Nhật Bản kỳ vọng gì vào trái phiếu chuyển đổi khí hậu?

12:20' - 04/03/2024
BNEWS Trái phiếu GX của Nhật Bản đang gặp thách thức để trở nên phổ biến bên ngoài Nhật Bản như một loại trái phiếu bền vững.
Nhật Bản đã kết thúc đợt đầu tiên Trái phiếu Chuyển đổi Khí hậu Nhật Bản, trái phiếu chuyển đổi khí hậu chính phủ đầu tiên trên thế giới, nhưng thu hút đầu tư nước ngoài vẫn là một thách thức cho mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu thị trường về công cụ tài chính non trẻ này.

Trái phiếu GX, từ cách viết tắt của tiếng Nhật có nghĩa là "chuyển đổi xanh", là một loại trái phiếu chuyển đổi nhằm mục đích dành nhiều tiền hơn cho các hoạt động chưa đáp ứng tiêu chuẩn "xanh" nhưng được lên kế hoạch cắt giảm lượng khí thải carbon trong dài hạn tạo ra quá trình khử carbon và những xã hội có khả năng chống chọi với khí hậu.

 
Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên phát hành trái phiếu loại này trong tháng 2/2024 và có kế hoạch bán 20.000 tỷ yen (133 tỷ USD) trong số đó trong thập niên tới.

Quốc gia này đã bán 800 tỷ yen trái phiếu chuyển tiếp kỳ hạn 5 năm vào ngày 27/2. Trái phiếu được định giá mang lại lợi suất 0,339%. Con số này thấp hơn 0,015 điểm phần trăm so với lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 5 năm thông thường. Lợi suất thấp hơn có nghĩa là giá trái phiếu cao hơn.

Nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Nomura ở Nhật Bản Takahide Kiuchi cho biết: “Lợi tức khá mỏng cho thấy nhu cầu của các nhà đầu tư không quá cao”. Ông nhận định rủi ro thanh khoản của trái phiếu có thể là một vấn đề, đồng thời lưu ý rằng trái phiếu được phát hành riêng biệt với trái phiếu chính phủ thông thường và quy mô thị trường nhỏ.

Trước đó, trái phiếu GX chính phủ ra mắt vào ngày 14/2, với việc Nhật Bản bán trái phiếu kỳ hạn 10 năm trị giá 800 tỷ yen. Số lượng đấu thầu cạnh tranh cao gần gấp ba lần số lượng trái phiếu có sẵn. Lợi suất của những trái phiếu đó là 0,74%, thấp hơn một chút so với lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm thông thường vào ngày hôm đó.

Mana Nakazora, Giám đốc tín dụng và chiến lược gia ESG tại BNP Paribas Securities Japan, cho biết: “Trái phiếu được bán theo kế hoạch là điều tốt, nhưng không có vẻ như nhu cầu hoặc giá của chúng cao bất thường”. Bà cho rằng việc thiếu một lợi tức lớn không có gì đáng ngạc nhiên vì trái phiếu đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn để bán và quản lý.

Theo Edward Bourlet, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại nhà đầu tư CLSA, trái phiếu GX của Nhật Bản vẫn chưa được các nhà đầu tư nước ngoài thảo luận rộng rãi.

Ông cho rằng: “Thời điểm phát hành trái phiếu không đặc biệt may mắn, bởi vì toàn bộ chủ đề ESG đã phần nào bị phai mờ”. Chuyen gia Bourlet cho biết, các chính phủ châu Âu đang trì hoãn các sáng kiến khử carbon trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô thắt chặt, trong khi khả năng tái đắc cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người luôn tấn công các chính sách xanh của người kế nhiệm, đang làm dấy lên lo ngại rằng hành động của ông sẽ gây tổn hại cho các khoản đầu tư về khí hậu.

Trái phiếu GX của Nhật Bản đang gặp thách thức để trở nên phổ biến bên ngoài Nhật Bản như một loại trái phiếu bền vững, còn vì khó khăn trong việc làm thế nào để đánh giá liệu một hoạt động có thực sự mang lại lợi ích về khí hậu hay không. Chẳng hạn, các nhà đầu tư phương Tây đã đặt câu hỏi trước nỗ lực lâu dài của Nhật Bản đối với một số hoạt động "chuyển đổi" vẫn còn non trẻ như thay thế than bằng amoniac để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện.

Tiền thu được từ trái phiếu phát hành trong tháng này sẽ được sử dụng cho các hoạt động như khám phá các phương pháp sản xuất thép sử dụng hydro và sản xuất pin và chất bán dẫn. Danh sách đầy đủ các dự án đủ điều kiện trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân, hydro và amoniac đến phát triển công nghệ thu hồi carbon và tàu khử carbon.

Nneka Chike-Obi, Giám đốc cấp cao của Sustainent Fitch, cho biết: “Tỷ lệ phân bổ tương đối lớn vào các công nghệ mới hoặc đang phát triển… khiến các nhà đầu tư quốc tế gặp khó khăn hơn trong việc đánh giá mối quan hệ giữa các trái phiếu này và kết quả khử carbon cụ thể”.

Chính phủ Nhật Bản đã tìm cách giải thích với các nhà đầu tư nước ngoài trong những tuần trước phiên đấu giá đầu tiên bằng cách cử các quan chức đến Anh, Pháp, Đức và Mỹ để gặp gỡ các nhà đầu tư ESG hàng đầu từ khoảng 40 công ty.

Một quan chức của Bộ Tài chính cho biết, cả công ty chứng khoán Nhật Bản và nước ngoài đều mua trái phiếu. Bộ không có thông tin chi tiết về các nhà đầu tư nhưng dựa trên các hoạt động quan hệ nhà đầu tư và các phiên điều trần của công ty, Bộ tin rằng trái phiếu nhìn chung đã đạt được mức độ công nhận nhất định.

Chuyên gia Bourlet của CLSA cho biết trái phiếu GX có khả năng thu hút các khoản đầu tư tài sản có chủ quyền từ châu Á cũng như Trung Đông, nơi trái phiếu xanh không phổ biến như ở châu Âu. “Đối với châu Á, trái phiếu GX hấp dẫn hơn vì điều kiện của trái phiếu xanh quá hẹp để sử dụng.… Nếu Nhật Bản có thể tạo tiền lệ cho trái phiếu GX mà châu Á có thể noi theo, điều đó sẽ thúc đẩy tiềm năng Nhật Bản trở thành một loại trung tâm tài chính chuyển đổi xanh".

Chuyên gia Nakazora của BNP Paribas Securities cho rằng để biến điều đó thành hiện thực: “Nhật Bản cần chứng minh rằng số tiền thu được đã được đầu tư thành công vào các sáng kiến chuyển đổi xanh và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục