Nhật Bản và Ấn Độ thách thức Trung Quốc tại châu Phi

06:03' - 09/07/2017
BNEWS Nhật Bản và Ấn Độ đang tích cực can dự cả về mặt kinh tế, chính trị và chiến lược ở châu Phi nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này.
Trụ sở chính của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) tại Abidjan, Bờ Biển Ngà. Ảnh: Reuters

Diễn đàn Đông Á số mới ra có bài viết của Giáo sư Purnendra Jain, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Adelaide (Australia) về các mạng lưới song phương mạnh mẽ của Nhật Bản và Ấn Độ đang di chuyển vào khu vực châu Phi.

Hội nghị Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) thường niên lần thứ 52 được tổ chức hồi tháng 5/2017 vừa qua tại bang Gujarat (Ấn Độ) là một sự kiện mang tính bước ngoặt vì đây là lần đầu tiên Ấn Độ tổ chức hội nghị kể từ khi nước này gia nhập AfDB năm 1983.

Trong hội nghị lần này, một sáng kiến quan trọng được đề xuất là việc thành lập Hành lang Tăng trưởng Á-Phi, trong đó Ấn Độ và Nhật Bản sẽ hợp tác phát triển châu Phi. Một bản tài liệu tầm nhìn phát triển khu vực châu Phi do các viện nghiên cứu của Nhật Bản, Ấn Độ, châu Phi phối hợp chuẩn bị, cũng đã được công bố tại hội nghị.

Tài liệu này đã được ủy quyền sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Shinzo Abe ở Tokyo vào tháng 11/2016, nơi hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện khả năng kết nối giữa châu Á và châu Phi, được coi là quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng hơn.

Tài liệu dày 30 trang này xác định 4 lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Ấn Độ và Nhật Bản tại châu Phi, bao gồm nâng cao năng lực và kỹ năng, cơ sở hạ tầng chất lượng và năng lực thể chế, các dự án phát triển và hợp tác, đẩy mạnh hợp tác giao lưu nhân dân. Tuy nhiên, tài liệu này không đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể.

Thông tin chi tiết và kế hoạch cụ thể của tài liệu này có thể sẽ được đưa ra khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Ấn Độ vào cuối năm 2017 để tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên của họ.

Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều là những nhà đầu tư lớn ở châu Phi và viện trợ kinh tế của họ cho khu vực này tăng đáng kể trong những năm gần đây. Cả hai nước cũng cam kết làm nhiều hơn nữa ở châu Phi. Thay vì chỉ đơn giản là góp phần cá nhân, họ nhìn thấy những triển vọng tốt hơn trong phát triển châu Phi thông qua quan hệ đối tác.

Trong lịch sử hiện đại, các mối liên kết của Ấn Độ với châu Phi cần phải xem xét từ những năm đầu của thế kỷ 20, khi đó Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ các phong trào chống thực dân và độc lập của châu Phi. Ấn Độ có một cộng đồng lớn ở châu Phi có nguồn gốc từ thời kỳ thuộc địa của Anh.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại buổi khai mạc hội nghị lần thứ 52 của AfDB tại Gujarat. Ảnh: PTI

Cộng đồng người Ấn Độ tại khu vực này vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với quê hương thông qua thăm thân, kiều hối, thương mại và đầu tư. Ấn Độ đã tận dụng những nguồn lực này để tạo lợi thế cho mình trong việc xây dựng các mạng lưới với lục địa châu Phi. Thời gian gần đây, Ấn Độ đã can dự sâu hơn vào khu vực này thông qua Diễn đàn Ấn Độ-châu Phi, được thành lập vào năm 2008.

Trong khi đó, các mối liên kết của Nhật Bản với châu Phi gần đây tập trung nhiều vào viện trợ và đầu tư. Nhật Bản là quốc gia châu Á tiên phong trong việc xây dựng một diễn đàn Nhật Bản-châu Phi vào năm 1993 thông qua Hội nghị quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi.

Với ưu thế vượt trội về kỹ thuật, kinh nghiệm trong các dự án cung cấp viện trợ và cơ sở hạ tầng chất lượng, Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Kenji Hiramatsu tuyên bố rằng các công ty Nhật Bản đang tạo ra những chuyển biến bằng cách “tận dụng các mạng lưới do Ấn Độ phát triển để xâm nhập vào châu Phi”.

Các dự án liên doanh giữa Nhật Bản và Ấn Độ tại khu vực này đang được thực hiện một cách chiến lược nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở châu Phi thông qua viện trợ ồ ạt, thương mại và đầu tư. Đó là chưa kể đến sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, với các dự án cơ sở hạ tầng lớn thông qua các tuyến đường trên đất liền và trên biển bao trùm châu Phi, châu Á và Á-Âu.

Nhật Bản không tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc lãnh đạo, cũng giống như Ấn Độ không tham dự diễn đàn cấp cao về “Vành đai và Con đường” được tổ chức ở Bắc Kinh tháng 5/2017, một sự kiện được coi là “lễ kỷ niệm lớn nhất cho sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc kể từ Thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2008”.

Sự vắng mặt của Nhật Bản và Ấn Độ trong những sáng kiến và sự kiện lớn như vậy đã thu hút sự chú ý toàn cầu, thể hiện mối quan ngại sâu sắc của họ đối với Trung Quốc.

Ấn Độ và Nhật Bản có mối quan hệ kinh tế song phương mạnh mẽ với Trung Quốc, nhưng cả hai cũng có những vấn đề lãnh thổ chưa được giải quyết và những căng thẳng chiến lược với Trung Quốc trong khu vực. Họ mất lòng tin vào các dự án chính trị, kinh tế và quân sự của Trung Quốc ở châu Á và trên thế giới.

Trong môi trường căng thẳng và mất lòng tin như hiện nay, Nhật Bản và Ấn Độ đã bắt tay trong một cuộc cạnh tranh mới với Trung Quốc- và họ đã chọn châu Phi làm sân chơi, bất chấp có thể gây ra những hậu quả không lường trong chuyển dịch cơ cấu quyền lực vốn đang diễn ra trong khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục