Nhật Bản nhấn mạnh việc sử dụng hiệu quả viện trợ ODA

15:42' - 08/03/2019
BNEWS Nhật Bản sẽ phối hợp với các công ty tư nhân và tổ chức phi chính phủ nhằm đảm bảo việc sử dụng các nguồn vốn ODA - một trong những trụ cột ngoại giao then chốt của Tokyo - hiệu quả hơn.

Trong báo cáo thường niên về Viện trợ phát triển chính thức (ODA) công bố ngày 8/3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết chính phủ nước này sẽ phối hợp với các công ty tư nhân và tổ chức phi chính phủ nhằm đảm bảo việc sử dụng các nguồn vốn ODA - một trong những trụ cột ngoại giao then chốt của Tokyo - hiệu quả hơn.

Theo Sách Trắng ODA năm 2018 của Nhật Bản, việc tăng cường phối hợp giữa các nhà cung cấp viện trợ sẽ trở nên cần thiết hơn. Theo đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ thảo luận sâu hơn với các bên liên quan và thực hiện việc cung cấp ODA theo một cách hiệu quả hơn.

Sách Trắng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ODA trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do và mở cửa", theo sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm đảm bảo an toàn vận tải hàng hải cũng như tạo ra một trật tự dựa trên các quy định.

Bên cạnh đó, viện trợ nhân đạo sẽ là một trong những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết hợp tác quốc tế của nước này sẽ tập trung vào những đóng góp phi quân sự nhằm cải thiện an ninh con người trên toàn cầu. Theo đó, ODA của Nhật Bản sẽ bao gồm viện trợ không hoàn lại, cho vay bằng đồng yen và hợp tác kỹ thuật.

Những số liệu thống kê trong Sách Trắng cho thấy, tính đến năm 2017, Nhật Bản đứng thứ 3 thế giới về cung cấp ODA với 18,46 tỷ USD, sau Mỹ và Đức, lùi hai bậc so với vị trí dẫn đầu vào năm 2000.

Cũng trong Sách Trắng, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo nước này đã quyết định ngừng cấp ODA cho Trung Quốc, với lý do giờ đây 2 quốc gia láng giềng này đã trở thành "các đối tác bình đẳng". Nguồn vốn ODA mà Nhật Bản cấp cho Trung Quốc từ năm 1979 đã giúp nước này vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Trong 4 thập kỷ qua, tổng trị giá ODA của Nhật Bản cấp cho Trung Quốc là 32 tỷ USD, được sử dụng cải thiện cơ sở hạ tầng và giải quyết các vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, là nước đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 6 tới và một hội nghị quốc tế về phát triển châu Phi vào tháng 8, năm 2019 sẽ là năm quan trọng để Nhật Bản đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, cũng như một loạt mục tiêu đặt ra tới năm 2030 trong các lĩnh vực như đói nghèo, bất bình đẳng, khí hậu và hòa bình./.

Xem thêm:

>>Nhật Bản xúc tiến đầu tư vào châu Phi

>>Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 8 dự án cấp cơ sở tại 7 địa phương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục