"Nhảy cóc" trong khai thác đất tại Bình Định

17:51' - 26/03/2019
BNEWS Nhu cầu đất để thi công các tuyến đường trọng điểm quá lớn, dẫn đến việc các đơn vị thi công “nhảy cóc” trong việc khai thác đất là tình trạng đang xảy ra tại Bình Định.
Khu Đồi Tranh, thuộc xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, do các đơn vị thi công thỏa thuận với người dân san gạt lấy đất, vừa cải tạo mặt đất, vừa sử dụng thi công tuyến đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài (đường từ Sân bay Phù Cát về Khu kinh tế Nhơn Hội). Ảnh: Phạm Kha – TTXVN

Ngày 26/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cùng các sở, ngành liên quan phải chủ động hỗ trợ các đơn vị nhà thầu, thi công các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh tìm kiếm mỏ đất, thực hiện nhanh các thủ tục để cấp phép cho các đơn vị sử dụng các mỏ đất thi công các tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh.

Tỉnh Bình Định hiện có 3 công trình giao thông vô cùng thiết yếu phải hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm nay là tuyến trục giao thông phía Tây tỉnh, tuyến quốc lộ 19 mới (từ Cảng Quy Nhơn đến điểm giao quốc lộ 1) và tuyến đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài (đường từ Sân bay Phù Cát về Khu kinh tế Nhơn Hội).

Cả 3 công trình giao thông này đều là công trình trọng điểm, vô cùng thiết yếu đối với sự phát triển của tỉnh Bình Định ngay khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nguồn đất để thi công quá lớn dẫn đến một số vấn đề nảy sinh. Nhiều đơn vị thi công không tìm được mỏ đất, nên đã mua lại những khu đồi của người dân, thực hiện san gạt, vừa cải tạo khu đất, vừa sử dụng đất thừa để đổ nền các tuyến đường trọng điểm đang thi công.

Nếu đầy đủ giấy phép, thủ tục để khai thác đất các khu vực này cần 7 loại thủ tục hành chính khác nhau và thời gian nhanh nhất là 10 ngày làm việc. Trong khi đó, mỗi khu vực chỉ khai thác được một ít đất.

Hai tuyến đường trục giao thông phía Tây tỉnh, tuyến quốc lộ 19 mới về cơ bản đã đổ xong nền đường.

Riêng tuyến trục Khu kinh tế nối dài (dài 20km) hiện đang vào giai đoạn thi công gấp rút. Vì nền đất qua các khu vực ruộng lúa thấp và mặt đường rộng lên tới 30m (có đoạn rộng 20,5m), nên lượng đất cần cho tuyến đường này lên tới 1 triệu m3.

Các đơn vị thi công chỉ mới đổ được khoảng 100.000 – 200.000 m3. Hiện tại, khả năng cung cấp đất cho tuyến đường này đang bị thiếu hụt trầm trọng.

Xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát là một trong những địa phương mà tuyến đường trục Khu kinh tế nối dài đi qua. Nhiều đơn vị thi công đã thương lượng với người dân sử dụng đất từ các khu đồi đất xấu để sử dụng nhưng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết về đánh giá tác động môi trường, đo khối lượng sẽ san gạt.

Phó chủ tịch UBND xã Cát Nhơn Trần Văn Cư cho hay:

“Nhiều khu đồi đất rất xấu, giao đất cho người dân trồng rừng bạch đàn từ năm 1993 đến nay vẫn chưa thu hoạch được. Nhu cầu đất làm đường đang rất bức xúc và nhu cầu cải tạo mặt đất những khu đồi của người dân cũng đang cần thiết. Từ đó, các đơn vị thi công mua lại đất của dân, tuy nhiên một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục. Mới đây, các ngành chức năng và xã Cát Nhơn đã lập biên bản yêu cầu 4 đơn vị tạm dừng khai thác trước khi thực hiện đủ các thủ tục cần thiết”.

Ông Cư cũng cho biết thêm, một bức xúc khác là việc vận chuyển đất từ điểm khai thác đến điểm thi công phải đi qua 2 tuyến đường bê tông nông thôn do người dân góp kinh phí xây dựng.

Do lo ngại tuyến đường bê tông bị hư hỏng, người dân chỉ đồng ý để các loại xe tải nhỏ vận chuyển. Điều này càng làm cho việc thi công tuyến đường trọng điểm này gặp trở ngại, chậm tiến độ.

“Do vậy, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh Bình Định sớm cho triển khai thi công tuyến đường mới phục vụ thi công. Như vậy thì các loại xe trọng tải lớn mới có thể vận chuyển đất đá để thi công nhanh tuyến đường này được” – ông Cư nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục