoài khơi để đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Nước Anh đã đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và trong Sách Trắng về Năng lượng của Anh công bố năm 2020, Chính phủ Anh đã xác định năng lượng hạt nhân là giải pháp hữu hiệu để giúp quốc gia này đạt được mức tăng gấp 4 lần sản lượng điện sạch cần thiết để đạt được mục tiêu không phát thải khí nhà kính.

Hồi tháng Hai, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa khí đốt và điện hạt nhân vào danh sách các lĩnh vực đầu tư bền vững. Trong khi đó, Chính phủ Đức và một số quốc gia như Áo, Luxembourg vẫn phản đối năng lượng hạt nhân.

Trong bối cảnh giá dầu mỏ và khí đốt tăng vọt vào đầu năm nay do thiếu hụt nguồn cung, cuộc xung đột Nga-Ukraine làm trầm trọng thêm những lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng đối với những quốc gia như Hàn Quốc, vốn phụ thuộc vào các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch nước ngoài.

Đối với những nước này, năng lượng hạt nhân có thể giúp tăng cường an ninh năng lượng. Nhật Bản dự kiến sẽ mở lại các lò phản ứng hạt nhân đã bị đóng cửa sau khi xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào năm 2011.

Hơn nữa, điện hạt nhân cũng có thể mang lại lợi ích kinh tế cho Hàn Quốc bằng cách tăng cường các cơ hội xuất khẩu công nghệ hạt nhân. Nga hiện là nước xuất khẩu năng lượng hạt nhân hàng đầu thế giới. Nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể sẽ làm tổn hại vị thế của Nga trên thị trường quốc tế, đặc biệt là do những quan ngại về rủi ro năng lượng có thể được sử dụng như một vũ khí chính trị.

Đồng thời, Nga cũng có thể gặp vấn đề trong việc chuyển giao công nghệ hạt nhân do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt quốc tế. Công ty Fennovoima của Phần Lan mới đây đã hủy hợp đồng với Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ ba ở Phần Lan, viện dẫn các nguy cơ liên quan đến xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã nói rằng ông đặt mục tiêu Hàn Quốc xuất khẩu 10 nhà máy điện hạt nhân sang Đông Âu và Trung Đông vào năm 2030, mà kỳ vọng tạo thêm 100.000 việc làm. Với tham vọng xuất khẩu công nghệ hạt nhân, giới quan sát dự báo Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ.

Hai nước thậm chí có thể trở thành trụ cột cho một liên minh giữa các quốc gia bao gồm Canada, Nhật Bản, Pháp và Anh, tăng cường hợp tác cung cấp công nghệ hạt nhân và hỗ trợ tài chính cho các khách hàng trong tương lai đồng thời cạnh tranh với Nga và Trung Quốc.

Các dự án hợp tác có thể tập trung vào phát triển các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ và lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) - công nghệ thay thế cho các nhà máy hạt nhân quy mô lớn hiện nay. Các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ sẽ phù hợp với nhu cầu của các nước đang phát triển ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á khi các nước này tìm kiếm nguồn năng lượng không khí thải.

Mặc dù ủng hộ việc cắt giảm năng lượng hạt nhân trong nước, nhưng Tổng thống Moon Jae-in đã đặt nền tảng cho hợp tác với Mỹ trong việc thâm nhập thị trường điện hạt nhân ở nước ngoài từ năm trước.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden vào tháng 5/2021, hai nhà lãnh đạo đã cam kết "cùng tham gia vào các dự án nhà máy điện hạt nhân" để cải thiện khả năng cạnh tranh trước Nga và Trung Quốc. Hàn Quốc và Mỹ cũng có những điểm mạnh bổ sung lẫn nhau, trong đó Mỹ sở hữu công nghệ hạt nhân tiên tiến hơn, trong khi Hàn Quốc là quốc gia đi đầu trong sản xuất và xây dựng các lò phản ứng.

Chiến lược năng lượng hạt nhân cũng trở thành trọng tâm trong kế hoạch của Tổng thống Yoon Suk-yeol nhằm đưa Hàn Quốc trở thành cường quốc năng lượng hạt nhân "xanh" lớn trên toàn cầu. Chiến lược này bao gồm cả kế hoạch tài trợ cho phát triển lưới điện thông minh và hệ thống lưu trữ năng lượng thế hệ tiếp theo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục